Mặc dù sinh ra và lớn lên ở một vùng quê miền núi Hà Tĩnh nhưng trong suốt 30 năm qua, tình yêu biển đảo trong trái tim người cựu chiến binh (CCB) Lê Hữu Thảo – Trưởng ban Liên lạc CCB Gạc Ma – HQ604 – vẫn dạt dào như sóng biển.
CCB Lê Hữu Thảo (bìa phải hàng ngồi) cùng đồng đội Lữ đoàn 146, binh chủng hải quân (ảnh do nhân vật cung cấp) |
Sống lại 30 năm trước
Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma, Trường THPT Hương Khê, Hà Tĩnh đã tổ chức chuyên đề về Tình yêu biển đảo và biên cương Tổ quốc. Trong buổi sinh hoạt ngoại khóa đó, các em HS tham dự thật sự ấn tượng với những câu chuyện kể của một nhân chứng sống từng tham gia chiến đấu và bảo vệ đảo Gạc Ma cách đây 30 năm. Người đó chính là CCB Lê Hữu Thảo – Trưởng ban Liên lạc CCB Gạc Ma – HQ604, nguyên là HS cũ của trường. Thiêng liêng và xúc động hơn, anh Thảo còn đứng ra tổ chức một buổi lễ tưởng niệm và tri ân những anh em, đồng đội đã hy sinh bằng hình thức thả vòng hoa tưởng niệm trên bãi biển Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) vào ngày 14-3-2018. Bên cạnh anh, lúc này chỉ còn 10 CCB và 9 thân nhân liệt sĩ từ Quảng Trị đến Nghệ An thắp lên ngọn nến tưởng niệm đến những liệt sĩ đã khuất sau 30 năm.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó thuộc huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1986, tạm xa gia đình và địa phương anh lên đường nhập ngũ. Có lẽ đây là thời gian để lại cho anh nhiều kỷ niệm với quê nhà: “Tháng 2-1986, tôi lên đường nhập ngũ được biên chế vào Lữ đoàn 147 hải quân đánh bộ thuộc Quân chủng Hải quân đóng quân tại Quảng Ninh. Cuối năm 1987, tình hình ở Trường Sa có nhiều diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Lữ đoàn 147 điều động gấp một số cán bộ chiến sĩ tăng cường cho Lữ đoàn 146 để ra làm nhiệm vụ giữ đảo”. Trong 2 năm sống giữa trùng khơi, những khó khăn của cuộc sống người lính đảo anh cùng đồng đội đều nếm trải. Đến năm 1988, tình hình chiến sự càng thêm gay gắt mà cao điểm là vào ngày 13-3-2018.
Hạnh phúc được làm cầu nối đồng đội
Anh Thảo nhớ lại: “Con tàu HQ604 chở gần 100 cán bộ chiến sĩ của nhiều đơn vị khác nhau như thủy thủ đoàn, bộ phận lính công binh Trung đoàn E83, lính hải đồ thuộc Bộ tổng tham mưu, 2 trung đội lính chiến đấu thuộc Lữ đoàn 146 hải quân đánh bộ cập đảo đá Gạc Ma sau chừng 30 phút thì tàu khu trục của Trung Quốc ập đến, dùng loa kêu gọi tàu và bộ đội ta phải rời đảo nhưng chúng tôi lên boong tàu bắt tay lên miệng làm loa và nói đây là lãnh thổ thuộc chủ quyền của Việt Nam yêu cầu tàu và quân Trung Quốc rút khỏi đây ngay”. Thế nhưng vào sáng hôm sau khi thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa đảo thì bọn chúng khiêu khích và xả súng vào đội hình xếp vòng tròn giữ lá cờ Tổ quốc. Tàu HQ604 bị bắn chìm và rất nhiều đồng đội hy sinh cũng như bị thương trôi dạt trên biển, tôi cố gắng bơi ra để cứu vớt đồng đội rồi trở lại đảo cùng những người may mắn sống sót tìm vớt thi thể đồng đội cũng như những người bị thương”.
CCB Lê Hữu Thảo nhận kỷ vật về sự kiện Gạc Ma năm 1988 |
Năm 2018, nhân dịp kỷ niệm 30 năm sự kiện Gạc Ma là người trong cuộc và là Trưởng ban Liên lạc CCB GM – HQ604 sợi dây kết nối các CCB, các gia đình thân nhân liệt sĩ, anh Thảo gọi điện đến từng nhà thăm hỏi và động viên cha mẹ, vợ con thân nhân liệt sĩ. Không những thế anh còn tổ chức đi thăm một số gia đình CCB có hoàn cảnh khó khăn rồi viết bài kêu gọi các tổ chức xã hội chung tay giúp đỡ.
Với anh, dù cuộc sống gia đình riêng vẫn còn khó khăn vì lập gia đình muộn, con trai đầu Lê Nguyễn Trường Sa mới 2 tuổi nhưng tận đáy lòng anh vẫn nhận thấy trách nhiệm của mình phải làm gì đó để động viên an ủi những người đang sống mong góp một phần trách nhiệm với các đồng đội đã hy sinh. Dù trong hoàn cảnh nào, người CCB Lê Hữu Thảo vẫn sáng ngời phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ tràn đầy tình yêu, trách nhiệm đối với biển đảo và biên cương Tổ quốc.
“Theo tôi ngành giáo dục nên đưa các sự kiện về biên giới, hải đảo vào sách giáo khoa các cấp, dung lượng từ thấp lên cao từ cấp tiểu học đến đại học. Nhắc lại lịch sử không phải để khắc sâu hận thù cũng không phải để kích động chiến tranh mà học lịch sử để hiểu rõ truyền thống đấu tranh gian khổ và sự hy sinh của các thế hệ cha ông ta có từ thuở trước, hiểu rõ cái giá của tự do độc lập, rút ra những bài học kinh nghiệm xương máu cho hiện tại và tương lai, nhắc nhở và tô thắm thêm niềm tự hào dân tộc, biết tôn trọng và nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ cũng như những người có công với nước làm đẹp truyền thống văn hóa uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa có tự lâu đời trong hồn người Việt. Thế kỷ 21 là kỷ nguyên kinh tế biển. Chúng ta phải nắm rõ về Luật Biển, nắm rõ về lục địa và thềm lục địa, quyền và chủ quyền tài phán quản lý khai thác sử dụng cả kinh tế cũng như quốc phòng. Vậy nên ngành giáo dục cần cân nhắc đưa thêm nhiều hơn thời lượng vào môn địa lý và lịch sử” – CCB Lê Hữu Thảo nói!
Nguyễn Hoàng Anh
Bình luận (0)