Ngày 6.2, UBND Q.1 (TP.HCM) ra quân xử phạt tiểu bậy nơi công cộng. Phó chủ tịch UBND Q.1 Đoàn Ngọc Hải trực tiếp chỉ huy lực lượng trật tự đô thị, công an với khoảng 30 người đi kiểm tra tình trạng tiểu bậy trên các tuyến đường thuộc địa bàn quận.
Chưa đầy 10 phút sau khi xuất phát, đoàn kiểm tra phát hiện 2 trường hợp tiểu bậy trên đường Hoàng Sa. Cả hai đều bị ghi hình “quả tang”, trước khi bị lập biên bản vi phạm.
Trong đó, trường hợp người vi phạm là ông V.T.L (58 tuổi, ở P.Tân Định, hành nghề chạy xe ôm) chấp nhận ký biên bản ngay; còn anh Đ.Q.T (35 tuổi, Việt kiều Mỹ) lúc đoàn đến yêu cầu xuất trình giấy tờ để lập biên bản đã chối bay.
Tuy nhiên, khi được mời về trụ sở Công an P.Tân Định làm việc, xem đoạn video lực lượng trật tự đô thị quay lại cảnh tiểu bậy thì người này mới chịu nhận lỗi.
Đáng lưu ý, theo ghi nhận của PV, nhiều trường hợp tiểu bậy ở ngay những nơi có gắn biển cấm phóng uế; gần sát nhà vệ sinh công cộng… Người tiểu bậy không chỉ có xe ôm, đánh giày, bán vé số mà cả người đi ô tô, xe máy cũng dừng lại, lên vỉa hè… phóng uế, khiến nhiều đoạn vỉa hè nhếch nhác, bốc mùi hôi thối.
Theo ông Phạm Nhất Trí, Đội phó Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, căn cứ theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 1.2.2017, hành vi tiểu bậy nơi công cộng có mức phạt rất nặng, từ 1 – 3 triệu đồng (mức phạt trước đó cao nhất chỉ 200.000 đồng, nếu tái phạm cũng chỉ 300.000 đồng – PV). Người vi phạm bị buộc phải dội nước nơi đã tiểu bậy.
“Sau khi Q.1 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hành vi tiểu bậy nơi công cộng, người vi phạm trong vòng 10 ngày phải đến Kho bạc Nhà nước TP nộp phạt. Nếu không nộp phạt thì Q.1 sẽ gửi thông báo đến chính quyền địa phương nơi người vi phạm cư trú để đôn đốc, yêu cầu thực hiện. Nếu vẫn chây ì, Q.1 tiến hành cưỡng chế bằng cách kê biên tài sản hoặc trừ lương đối với người làm việc có hưởng lương theo quy định”, ông Trí nói.
“Phủ” nhà vệ sinh công cộng trong năm 2017
Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng tiểu bậy tràn lan, bên cạnh ý thức của người vi phạm còn có nguyên do thiếu nhà vệ sinh công cộng (VSCC). Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, trên toàn địa bàn TP có khoảng 300 nhà VSCC, tập trung trên vỉa hè các tuyến đường, công viên ở các quận nội thành; các quận, huyện ngoại thành thì số lượng không đáng kể. Bà Mỹ nhìn nhận với TP có hơn 10 triệu dân và hàng chục triệu lượt du khách đến tham quan mỗi năm, số lượng nhà VSCC hiện có đa phần đã cũ, xuống cấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong năm 2016, có 3 nhà đầu tư đăng ký làm nhà VSCC, trong đó có 1 doanh nghiệp đăng ký làm 1.000 cái với tổng số tiền đầu tư dự kiến khoảng 110 tỉ đồng. Tuy nhiên, thực tế tiến độ xây dựng nhà VSCC còn chậm.
Về thực trạng này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP đang thống kê nhu cầu thực tế của từng địa bàn quận, huyện; xác định vị trí đặt nhà VSCC để đầu tư phù hợp. “Chủ trương mà TP đã đề ra là trong năm 2017 sẽ “phủ” nhà VSCC với tiêu chuẩn hiện đại, tự động vận hành để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và du khách”, ông Tuyến nói.
|
Đình Phú – Đức Tiến (TNO)
Bình luận (0)