Do cạnh tranh giá cả quyết liệt và tìm cách tăng thêm lợi nhuận bằng mọi thủ đoạn mà hiện nay, các cơ sở ủ giá đã dùng các loại hóa chất để kích thích sự tăng trưởng và làm đẹp sản phẩm. Đây chính là mối nguy hại tiềm ẩn cho sức khỏe người tiêu dùng khi ăn phải những loại thực phẩm “bẩn” mà mắt thường không phát hiện được.
Giá bán trôi nổi ngoài lề đường |
Loại rau vừa rẻ vừa tiện lợi
Giá (còn gọi là giá đỗ, giá đậu xanh) là một thành phẩm từ hạt đậu xanh nảy mầm, từ lâu trở thành một loại rau trong bữa ăn hàng ngày. So với các loại rau xanh khác, giá có nhiều ưu điểm hơn khi ủ từ những hạt đậu xanh vì không cần đất trồng và diện tích mặt bằng. Chỉ cần một chiếc rổ nhỏ và que gài, ít nước tưới hàng ngày là các bà nội trợ có thể tự tay làm ra giá trong vài ngày mà không tốn nhiều công sức. Mặt khác khi vào bếp, giá có thể chế biến được nhiều món ăn từ đơn giản đến phức tạp như: ăn sống, xào, nấu canh trứng, pha mì… Với người dân Nam bộ, giá còn là loại rau phổ biến hơn trong tô cháo, hủ tiếu, bún bò và làm ra nhiều món ăn dân giã nhưng ngon miệng như: bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn…
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, giá là loại rau giàu vitamin đặc biệt vitamin C. BS Đào Thị Yến Thủy – chuyên gia dinh dưỡng cho biết, ngoài vitamin, giá còn có khoáng chất, animo axít, protein và các chất có nguồn gốc thực vật. Theo BS Thủy, các chất cần để cây nảy mầm phát triển cũng là các chất bổ dưỡng cho người ăn. Cũng như các loại mầm ngũ cốc như đậu phộng, bắp, lúa, quả cọ, đậu nành, ăn giá cũng là cách để có thêm giá trị dinh dưỡng và giúp cơ thể tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng của các loại đậu và ngũ cốc.
BS Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM khuyên: “Tuyệt đối không mua giá đỗ mập quá hay dài bất thường, màu trắng không tự nhiên vì có thể được ngâm ủ bằng hóa chất và tẩy trắng. Trước khi chế biến nên rửa kỹ giá và hạn chế ăn sống. Cũng không nên ăn quá nhiều giá trong một bữa ăn vì trong giá còn có thể tồn dư một ít chất độc có hại cho sức khỏe”. |
Chị Hà, ngụ ở P.Bình Trưng Đông, Q.2 cho biết, trước đây để tiết kiệm chi tiêu và có sẵn đậu xanh từ quê gửi vào, gia đình đã có thói quen ủ giá để dùng trong gia đình. Mặc dù cách làm giá không khó nhưng phải qua nhiều công đoạn hơn nữa sau này loại rau này ngoài chợ rẻ nên chị cũng “giải nghệ” luôn. Theo lời chị Hà, giá ủ tại nhà phải mất 4 ngày và không phải lúc nào cũng thành công nếu không biết chăm sóc. Hầu hết cây giá thành phẩm thường nhỏ, nhiều rễ trông không đẹp. Do làm thủ công nên chủ yếu ủ trong bếp, lá tre hoặc cát. Thế nhưng, hiện nay ngoài thị trường các loại giá bán trong chợ cây nào cũng dài và to lại ít rễ. Đây cũng là nhận xét của nhiều bà nội trợ khi mua giá ngoài chợ về. Bà Thanh, nhà ở đường Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh thường mua giá về bán hủ tiếu khẳng định: “Chưa có loại rau nào rẻ như giá, nếu mua lẻ chỉ có 10.000 đồng còn mua sỉ với số lượng nhiều giá chỉ 8.000 đồng một ký hoặc có khi rẻ hơn”.
Tiềm ẩn nguy cơ tồn dư chất độc trong giá
Tại chợ Căn Cứ, P.17, Q.Gò Vấp, TP.HCM, sáng sớm nhiều người đi tập thể dục về thường hay ghé mua giá bên lề đường vì nơi đây có thêm tấm bảng ghi: “Bán giá sạch”. Chị Lý, nhà ở đường An Nhơn kể: “Không biết giá này người ta có ủ hóa chất hay không nhưng thấy người bán ghi vậy nên tôi cũng an tâm hơn”. Theo hướng dẫn của bà Lý, cây giá tự làm thường ngắn và cong hơn cây giá ngâm hóa chất. Ngoài ra cây giá có ít rễ chùm mà chỉ có rễ cọc là cây giá “lạ”. Điều này cũng đúng với lời kể của chị Thu, một người bán giá trên đường Trần Khắc Chân, P.9, Q.Phú Nhuận là cây giá ủ bình thường bao giờ cũng không trắng và đẹp bằng giá ngâm hóa chất. Theo chị Thu, hiện nay mỗi ký đậu xanh ủ được 6 đến 7 ký giá phải mất 4 ngày. Còn nếu dùng hóa chất thì trọng lượng tăng gấp đôi do no nước và thời gian rút ngắn hơn nên dù bán giá rẻ vẫn có lời.
Thời gian gần đây, theo phản ánh của người dân, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện ra một số cơ sở sản xuất giá với quy mô lớn có chứa chất độc hại trong loại rau làm từ đậu xanh này. Một thời gian dài trong 6 tháng đầu năm, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận đã lập biên bản và xử phạt các cơ sở ủ mầm giá vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vào ngày 12-5, tại cơ sở sản xuất giá của ông Hà Tấn T. xã Hàm Thắng, Phòng Cảnh sát môi trường và Công an tỉnh Bình Thuận phối hợp cùng với đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm số 2 tỉnh Bình Thuận đã phát hiện quả tang cơ sở này sản xuất giá quy mô lớn bằng công nghệ ngâm, tưới vôi bột và hóa chất kích thích tăng trưởng ghi nhãn mác Trung Quốc. Khi được hỏi chất bột trắng và thuốc kích thích được sử dụng như thế nào thì ông T. trình bày với đoàn kiểm tra thủ đoạn như sau: “Đậu xanh được ngâm với vôi Càng Long rồi cho vào các thùng nhôm để ủ, sau đó cứ 3 giờ thì luân phiên dùng nước vôi Càng Long và nước lạnh để tưới. Đến ngày thứ 2 thì dùng thuốc kích thích tăng trưởng mang chữ Trung Quốc mua tại Phan Thiết pha với nước tưới vào trong thùng nhôm để thân cây giá mập lên và không ra rễ. Tưới đến ngày thứ 6 thì có giá bán. Trước khi đưa giá thành phẩm ra thị trường, cây giá được ngâm trong bể nước có pha chất bột màu trắng mà theo ông T. là chất tẩy rửa nhằm mục đích làm cho cây giá có màu trắng đẹp bắt mắt sau đó xả qua nước lạnh rồi đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ.
Ông T. cũng thừa nhận với đoàn kiểm tra, mặc dù biết ngâm giá với chất tăng trưởng và thuốc tẩy trắng là độc hại nhưng do khách hàng yêu cầu phải có cây giá to mập, không rễ và trắng đẹp nên mới làm để bán được hàng. Đây cũng là cách sản xuất giá bằng thuốc kích thích của một “lò” ủ giá tại Q.Tân Phú vừa được các cơ quan chức năng phát hiện vào cuối tháng 6 tại TP.HCM.
Bài, ảnh: Quang Phan
Bình luận (0)