Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, sức mua của người tiêu dùng cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng giảm đáng kể. Mặt bằng treo bảng “cho thuê” ngày càng tăng theo cấp số nhân. Các trung tâm thương mại, người bán nhiều hơn người mua; siêu thị và chợ truyền thống thưa thớt khách hàng… Nhiều chuyên gia cho rằng đã đến lúc các doanh nghiệp (DN) phải chấp nhận bán hàng giá rẻ để kích cầu tiêu dùng cũng như tránh khủng hoảng hàng tồn kho. Và đây cũng là một giải pháp thúc đẩy kinh tế TP.HCM phát triển…
Các doanh nghiệp cần hạ giá bán để tăng sức mua của người tiêu dùng
Không có nhà bán lẻ nào tăng trưởng dương
Ông Nguyễn Anh Đức – Tổng Giám đốc Saigon Co.op – cho biết, trong lĩnh vực bán lẻ có một chỉ số là niềm tin của người tiêu dùng (CCI) đo lường bởi các công ty nghiên cứu độc lập. Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, CCI tại Việt Nam đều ở mức cao và người tiêu dùng TP.HCM luôn đóng góp mức lạc quan. Nhưng vừa qua, lần đầu tiên chỉ số này ở mức thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mức tăng trưởng của ngành bán lẻ nước ta năm 2022 là 22%, năm 2023 – theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ 17,5% nhưng thực tế những tháng đầu năm con số này thấp hơn. Thống kê của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho thấy, không có nhà bán lẻ nào trong quý I tăng trưởng dương.
“Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đi vào giai đoạn suy thoái. Đây là những vùng có hợp tác sâu rộng với Việt Nam nên chúng ta bị tác động rất nhiều. Đồng thời, hiện nay trên thế giới đang có những dấu hiệu mất cân đối cung cầu nên TP.HCM cần có sự chuẩn bị ứng phó. Cụ thể như dấu hiệu của khủng hoảng thừa – tức các DN không đồng ý bán với giá thấp hơn sản xuất, khi đó TP cần phải có sự vận động để DN thấu hiểu, chấp nhận bán giá rẻ để tránh khủng hoảng thừa”, ông Đức nói.
Xung quanh vấn đề này, TS. Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – nhấn mạnh, kinh tế TP.HCM quý I/2023 giảm sâu ai cũng thấy. TP.HCM với độ mở đặc biệt, khi môi trường vĩ mô thuận lợi thì kinh tế TP thuận lợi, ngược lại khi bất lợi thì TP cũng bị bất lợi theo.
“Bước vào năm nay TP.HCM chịu 3 tác động lớn về khách quan. Một là hạ tầng, vấn đề tồn tại nhiều năm chưa giải quyết được, là điểm nghẽn không mới, chúng ta có thể thấy rất nhiều dự án bị vướng; Hai là chưa đánh giá hết những tác động, nhất là đối với những DN vừa và nhỏ, các hộ sản xuất – kinh doanh. TP.HCM có khoảng 400.000 hộ kinh doanh và kinh tế phi chính thức vẫn chưa thống kê được. Trong giai đoạn Covid-19, có 3 nhóm DN là nhóm các DN còn thị trường, nhóm các DN dật dờ và nhóm các DN đã mất thị trường, mất khách hàng. Đến giờ, vấn đề này vẫn chưa cải thiện; Ba là tác động bất ổn của vĩ mô từ quý 4 năm ngoái tiếp tục lan sang năm nay. Những vấn đề này vẫn đang tồn tại và có những cái TP tháo gỡ được, có những cái chưa tháo gỡ được. Bức tranh kinh tế trong 4 tháng đầu năm chưa có gì sáng. Thậm chí có ý kiến cho rằng kinh tế có thể khởi sắc từ cuối quý 2 nhưng cũng rất khó khi dựa vào một số chỉ số thị trường. Ví dụ, trong 4 tháng đầu năm kinh tế Việt Nam dựa trên các trụ cột xuất khẩu, đầu tư công. Bức tranh thị trường còn rất khó và chưa thể có giải pháp hiệu quả hơn. Ngay cả tổng doanh thu hàng hóa dịch vụ quý I tăng tốt nhưng qua tháng 4 bắt đầu chững lại, sức mua thị trường rất thấp. Hay như du lịch, tôi vừa đi dọc miền Trung, khách thưa thớt, kích thích thị trường nội địa rất hạn chế…”, TS. Lịch tâm tư.
Khẩn trương giảm thuế giá trị gia tăng
“Để kinh tế sớm phục hồi, tôi kiến nghị phải dựa vào vĩ mô, phải tăng sức mua cho thị trường bằng cách triển khai chính sách kích tổng cầu nội địa lên thông qua 2 công cụ của Nhà nước và công cụ của DN. Trong đó, công cụ của Nhà nước là nghiên cứu tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo từng ngành, không chỉ giảm xuống 8% như vừa qua mà cần giảm xuống 5-6% – cần giải pháp mạnh hơn. Thứ hai là cần đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng, kích cầu thị trường nội địa thông qua tín dụng tiêu dùng. Còn về phía DN, cần một loạt chiến dịch chấp nhận giảm giá, kích thích thị trường kể cả du lịch. Bởi trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn như hiện nay nếu không thúc đẩy thị trường nội địa sẽ ảnh hưởng lớn đến tồn kho và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cần kích cầu thị trường nội địa trên tất cả các mặt”, TS. Lịch nêu ý kiến.
Nhằm tạo điều kiện cho ngành bán lẻ phát triển, ông Đức cho rằng, cần hỗ trợ trực tiếp cho người tiêu dùng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT 2% (giảm từ 10% xuống 8%), cần triển khai càng sớm càng tốt để kích cầu, qua đó DN có thêm “hơi thở” mới.
Nói rộng ra với cả nền kinh tế, TS. Lịch cho rằng, chính quyền TP.HCM đang làm những giải pháp căn cơ và tình thế. Về tình thế cần rà những điểm nghẽn có thể xử lý được để hấp thụ dòng vốn đầu tư công, nhất là thị trường bất động sản, vì thị trường này nếu không xử lý được thì các DN sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Còn về căn cơ, Quốc hội đang bàn về nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, nếu được thông qua và áp dụng ngay thì hàng chục dự án, chương trình dự án sẽ được triển khai ngay…
“TP.HCM là một bộ phận của kinh tế cả nước, căn bản khó khăn còn tiếp tục nhưng phải gỡ những vấn đề căn cơ và phải gỡ được thì mới có sức bật cho những năm sau. Còn nếu chỉ gỡ những cái tình thế thì khó khăn sẽ lập lại ở một thời gian khác…”, TS. Lịch nhấn mạnh.
PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – khẳng định: “Vấn đề của TP.HCM không chỉ là của TP mà phải xác định đây là vấn đề của cả nước. Cơ chế, chính sách đột phá cho TP.HCM là cho cả nước. Bởi TP gánh trên vai sứ mệnh đầu tàu cả nước, đầu tàu bứt tốc mạnh mẽ thì kéo cả đoàn tàu đi lên. Hiện nay có tâm lý không dám hành động do vướng quá nhiều. Chúng ta cần nhận diện để giải quyết vấn đề dài hạn. Đây là thời điểm mang tính cơ hội, mở ra tầm nhìn khác để TP.HCM lấy lại vị thế, tăng trưởng”.
TP.HCM là đầu tàu nhưng suốt 15-20 năm chưa có được những sự thay đổi căn bản. TP.HCM đề xuất nhiều cái rất hay nhưng ít được áp dụng, như mô hình chính quyền đô thị. Kinh tế TP.HCM suy yếu về vị thế dù nội lực vẫn dồi dào; những nút thắt, điểm nghẽn tăng trưởng không được tháo gỡ triệt để mà còn tăng lên (giao thông, ngập nước, tắc nghẽn hạ tầng…), những động lực mới không được đưa ra. Do đó phải tạo ra những đột phá, động lực mới cho TP.HCM. Ngay bây giờ là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho TP.HCM và TP xứng đáng được điều đó.
“TP.HCM muốn vượt lên phải biến mình thành trung tâm hội nhập quốc tế của đất nước. Có thể có những dự án đột phá như Cảng trung chuyển Cần Giờ, trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm thương mại để kéo thế giới vào đây. Các yếu tố này cộng hưởng được với nhau, cùng với vùng Đông Nam bộ, TP.HCM sẽ kéo được các nhà đầu tư lớn, thu hút được các tập đoàn lớn”, ông Thiên nói.
Hòa Triều
Bình luận (0)