- 1 Người tiêu dùng ưu tiên thực phẩm sạch: Doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng?
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng. Doanh nghiệp cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ATVSTP.
Ngày 27-3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) đã tổ chức hội thảo “Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Tại hội thảo, bà Hồ Thị Quyên – Phó Giám đốc ITPC nhấn mạnh tầm quan trọng của an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bà Quyên cho rằng, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, các doanh nghiệp cần ưu tiên nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến quy trình sản xuất và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ATVSTP.
Nói về những thay đổi trong quy định ATVSTP năm 2025, bà Nguyễn Phượng Vĩ, Trưởng phòng Tư vấn thị trường và ghi nhãn thực phẩm Eurofins Sắc Ký Hải Đăng Vỹ cho rằng đây là nội dung các doanh nghiệp cần đặc biệt chú ý.
Bà Vĩ thông tin, dự kiến trong năm 2025, nhiều quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) mới sẽ có hiệu lực, như QCVN 20-1:2024/BYT quy định giới hạn về kim loại nặng và vi sinh vật, có hiệu lực từ ngày 1-8-2025.
Thông tư QCVN 8-1:2025/BYT cũng sẽ được ban hành vào tháng 10-2025, với những thay đổi về mức tối đa cho các độc tố vi nấm như Aflatoxin, Ochratoxin A, Deoxynivalenol, Fumonisin, cùng với việc bổ sung các chỉ tiêu mới như Ergot sclerotia và Ergot alkaloids.
Bên cạnh đó, Thông tư 52/2024/TT-BYT ban hành QCVN 01-1:2024/BYT, có hiệu lực từ 1-7-2025, quy định rõ tần suất và số lượng mẫu kiểm nghiệm đối với các đơn vị cấp và sử dụng nước sạch, với 10 chỉ tiêu nhóm A được kiểm tra không ít hơn 1 tháng/lần.
Bà Vỹ cho rằng, những quy chuẩn mới về ATVSTP đang có xu hướng đi theo của tiêu chuẩn của EU, tuy nhiên, vẫn có những khác biệt. Theo bà, cần đặc biệt chú ý sự khác nhau giữa quy chuẩn Việt Nam và thế giới để tránh việc đáp ứng thị trường nội địa, nhưng không thể xuất khẩu.

Trên thực tế, trong năm 2024, EU đã có cảnh báo về sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam chứa chất ô nhiễm, vi sinh, khánh sinh, thuốc bảo vệ thực vật.
Bên cạnh đó, bà Vỹ cũng nhấn mạnh thông tin từ ngày 1-1-2026, nhãn thực phẩm bao gói sẵn phải ghi thông tin giá trị năng lượng.
Cụ thể, bảng thành phần dinh dưỡng với 5 yếu tố bắt buộc: Năng lượng; chất đạm; Carbohydrate; Chất béo; Natri, và 2 yếu tố điều kiện bao gồm: Đường tổng số; chất béo bão hòa.
Theo bà Vĩ, thay vì chờ đến năm 2026, các doanh nghiệp nên thực hiện quy định này từ bây giờ. Tránh trường hợp khi sản xuất các sản phẩm có hạn sử dụng dài, đến năm 2026 lại phải thu hồi vì không làm đúng quy định về nhãn thực phẩm.
Năm 2024, TP.HCM tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra 19.121 cơ sở, lập biên bản kiểm tra 13.690 cơ sở (tăng 10,3% so với năm 2023). Qua đó, phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính tại 47 cơ sở (chiếm 0,3%), với tổng số tiền phạt lên đến 586.336.500 đồng. |
Cuối cùng, để đảm bảo ATVSTP, bà Vĩ cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng 4 yếu tố bao gồm: Xưởng; nguyên liệu; nước; thành phẩm.
Trong đó, xưởng cần có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Cần chú ý sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào, chất hỗ trợ chế biến, phụ gia thực phẩm đúng quy định ATVSTP.
Đối với nguồn nước, chú trọng những vấn đề có thể gây mất ATVSTP như thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vi sinh vật, kim loại nặng, độc tố, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác.
Tại hội thảo, bà Huỳnh Thị Kim Cúc – nguyên Phó Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã trình bày về vai trò của bao bì trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm và các quy định về ghi nhãn hàng hóa. Ông Nguyễn Trung Dũng – Trưởng phòng Giải pháp an toàn thực phẩm Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đã đi sâu vào quy trình quản lý rủi ro ATVSTP cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hội thảo là một phần trong chuỗi sự kiện của Triển lãm Quốc tế ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM 2025 (HCMC FOODEX), dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 19-4-2025. ITPC kỳ vọng hội thảo sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, góp phần phát triển bền vững ngành thực phẩm.
Thủy Phạm
Bình luận (0)