Số lượng tranh lụa ở Việt Nam dường như càng ít dần đi nhưng không vì thế mà thiếu những người trẻ đam mê tranh lụa
Người xem lưu luyến
Giới chuyên môn nhận định điều khiến tranh lụa đi vào điểm trầm chính là "tuổi thọ của tranh lụa ngắn, bảo quản khó nên mất dần sức cạnh tranh với các thể loại tranh khác".
Những buổi triển lãm tranh lụa trong thời gian gần đây hầu như rất ít. Họa sĩ vẽ tranh lụa cũng ngày càng ít đi vì không sống được với nghề. Trong mối tương quan ấy, việc nhiều người bi quan về sự tồn vong của tranh lụa hẳn là có cơ sở.
Dù vậy, vẫn có những bức tranh lụa khiến người xem lưu luyến. Theo đuổi công việc hội họa gần 15 năm, tranh lụa vẫn "hút hồn" họa sĩ Nguyễn Thị Huệ bởi sự mềm mại, nhẹ nhàng và tinh tế. Họa sĩ bộc bạch: "Là phụ nữ, tôi nghĩ vẽ tranh lụa là sự lựa chọn hợp lý nhất. Tôi yêu sự mềm mại, nhẹ nhàng trong cách đặc tả của chất liệu này. Đây cũng là loại hình truyền thống của hội họa Việt Nam".
Một số tác phẩm tranh lụa của họa sĩ Trung Đinh. Ảnh: Thùy Trang
Hay triển lãm "Hương" của họa sĩ Nguyễn Thu Hương cũng là một trong những triển lãm để lại nhiều ấn tượng. Chị sử dụng lụa dệt tay của làng Quan Phố, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam để tạo ra những bức họa mê hoặc người xem. Tranh lụa của Nguyễn Thu Hương thu hút bởi khả năng biến hóa thành nhiều phong cách như lập thể, trừu tượng. Các chủ thể dù được lặp lại nhưng chưa bao giờ là giống nhau, thường là các chủ đề rất đơn giản như phong cảnh, chân dung, cây đa, bến nước, mục đồng, mái đình…
Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương cho thấy chất liệu không "gò" cảm hứng, ngược lại nó cho người xem thấy "chất" của nghệ sĩ. Bởi vì, lụa cũng như sơn mài, đòi hỏi sự cần mẫn, thời gian, do đó cảm xúc phải đủ dày, đủ mạnh để đi hết tiến trình sáng tạo một tác phẩm.
Sáng tạo không ngừng
Lụa rất quen thuộc với người Việt. Nhưng vẽ lụa và sống được với lụa thì chưa bao giờ là việc dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay mọi thứ đang có những tín hiệu vui khi những người trẻ có tâm huyết quyết phục dựng tranh lụa với những cải tiến đáng kể về mặt kỹ thuật, quy trình và cả giá trị mỹ thuật của tranh lụa.
Họa sĩ Nguyễn Thị Huệ luôn có những phá cách, sáng tạo kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đã mang lại sức sống mới cho tranh lụa. Tranh lụa của Nguyễn Thị Huệ luôn được vẽ hai mặt với nhiều lớp, bằng nhiều chất liệu khác nhau, vừa tạo chiều sâu vừa tạo độ bền cho tác phẩm.
Họa sĩ Trung Đinh cũng đã nỗ lực thực hiện những cuộc hội thảo, triển lãm hay những mày mò, nghiên cứu về tranh lụa nhằm mục tiêu "khẳng định thương hiệu tranh lụa Việt trên thị trường thế giới". Họa sĩ Trung Đinh tâm huyết: "Tôi muốn tạo nên một hệ sinh thái công việc, thị trường cho họa sĩ theo đuổi tranh lụa thông qua giáo dục cũng như cơ hội giao thương với quốc tế".
Theo các nhà chuyên môn, tranh lụa là một loại hình nghệ thuật có nguồn gốc Á Đông mà ở đó thay vì vẽ tranh giấy, các nghệ nhân sẽ tô vẽ màu sắc và họa tiết sẽ được thể hiện trên nền tấm vải lụa. Tranh lụa truyền thống đã từng phát triển mạnh mẽ ở các nước có nền văn hóa lâu đời như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam. Tranh lụa cổ ở Việt Nam chủ yếu tập trung miêu tả lối sống sinh hoạt của người dân hoặc đặc tả chân dung.
Những người trong cuộc cho hay nét nổi bật nhất của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam là đã tìm được một mảng màu riêng cho lụa, thật kiệm màu mà vẫn tạo nên sự phong phú của sắc, các sợi tơ óng mịn được nhuộm màu nhuần nhị như có hương, có sắc, ngân lên tiếng ca sâu thẳm của tâm hồn người Việt.
Dù thừa nhận người chơi quay lưng với tranh lụa không phải nó không đẹp, không tao nhã, không sang trọng nhưng rõ ràng, tranh lụa bị thất sủng bởi sự cũ kỹ, màu sắc cũng không tươi mới và sắc nét như nhiều thể loại tranh khác. Vì vậy, giới chuyên môn cho rằng "để phục dựng lại tranh lụa, người họa sĩ cần thay đổi từ chủ đề, lối vẽ đến kỹ thuật mới mong sống được với nghề và làm cho nghề tranh lụa sống lại".
Theo Thùy Trang/NLĐO
Bình luận (0)