Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Người trẻ chưa làm thợ đã đòi làm thầy?

Tạp Chí Giáo Dục

Một số người trẻ hời hợt, làm việc qua loa không cầu tiến, 'chưa làm thợ đã đòi làm thầy'… là nhận xét của nhiều chuyên gia tuyển dụng nhân sự tại các buổi tọa đàm về nguồn nhân lực…
Các bạn trẻ làm pha chế, phục vụ tại một tiệm cà phê  /// Thúy Hằng
Các bạn trẻ làm pha chế, phục vụ tại một tiệm cà phê. Ảnh THÚY HẰNG
Tuy nhiên, nhìn nhận như thế có quá khắt khe? Nhân sự trẻ có những thế mạnh và điểm cộng gì?
Tại một tọa đàm về ngành logistics diễn ra tại TP.HCM vào ngày 23.3 vừa qua, chị Nguyễn Thị Thùy Trinh CEO của doanh nghiệp PTTrans, cho biết doanh nghiệp của chị luôn mở cánh cửa đón nhận những thực tập sinh là sinh viên các trường cao đẳng, đại học. Thực tế, có những bạn cầu tiến, chăm chỉ, nhưng cũng có những bạn chưa làm thợ đã đòi làm thầy. Theo chị Trinh, các bạn trẻ muốn thành công không nên có thái độ hời hợt, nghĩ rằng công ty trả lương từng này, thì chỉ làm chừng đó công việc mà thôi. Chị cũng cho rằng, các bạn trẻ trước khi thực hiện những giấc mơ khởi nghiệp, phải tự rèn luyện bản thân, thu thập kiến thức, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để xây dựng thương hiệu cá nhân cho thật tốt.
Chị Huỳnh Lam Trà Giang, đồng sáng lập Beli Coffee, đánh giá cao sự sáng tạo, nhiệt thành của những bạn trẻ hiện nay. Chị Giang chia sẻ một ví dụ, những bạn trẻ của Beli Coffee khi bán những ly cà phê mang đi (take away), các bạn đã viết ra những lời chúc, thông điệp ý nghĩa muốn nhắn gửi tới người mua ly cà phê đó và gắn kèm vào ly nước. Khi trao nước, ai cũng mỉm cười, mong muốn mỗi khách hàng sẽ tràn ngập những năng lượng tích cực. Theo chị Giang, khi có môi trường để các bạn có thể phát huy năng lực, các nhân sự trẻ sẽ có những ý tưởng táo bạo, đóng góp rất nhiều cho lợi ích chung, giúp cho bản thân mình và tập thể đều tốt đẹp hơn.
Chị Võ Ngọc Anh, Giám đốc điều hành của Vinalink, cho hay những điểm trừ của người trẻ hiện nay, đó là thiếu định hướng, thiếu động lực, hay trì hoãn, mau chán, hay đổ lỗi. Tuy nhiên, theo chị Võ Ngọc Anh, nhân sự là tài sản vô giá của doanh nghiệp, nếu chưa khai phá hết tiềm năng của các bạn trẻ, giao công việc phù hợp để người trẻ bộc lộ được hết điểm mạnh của mình, thì đó là lỗi của người quản lý, người chủ doanh nghiệp.
Chị Ngọc Anh cũng nêu ví dụ, nếu một bạn tốt nghiệp Trường ĐH Ngoại thương chẳng hạn, trình độ tốt, nhưng chủ doanh nghiệp lại giao công việc như là pha trà, dọn dẹp, không phát huy đúng thế mạnh của bạn đó thì sẽ phát sinh sự ức chế, chán chường của nhân viên, có thể nhân viên sẽ phản kháng kiểu như “tại sao em học cái này lại bắt em làm cái kia”….
“Mỗi chủ doanh nghiệp theo tôi phải là một coaching, tức là người huấn luyện viên, chia sẻ được với các nhân viên những vui buồn trong gia đình, công việc, những ước mơ của họ, làm sao để bạn trẻ đó biết thay đổi để có những thói quen tốt, sống tích cực hơn, khao khát được vươn tới ước mơ của chính mình”, chị Ngọc Anh nói.
Nhìn nhận ở góc độ của những nhân sự trẻ, thạc sĩ Nguyễn Phạm Hữu Hậu, Giám đốc khối kinh doanh tiếp thị, Công ty cổ phần dự án Đất Nền, cho rằng trước khi chọn công ty hay tập đoàn, người trẻ cần biết chọn một ông chủ tốt để làm việc.
 
“Tôi xin trích dẫn từ câu nói truyền cảm hứng của Jack Ma, ông chủ Tập đoàn Alibaba, nếu bạn là người làm công ăn lương 'hãy tìm một người sếp tốt, đừng tìm một công ty tốt'. Khi bạn cống hiến cho một doanh nghiệp hay một tập đoàn lớn nơi mà bạn không thể tìm được vị trí của mình trong 'bản đồ doanh nghiệp', không tìm được sự quan tâm hay trọng dụng từ ban lãnh đạo và quan trọng hơn, đó là nơi bạn không tìm thấy sự phát triển của mình trong sự nghiệp. Điều đó, thật tồi tệ, thiết nghĩ bạn nên dừng lại”, anh Hậu nói.
Theo anh Hậu, “bạn trẻ nên cân nhắc, chọn đầu quân cho một doanh nghiệp nhỏ hay một doanh nghiệp start-up, nơi mà bạn có thể cống hiến lâu dài và bền vững, với một ông chủ nhiệt huyết, biết trọng dụng nhân tài vẫn hơn là một doanh nghiệp lớn xem bạn là… chiếc áo mới, đến lúc lỗi thời”.
Thúy Hằng/TNO

 

Bình luận (0)