Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người trẻ – không đơn độc với khởi nghiệp

Tạp Chí Giáo Dục

Từ ý tưởng độc đáo, cạnh tranh và đam mê khởi nghiệp, người trẻ đã hình thành một cộng đồng khởi nghiệp thúc đẩy phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Để có được thành công nhất định không thể không đề cập đến các giải pháp hỗ trợ khởi nghiệp của các sở, ngành.

Sở KH-CN TP.HCM công bố chương trình hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp

Năm 2016, UBND TP.HCM cũng đã có quyết định ban hành chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020. Ngoài doanh nghiệp, các trường học, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp cũng được hỗ trợ theo quy định. Dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, chương trình “Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016-2021” của Ban Bí thư Trung ương Đoàn cũng đã có sự hỗ trợ tích cực đối với các bạn trẻ có ý chí khởi nghiệp.

Hình thành cộng đồng khởi nghiệp

Bước đầu, chương trình này hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho 10.000 doanh nghiệp, trong đó 30% là các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Ngoài ra, còn hỗ trợ 1.000 dự án đổi mới công nghệ, sản phẩm, nâng cao năng suất và chất lượng. Riêng về khởi nghiệp sáng tạo, sẽ hỗ trợ 2.000 dự án.

Theo đó, chương trình sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học, công nghệ vào tổ chức quản trị, sản xuất, kinh doanh; khuyến khích nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, gia tăng giá trị trong chuỗi cung ứng nhằm nâng cao năng suất chất lượng và năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Công Hòa (doanh nghiệp tư nhân Hòa An, Q.9) chia sẻ: “Cái hay của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp có ý tưởng hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đồng thời thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập kinh tế và phát triển bền vững. Đây được xem là cơ sở để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ tiên tiến, hiện đại”.

Đoàn Khoa Vỹ khởi nghiệp thành công với thương hiệu tỏi đen GaAli nhờ sự hỗ trợ của các chương trình khởi nghiệp của thành phố

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết, đối tượng hỗ trợ là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố như: cơ khí chế tạo; điện tử – công nghệ thông tin; hóa chất, hóa dược – cao su nhựa; chế biến tinh lương thực, thực phẩm). Hai ngành công nghiệp truyền thống là dệt may, giày da và ngành nông nghiệp công nghệ cao cũng được hỗ trợ theo chương trình.

Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cho biết hiện sở đang triển khai chương trình đào tạo 500 chuyên gia và 2.500 công nhân có tay nghề phục vụ hệ sinh thái khởi nghiệp. Bên cạnh các nghề thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu, tập trung đào tạo lao động các ngành dịch vụ như: Tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải và kho bãi; bưu chính – viễn thông – truyền thông; bất động sản; tư vấn khoa học công nghệ; y tế; giáo dục và đào tạo) và ngành văn hóa – thể thao.

Tiếp cận vốn bằng cách nào?

Từ đầu năm 2017, Sở KH-CN TP.HCM cũng đã triển khai chương trình Speed Up 2017 – là chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho phép nhận được nguồn vốn tối đa 2 tỷ trong thời hạn hai năm. Đây là cơ hội cho các bạn trẻ không có vốn thực hiện đam mê kinh doanh. Vốn cho chương trình là của sở nhưng sẽ căn cứ trên các kết quả thẩm định của các cơ sở ươm tạo để chọn ra dự án khả thi và hiện có 15 cơ sở ươm tạo phối hợp với Sở KH-CN để thực hiện thẩm định.

Ông Chu Bá Long, Phó Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở KH-CN TP.HCM) cho biết, một doanh nghiệp tồn tại lâu năm cần nguồn vốn cũng được hỗ trợ với điều kiện doanh nghiệp đó phải có trên 5 năm và có chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, chỉ chịu mức thuế 10% trong 15 năm đầu (tính từ khi có doanh thu khoa học công nghệ)…

Để hồ sơ sơ tuyển thành công, ông Hòa chia sẻ kinh nghiệm: Trong hồ sơ cần mô tả ngắn gọn, dễ hiểu về mô hình kinh doanh, thị trường, công nghệ, đối tượng nhắm đến và lợi nhuận… Trong các yếu tố trên, nền tảng công nghệ là một yếu tố không kém quan trọng, quyết định hồ sơ có được kết quả thẩm định cao hay không?

Ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH-CN TP.HCM khẳng định trong những năm gần đây, thành phố đặc biệt quan tâm và có cơ chế ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có ý tưởng cạnh tranh cao, có tiềm lực kinh tế, tập trung ở các lĩnh vực thế mạnh 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ.

Sinh viên giao lưu chương trình khoa học trẻ và khởi nghiệp

Nguyễn Đức Hiếu, cựu sinh viên Trường ĐH Ngoại thương TP.HCM từng tham gia cuộc thi khởi nghiệp với dự án “Cá ngủ đông” vượt qua hơn 50 dự án khởi nghiệp khác và đã được nhà đầu tư rót vốn. Hiếu chia sẻ: “Ngay từ những ngày đầu bắt tay thực hiện dự án, số vốn 150 triệu đồng vay mượn từ nhiều nguồn đã hết sạch nhưng chưa đâu vào đâu. Từ vốn của nhà đầu tư, tôi có điều kiện mở rộng thị trường, đầu tư công nghệ. Thực tế có không ít bạn trẻ có ý tưởng hay, độc đáo trong kinh doanh tuy nhiên vì nhiều lý do mà ý tưởng đó chưa được công khai, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến gặp trục trặc. “Hãy thể hiện ý tưởng của mình bằng mọi cách có thể, cùng với niềm đam mê, sáng tạo của bản thân, bạn sẽ không đơn độc”.

Tại chương trình lãnh đạo TP.HCM gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp mới đây, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp TP.HCM Trương Lý Hoàng Phi cho rằng các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được hỗ trợ về cơ sở pháp lý và cơ quan quản lý Nhà nước cần cải tiến thủ tục đăng ký kinh doanh, bởi lâu nay đây là một trở ngại lớn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

T.Anh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)