Con người – nhất là người trẻ – luôn là trọng tâm, động lực của sự phát triển. Với việc phát triển công nghiệp văn hóa, đào tạo nhân lực ngay từ bây giờ là điều được đặt ra tại tọa đàm về vấn đề này do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 23/5.
Cần làm ngay
Theo mục tiêu đến năm 2030 trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, công nghiệp văn hóa (CNVH) đóng góp 7% GDP quốc gia. Để đến đích, việc đầu tư, đào tạo con người là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Theo nhiều đại biểu dự tọa đàm, giới trẻ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tiến trình đó, đặc biệt là từ thế hệ gen Z (sinh từ 1997-2012) trở đi. Văn hóa, giải trí đang chịu sự ảnh hưởng rất mạnh của sự bùng nổ công nghệ số, kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo… Người trẻ mới có khả năng học hỏi, tiếp cận nhanh, các thế hệ đi trước chỉ có thể làm bản lề, định hướng.
Liên hoan phim quốc tế TPHCM là một trong những sự kiện quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa của TPHCM. Ảnh: Nguyễn Á
Nguồn nhân lực trẻ dồi dào có thể xem là một trong những thế mạnh của phát triển CNVH. Đơn cử như tại TPHCM, có hơn 10 triệu dân (dao động khoảng 13 triệu dân), trong đó có đến 8 triệu dân từ 15 tuổi trở lên. 20% trong số này có trình độ cao.
Ông Bùi Minh Quân – Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TPHCM – cho biết: khi đến những trung tâm giải trí lớn của thế giới, có thể thấy nhân sự hoạt động rất bài bản, chuyên nghiệp, tính sáng tạo cao. Đây là một trong những điểm mấu chốt để thu hút mọi người đến, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa. Nhiều quốc gia đã bắt đầu đào tạo nhân lực để làm CNVH từ hơn 30 năm trước. Để thu được quả ngọt trong tương lai gần, Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng cần bắt tay ngay cho việc này.
Bắt đầu từ đâu?
Một trong 10 giải pháp phát triển CNVH của TPHCM là nguồn nhân lực. Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thị Thanh Thúy – Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM – cho biết việc đào tạo nhân lực của thành phố hướng đến liên kết trong và ngoài nước. Có nhiều cơ sở đào tạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại TPHCM nhưng vẫn chưa đủ. Bên cạnh các trường, TPHCM cần cơ chế cụ thể để đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực cho cán bộ giảng viên.
Nghệ sĩ biểu diễn trong phần khai mạc Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô 2023. Ảnh: Trung Sơn
Tiến sĩ văn hóa Mai Mỹ Duyên cho rằng cần bắt đầu bằng việc đào tạo những người giảng dạy trẻ. Việc tạo nguồn từ bây giờ có thể để sử dụng cho 4-5 năm sau. Chiến lược đào tạo này phải được vạch ra dài hơi, chứ không dừng ở 10 hay 15 năm sau.
Kinh nghiệm thực tế cũng rất quan trọng. Bởi các mô hình giải trí hiện đại rất đa dạng, biến đổi không ngừng. Những khóa đào tạo ngắn hạn liên kết quốc tế cần được chú trọng. Đạo diễn, nhà sản xuất Vân Trình (Xin chào live music) đề xuất nên chọn những quốc gia có nền giải trí phát triển hàng đầu như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Lâu nay, các đơn vị tư nhân thường chủ động đưa người đi học và gặp khá nhiều vấn đề như: chi phí lớn, khó xin visa… Nếu có sự hỗ trợ, can thiệp chủ động từ Nhà nước thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn.
Một số đại biểu nhận định cần đánh giá lại tổng quan nguồn nhân lực làm văn hóa hiện tại để có chiến lược phát triển phù hợp. Thực tế cho thấy có những ê kíp thực hiện nhiều chương trình nghệ thuật rất tốt trong nước, nhưng điều đó chưa chắc đã đáp ứng được quy chuẩn quốc tế, đủ tầm ra thế giới, thu hút công chúng tốt.
Gen Z hiện là đối tượng lớn thụ hưởng văn hóa nhưng chỉ trong vài năm nữa gen alpha (sinh từ năm 2013 trở đi) sẽ thay thế. Vì thế, việc giáo dục, đào tạo nhân lực trẻ cần có tầm nhìn xa, hướng đến thế hệ này qua những nghiên cứu, đo lường cụ thể.
Một vấn đề khác là nếu chỉ dừng ở việc đào tạo mà thiếu đi cơ hội thực hành thì cũng sẽ không thể đạt hiệu quả mong muốn. Nghệ sĩ ưu tú, đạo diễn Đức Thịnh cho biết ngày trước anh cũng từng mang những suy nghĩ tân tiến cho sân khấu nhưng không có điều kiện thực hiện, thậm chí có người cho là bất thường. Sau này, khi chuyển sang làm phim, anh cũng phát hiện những người trẻ có nhiều ý tưởng hay, sáng tạo nhưng vì nhiều lý do, họ đã phải chọn một phương án an toàn và không thành công.
Ông Lê Minh Tuấn – Phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả – nhấn mạnh công tác đào tạo nhân lực phải ngày càng nâng tầm mới có thể đáp ứng cho phát triển CNVH. |
“Đam mê, sự sáng tạo, ý chí của người trẻ có thể bị thui chột theo năm tháng. Nếu cứ để thực trạng này xảy ra thật sự đáng tiếc. Hãy xây một nhà hát, một phim trường đúng nghĩa. Từ khi bàn đến có dự án mất 5-7 năm, rồi mất thêm rất nhiều năm thực hiện. Nếu cứ lùi lịch thì chẳng biết bao giờ mới có. Chúng ta cần tạo cơ sở vật chất cho thế hệ sau làm việc, phát triển” – anh nói.
Công nghiệp văn hóa là khái niệm rộng, lớn. Điều này có thể gây khó khi tiếp cận với người trẻ. Vì thế, cũng cần có chiến lược truyền thông phù hợp, ít nhất kéo dài trong 3-5 năm để họ thấy thực sự gần gũi, có thể và tích cực tham gia.
Đào tạo thế hệ trẻ không dừng lại ở việc sản xuất, kỹ thuật mà còn ở góc độ văn hóa, tư duy. Hiện, người trẻ đang tiếp cận nhiều văn hóa ngoại lai, nội dung nhảm nhí trên mạng xã hội là điều khiến chuyên gia lưu ý. Vì thế, việc định hướng gu thẩm mỹ cho giới trẻ là điều hết sức cần thiết.
Theo Thành Lâm/PNO
Bình luận (0)