So với thế hệ trước, âm nhạc của các bạn trẻ Gen Z (sinh từ năm 2000 trở đi) đa dạng, phong phú và tự do hơn
Sân chơi công bằng
Giới chuyên môn nhận định hiện tại không phải là thời điểm để ngợi ca những giá trị cũ và đối tượng chi phối làng nhạc không phải là nghệ sĩ tên tuổi, mà cuộc chơi thuộc về những người trẻ.
Nghệ sĩ violin Hoàng Rob nhận xét bức tranh về thị trường nhạc Việt hiện tại khá đẹp vì sau bao năm với những định kiến, khuôn mẫu, sắp đặt thì bây giờ đã có một thế hệ trẻ lớn lên và họ vô cùng sáng tạo.
Có trường hợp, các gương mặt trẻ đầu tư bài bản cho âm nhạc. Nhưng có khi, họ cũng không phụ thuộc vào truyền thông hay công nghệ mà chỉ với những dụng cụ đơn giản nhất, các bạn có thể thu sản phẩm và đăng tải lên SoundCloud hay YouTube. Nếu sản phẩm thú vị, họ lập tức được chú ý. Nói để thấy cuộc chơi âm nhạc giờ đã mở rộng cho nhiều nhóm đối tượng và sân chơi này công bằng.
Ca sĩ VP Bá Vương trong MV “Em đang ở đâu?”. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp
Nếu không sáng tạo, nỗ lực để tốt hơn mình của ngày hôm qua, bạn sẽ bị bỏ lại. Chính điều đó đã hình thành nên những cái bắt tay của người cũ và người mới, thậm chí trở thành xu hướng để tạo nên các sản phẩm âm nhạc màu sắc và chất lượng.
Nếu âm nhạc của thế hệ trước thường sáng tạo trong khuôn khổ, ngôn từ đạt sự chuẩn mực nhất định thì Gen Z lại thích hát lên những câu từ gần gũi với cuộc sống hằng ngày hoặc tâm tư cá nhân về cuộc sống xung quanh. Gen Z có nhiều cơ hội nổi tiếng hơn vì độ tuổi còn rất trẻ, họ cũng không vì những định nghĩa cố hữu như underground (âm nhạc không chính thống), indie (nhạc sản xuất độc lập), mainstream (xu hướng âm nhạc) mà chịu trói buộc mình. Những sản phẩm của họ vì thế phóng khoáng hơn trong khuôn khổ cho phép, đa dạng về sắc màu cùng những xúc cảm gần gũi.
Những MV tiền tỉ
Thông tin này khiến khán giả bị "ngợp", bởi xưa nay chưa từng có MV nào chạm đến con số đó. VP Bá Vương cho biết đã "bán 2 căn chung cư" để gom một số tiền lớn thực hiện MV. MV "Em đang ở đâu?" mới lạ hơn khi sử dụng công nghệ CGI – hiệu ứng kỹ xảo để tạo dựng không gian bên ngoài vũ trụ. Hình ảnh khá đẹp mắt, mang đến trải nghiệm âm nhạc về thị giác mới hơn cho khán giả.
"Có không giữ mất đừng tìm" của Trúc Nhân và "Vì mẹ anh bắt chia tay" của Miu Lê cũng tốn nhiều tiền đầu tư. Đổi lại, đây là 2 MV nhận được nhiều sự yêu thích. Theo ca sĩ Trúc Nhân, anh tốn nhiều tiền để đặt hàng đội ngũ sản xuất, biên đạo lên ý tưởng. Ở một đại cảnh trên MV, 300 vũ công nhảy tập thể. Riêng việc tập nhảy, ăn uống, phục trang… của đội ngũ này đã tốn khoảng 700 triệu đồng. Miu Lê cho biết nếu 10 năm trước, 50 triệu đồng đã làm được một MV xịn thì giờ đây, số tiền này không thấm vào đâu.
Việc sản xuất sản phẩm âm nhạc độc lạ, hoành tráng về hình thức được các ca sĩ quan tâm. Bởi trong cuộc đua giành ưu thế, người nổi bật hơn sẽ có cơ hội tồn tại. Sự đầu tư của nghệ sĩ cho sản phẩm là cần thiết để chứng minh họ nghiêm túc với nghề nghiệp. Thị trường âm nhạc cũng cần được nâng cấp về hình ảnh.
Việc thực hiện MV cổ trang "Cánh hoa tổn thương" của Hoàng Yến Chibi quy tụ 100 người, cùng kỹ xảo, phục trang, dựng phim cũng tốn của cô hết 5 tỉ đồng. Cô muốn tạo điểm nhấn trong sự nghiệp bằng một sản phẩm khác biệt với những gì từng làm, như một món quà tặng bản thân và khán giả. Để có tiền đầu tư, Hoàng Yến Chibi thậm chí đã thuyết phục mẹ bán một căn nhà. Sự xuất hiện của những MV tiền tỉ đã làm thay đổi diện mạo nhạc Việt, khiến nó ngày càng trở nên chuyên nghiệp, hấp dẫn hơn.
"Vì mẹ anh bắt chia tay" của Miu Lê không chỉ hay về giai điệu, ý tưởng, mà cách truyền thông cho dự án của cô cũng vô cùng ấn tượng. Ngoài việc tung thêm một bản phối mới của ca khúc kết hợp cùng diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc, Miu Lê cũng hát cùng Chi Pu và kêu gọi một số đồng nghiệp khác, khán giả hòa giọng trên một đoạn clip mà cô đã hát sẵn phần của mình.
Ca sĩ Trúc Nhân cho biết việc đầu tư nhiều tiền để thực hiện sản phẩm âm nhạc là điều nên làm. "Xã hội ngày càng phát triển, nghệ sĩ buộc phải thay đổi để mang đến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc hay hơn, hấp dẫn hơn. Điều này cũng giúp bản thân nghệ sĩ ngày một tiến bộ hơn, khẳng định tên tuổi của mình" – anh nói.
Những người trong cuộc cho rằng hiện nay số người nổi tiếng và thành công từ các cuộc thi âm nhạc đã không còn nhiều. Ngược lại, mạng xã hội và internet là sân khấu trực tuyến với hàng triệu khán giả luôn háo hức trước những cá tính âm nhạc thú vị. Giữa một thị trường đầy rẫy những màu sắc hao hao, cá tính hiển nhiên trở nên quan trọng để tạo sự riêng biệt, độc đáo. |
Bình luận (0)