Hội nhậpThế giới 24h

Người trẻ Trung Quốc và nỗi sợ giao tiếp xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Hầu hết thanh niên Trung Quốc cho biết đang gặp khó khăn trong việc kết nối khi "ám ảnh xã hội" trở thành từ thông dụng mới.
Cuộc khảo sát gần đây kết luận rằng hơn 60% thanh niên ở Trung Quốc cảm thấy khó khăn trong giao tiếp với những người khác, phần lớn cảm thấy lúng túng khi gặp gỡ mọi người trực tiếp.
Một phụ nữ trẻ Trung Quốc đọc sách ở Thành Đô.
China Youth Daily phỏng vấn 2.000 người trong độ tuổi từ 18-35 và 64% trong số họ cảm thấy “mắc kẹt” hoặc tê liệt trong các tương tác xã hội.
Cụ thể, 27% trong số những người được hỏi nói rằng họ gặp vấn đề với các hoạt động xã hội trực tiếp, 17% cho biết ngay cả việc giao tiếp xã hội trực tuyến cũng là thách thức với họ, trong khi 20% nói rằng cả tương tác trực tuyến và ngoại tuyến đều khó khăn.
Chỉ 30% người được hỏi khẳng định không gặp khó khăn trong việc giao tiếp xã hội và báo cáo không cho biết 7% còn lại nói gì.
Từ "shekong" – có nghĩa là "ám ảnh xã hội" – đã trở thành một từ thông dụng ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc trên mạng xã hội để nói rằng họ sợ giao tiếp trong thế giới thực.
Sinh viên tốt nghiệp đại học tên Liu Jin đến từ Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, cho biết không thích giao du với những người mới. Liu thực sự kháng cự với việc tiếp xúc hoặc giới thiệu bản thân với những người mới.
“Khi gặp người lạ, tôi thường không chủ động mở lời. Tôi chỉ phản ứng một cách thụ động" – Liu cho hay.
Cuộc khảo sát cũng cho thấy 40% người được hỏi cố gắng tránh giao tiếp xã hội, 30% thì không, trong khi 30% còn lại nói rằng điều này phụ thuộc vào từng tình huống.
“Tôi sẽ tránh xa các hoạt động có đông người tham gia như team building vì có quá nhiều người. Tôi không quen với hầu hết trong số họ. Tôi không thấy bất kỳ thách thức nào khi giao tiếp trực tuyến, nhưng tôi không biết phải nói gì khi gặp gỡ nhiều người ngoài đời thực" – Ren Wen, một học viên cao học ở Bắc Kinh, cho hay.
Với những người tránh tiếp xúc xã hội, 60% trong số họ cho biết không thích các sự kiện có mục tiêu rõ ràng và 50% cho biết quá căng thẳng trong công việc hoặc cuộc sống nên không còn năng lượng để giao tiếp. Các lý do khác bao gồm thiếu kinh nghiệm xã hội hoặc ký ức khó chịu về các sự kiện xã hội.
Guan Jian, giáo sư tâm lý xã hội Đại học Nam Khai ở thành phố Thiên Tân cho hay, giao tiếp trực tuyến và chia sẻ trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ trẻ hiện nay và họ không có mong muốn tiếp xúc với cuộc sống thực.
“Trong xã hội truyền thống, có nhu cầu cao với các hoạt động xã hội, bao gồm thăm bạn bè, người thân hoặc tổ chức các sự kiện nghi lễ vào những ngày quan trọng. Chúng tôi dựa vào mạng xã hội được xây dựng theo cách này khi gặp khó khăn trong cuộc sống. Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Ví dụ, bây giờ muốn chuyển nhà có thể đặt dịch vụ trên ứng dụng chứ không phải nhờ người thân, bạn bè giúp như ngày xưa" – bà nói.
Tuy nhiên, giáo sư Guan Jian cảnh báo, các kết nối được thực hiện trực tuyến "yếu và ảo" hơn so với các tiếp xúc cá nhân trực tiếp.
PV (theo laodong)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)