Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Người trẻ với “sát thủ học đường”!

Tạp Chí Giáo Dục

Môn lịch sử luôn được HS gọi là “sát thủ học đường” khi điểm số thấp nhất trong các kỳ thi luôn rơi vào môn này. Không đề cập những “chú sâu” lười học, những bạn trẻ học giỏi, có tình yêu thật sự với môn học này đã có vài tâm sự dưới đây…

Việc học sử không chỉ là những điều “tai nghe” mà còn phải “măt thấy”. Trong ảnh: vở kịch lịch sử Nỏ thần được nhiều bạn trẻ quan tâm – Ảnh: Gia Tiến
Nhiều bạn học Sử giỏi… ảo!
Nếu xét môn sử ở điểm số thì tôi không giỏi tí nào, vì bản thân rất dở khoản “gạo” bài. Tuy nhiên, nếu định nghĩa giỏi môn sử nghĩa là hiểu biết về quá khứ hào hùng của ông cha, biết nhiều kiến thức lịch sử thú vị không chỉ có trong sách giáo khoa thì tôi tự tin là mình giỏi.
Điểm sử hiện tại khá nhiều là ảo do cách ra đề tạo điều kiện thuận lợi cho việc sao chép. Vì vậy nhiều người đạt 9-10 điểm sử nhưng chưa chắc đã hiểu, đã yêu lịch sử nước nhà. Tôi từng gặp những người có điểm trung bình sử cao ngất mà không nhớ 26-3 là ngày gì hay Huyền Trân Công Chúa là ai. Ngoài ra, đáng buồn môn sử đã bị nhiều giáo viên “đóng khuôn” là một môn học khô cứng, trong khi nó lại thừa tính lãng mạn, bay bổng nếu biết cách thể hiện.
Tôi thích cách dạy sử với những tình tiết ngoài sách giáo khoa thật vui và thú vị, kèm theo đó là những thước phim minh họa cụ thể cho từng bài học, như vậy sẽ khiến lịch sử không còn là những con số khô khan mà trở nên trực quan, gần gũi hơn nhiều. Điều đó chắc chắn HS sẽ rất thích.
LÊ HOÀNG THẠCH
(SV ĐH Ngoại thương TP.HCM)
Nên “mềm” hóa môn học này!
Tuy là người rất thích môn sử, nhưng theo tôi, vẫn còn nhiều điều cần phải cải thiện:
– Giáo viên và học sinh nên chủ động hơn nữa trong việc liên hệ giữa kiến thức trong sách và thực tế cuộc sống. Ví dụ, hiện nay báo chí nhắc đến rất nhiều về vấn đề chủ quyền biển đảo ở nước ta, để hiểu được, chúng ta phải nghiên cứu lịch sử để thấy được những cột mốc, sự kiện quan trọng trong việc xác lập chủ quyền của nước ta đối với những vùng biển, đảo theo quy định pháp luật quốc tế… Hoặc đơn giản hơn SVHS có thể hiểu được vì sao ngôi trường, con đường nhà mình lại mang tên nhân vật, sự kiện lịch sử đó…
– Nên quan tâm đến việc vô cùng quan trọng: sau khi tiếp thu thì những vấn đề gì còn đọng lại trong đầu người học? Làm sao để người học cảm nhận được sự tự hào về lịch sử dân tộc, đồng thời có sự hiểu biết nhất định về lịch sử thế giới.
– Nên “mềm” hóa môn học này. Tại sao nhiều người Việt rành lịch sử Trung Quốc, Hàn Quốc hơn cả lịch sử nước nhà? Đó là do tác động vô cùng lớn của phim ảnh và các game show. Điều này không hay lắm nhưng chúng ta không thể phủ nhận hiệu quả của nó. Việc học lịch sử không chỉ nên là những điều “tai nghe” mà còn phải “mắt thấy”. Như vừa qua tôi có xem vở kịch Nỏ thần ở sân khấu kịch Phú Nhuận. Khi xem, tôi và nhiều người rất tự hào về quá trình đấu tranh bảo vệ đất nước của ông cha, tinh thần yêu nước, sự hi sinh của người xưa trong việc chống giặc ngoại xâm…
ĐÀO ANH TUẤN 
(cựu SV ĐH Luật TP.HCM, từng đoạt nhiều giải thưởng TP, quốc gia về môn sử)
Tôi mất ngủ mỗi khi sắp tới  tiết Sử!
Tôi thật sự chán nản với việc học sử ở trường. Nói thật, là con gái thì chúng tôi siêng “gạo” bài hơn hẳn các bạn nam, nhưng điều đó không đồng nghĩa việc chúng tôi học mà không cần cảm xúc. Việc dạy sử trong trường thiếu hẳn cảm xúc, phần lớn chỉ mang tính nhồi nhét một chiều. Bạn hình dung thử một tiết học sử của tôi ở trường như thế nào nhé. Giáo viên vô lớp trả bài miệng hết 15 phút, sau đó chỉ còn 30 phút để giảng bài cho… sáu trang sách với ngồn ngộn số liệu. Cô dạy được khoảng hơn nửa bài thì hết tiết và chúng tôi lại nghe câu nói quen thuộc: “Các em về nhà tự soạn và học phần còn lại nhé!”.
Câu nói đó tuy nhẹ nhàng nhưng sự thật là chúng tôi ớn nghe hơn bao giờ hết, vì làm sao chúng tôi có thể biết được ý nào cần, ý nào nên bỏ trong bài.
Thi học kỳ hay kiểm tra trong lớp thì phần lớn đều phải học từ đầu tới cuối, không bỏ sót bất cứ bài nào. Điều đáng nói là vì sao trong một bài học, tụi mình phải nhớ đến từng con số: bao nhiêu máy bay, xe tăng địch bị bắn? Bao nhiêu lính địch chết và bị thương? Riết rồi chúng tôi mất ngủ mỗi khi sắp tới tiết sử.
Một bạn nữ THPT
Để lịch sử luôn nằm trong đầu…
Là một giảng viên trẻ tôi luôn hướng SV đến với việc học sử qua sự tìm tòi, học hỏi sao cho hứng thú, hấp dẫn nhất ngoài những bài giảng hay sách vở. Câu trả lời là bằng phim ảnh. Trong những buổi lên lớp, sau những giờ giảng chính, tôi thường dành phần còn lại của buổi học để cùng thảo luận với SV về những bộ phim có yếu tố lịch sử, chính trị xã hội mà các em đã xem.
Ví dụ khi xem những bộ phim như Đông Dương, Cuốn theo chiều gió, Trân Châu cảng..., các em sẽ hiểu thêm về lịch sử, biết được những sự kiện đã diễn ra trên thế giới và tại VN bằng những hình ảnh, màu sắc, âm thanh, câu chuyện sinh động. Dĩ nhiên, khi tiếp xúc với những luồng thông tin đa dạng, trái chiều nhau, nhiệm vụ của giáo viên là phải nắm vững kiến thức và có những hướng dẫn, định hướng cụ thể cho SV.
Khi còn học ở Pháp, mỗi khi đến tham quan các viện bảo tàng, tôi luôn thấy rất đông các bạn trẻ đến đây. Đó có thể là các đoàn HSSV cùng thầy cô giáo đến chiêm nghiệm lịch sử trong những buổi học ngoại khóa, hay đó là nhóm nhỏ gia đình đến tìm hiểu về quá khứ của đất nước. Và trong những buổi ấy, luôn có nhiều câu hỏi được đặt ra, những cánh tay giơ lên và được khuyến khích nồng nhiệt… Cứ thế các kiến thức về quá khứ sống lại và được tiếp thu thật nhẹ nhàng, hào hứng… Và lịch sử luôn nằm trong đầu họ dẫu không hề bị áp lực về điểm số!
TRẦN NGUYÊN KHANG
(giảng viên khoa quan hệ quốc tế ĐH KHXH&NV TP.HCM)
Theo Tuoi Tre

 

Bình luận (0)