Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người trồng hoa tết lao đao vì giống dỏm

Tạp Chí Giáo Dục

Hàng ngàn chậu hoa cúc tết của người dân ở 2 phường Bình Định và Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chết dần, không phát triển được rễ vì mua phải giống dỏm. Nhiều hộ dân đã phải nhổ bỏ để thay giống mới nên chậm thời gian, nguy cơ mất vụ hoa cúc Tết Nguyên đán năm nay là rất cao.

Cúc vụ tết ở 2 phường Bình Định và Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chết dần vì giống dỏm

Cúc vụ tết ở 2 phường Bình Định và Nhơn Hưng (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) đang chết dần vì giống dỏm

Theo phản ánh của các hộ dân trồng cúc ở phường Bình Định, khoảng 1 tháng trước, họ đã tìm đến cơ sở cây giống Ng.Q.H. (ở thôn Biểu Chánh, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, Bình Định) để mua cúc giống về ươm trồng, lên chậu phục vụ Tết Nguyên đán 2019. Tuy trồng lên chậu đã 1 tháng nhưng cúc cứ “đứng im như trời trồng”, còi cọc, chết dần… mặc dù người dân đã tìm đủ mọi cách để cứu chữa, mua đủ loại thuốc bảo vệ thực vật về phun nhưng không thể cứu vãn. Một số hộ dân khi nhổ cúc lên, phát hiện cúc bị hư rễ, không hút được dinh dưỡng.

 “Đa số các hộ dân ở khu phố này đều trồng từ 300 – 2.000 chậu cúc cho vụ tết. Bình quân mỗi năm trồng cúc cho thu nhập đều đặn, từ 100 – 200 triệu đồng/hộ. Nhưng chưa năm nào chúng tôi gặp tình trạng này. Thường thì cúc chết là do thời tiết xấu, mưa lũ liên miên hoặc dịch bệnh. Đằng này thời tiết rất thuận lợi, không bệnh dịch mà cúc cứ còi cọc, rồi chết dần. Trồng cúc mà mất vụ tết thì còn làm ăn được gì nữa”, anh Nguyễn Ngọc Hải (phường Bình Định) lo lắng. Tương tự, anh Nguyễn Minh Tuấn (ở khu phố đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bình Định) cho biết: Ở đây có gần 30 hộ trồng cúc, đều mua giống cùng một cơ sở Ng.Q.H. Khu phố này bị thiệt hại 490.000 cây cúc, mất gần 100 triệu đồng. Chưa có năm nào chúng tôi gặp trường hợp như thế này”.

Cũng theo phản ánh của người dân, cơ sở cây giống Ng.Q.H. mỗi năm cung ứng giống cho thị trường số lượng rất lớn. Không chỉ người dân trong tỉnh Bình Định mà cơ sở này còn cung ứng giống cho rất nhiều tỉnh, thành ở miền Trung. Trước tình trạng trên, nhiều người dân trồng cúc tại thị xã An Nhơn đã tìm đến cơ sở này để hỏi nguyên nhân. Tuy nhiên, chủ cơ sở lại không chịu lên tiếng, giải thích cho bà con. Vì quá bức xúc, nhiều hộ đã mang chậu cúc đến ném vào nhà chủ cơ sở, sau đó “ngậm đắng”, quay về thuê người nhổ bỏ số cúc đã trồng được hơn 1 tháng.

NGỌC OAI/SGGP

 

Bình luận (0)