Khoa học - Công nghệSản phẩm công nghệ

Người Trung Quốc giận dữ vì Apple giao iPhone 13 quá lâu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Trên các trang mạng xã hội, nhiều khách hàng tại Trung Quốc liên tục phàn nàn rằng họ đã phải chờ hơn một tháng nhưng vẫn chưa được Apple giao iPhone 13.
Mei Mei đặt mua một chiếc iPhone 13 Pro vào ngày 25/9. Tuy nhiên, cảm xúc của cô đã chuyển từ hào hứng sang chán nản và thậm chí là tức giận khi phải chờ đợi hơn một tháng mà vẫn chưa nhận được máy.
"Làm ơn hãy chuyển hàng cho tôi ngay lập tức. Cả tháng đã trôi qua và tôi đang dần mất kiên nhẫn", Mei phàn nàn trên mạng xã hội.
Nhiều người dùng phàn nàn rằng họ đã phải chờ cả tháng nhưng vẫn không nhận được iPhone 13
Mei chỉ là một trong số rất nhiều người dùng tại Trung Quốc đang phàn nàn về tốc độ giao hàng của Apple. Theo SCMP, nguyên nhân của việc giao hàng chậm trễ là do tình trạng khan hiếm chip, khiến Apple không kịp sản xuất máy để cung ứng ra thị trường.
Kể từ khi ra mắt, iPhone 13 đã trở thành mẫu smartphone được quan tâm nhất tại thị trường Trung Quốc. Hiện tại, để đặt mua một chiếc iPhone 13 Pro Max 256 GB màu xanh (Sierra Blue), khách hàng sẽ phải chờ khoảng 37-44 ngày.
Chưa dừng lại ở đó, nhiều người dùng giống như Mei còn tạo ra những hội nhóm để có thể liên tục cập nhật các thông tin giao hàng từ Apple, xem những khách hàng khác đã nhận được máy chưa, hay họ có gặp vấn đề gì khi giao hàng không.
"Chúng tôi thậm chí còn lập ra một nhóm trên mạng xã hội với hơn 100 thành viên có đơn hàng chưa được giao. Có rất nhiều người đã phải chờ đợi hơn 30 ngày giống như tôi", Mei nói.
Ngành công nghệ đang gặp rất nhiều khó khăn bởi tình trạng khan hiếm nguồn cung và giảm năng lực sản xuất trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Vấn đề nghiêm trọng nhất trong năm nay là sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu.
"Thời gian giao hàng lâu hơn thường phản ánh nhu cầu gia tăng đối với iPhone. Năm nay, sự thiếu hụt nguồn cung linh kiện lại trở thành nguyên nhân chính tác động đến quá trình sản xuất iPhone, khiến nguồn cung bị hạn chế", Will Wong, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu thị trường IDC nhận định.
Trong một cuộc họp gần đây, CEO Apple Tim Cook cho biết, những hạn chế về nguồn cung đã khiến công ty mất 6 tỷ USD doanh thu trong quý vừa qua.
"Nhu cầu của khách hàng đang rất lớn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu chip đã ảnh hưởng đến hầu hết các sản phẩm công ty. Dự kiến, sự thiếu hụt này sẽ tiếp tục kéo dài trong quý tiếp theo", Cook nói.
Trong 3 tháng qua, Apple đã đạt được tổng doanh thu 83,4 tỷ USD, cao hơn 29% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng thấp hơn mức 84,85 tỷ USD mà các nhà phân tích thị trường dự đoán. 
Thời gian trước, Apple chưa phải chịu nhiều ảnh hưởng của tình trạng thiếu chip toàn cầu, vốn tác động nặng nề đến ngành công nghiệp xe hơi. Tuy nhiên, khi tình trạng thiếu hụt linh kiện ngày càng kéo dài, các nhà sản xuất điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy giặt và tủ lạnh đã bắt đầu phải chịu nhiều tác động.
Nguyên nhân của việc khan hàng đến từ tình trạng thiếu hụt chip trên toàn cầu
Theo Wong, bất chấp sự chậm trễ trong quá trình giao hàng của Apple cũng như hàng loạt lời phàn nàn của người dùng trên mạng xã hội, các sản phẩm của hãng vẫn không hề mất đi sức hút đối với người tiêu dùng tại Trung Quốc.
"Khách hàng sẽ không từ bỏ iPhone để chuyển sang một thương hiệu khác. Những phản ứng trên mạng xã hội cho thấy họ đang tuyệt vọng ra sao khi chưa thể có trên tay những chiếc iPhone mới", Wong nói.
Các nhà phân tích cũng tỏ ra vô cùng lạc quan về nhu cầu mạnh mẽ của người dùng đối với thế hệ iPhone 13. Trong một báo cáo gần đây, Dan Ives, giám đốc điều hành của công ty đầu tư Wedbush Securities, cho biết sự thiếu hụt chip sẽ chỉ là "nhất thời". Ông nói thêm rằng có đến 250 triệu người dùng iPhone đã không nâng cấp thiết bị trong hơn 3 năm qua. Vì thế, nhu cầu đối với dòng sản phẩm mới là rất lớn.
PV (theo vietnamnet)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)