Mất lòng tin với sản phẩm trong nước, người dân Trung Quốc đổ xô đi mua sữa bột trẻ em khắp thế giới, gây ra tình trạng thiếu hụt ở một số nước
Thống kê mới đây cho thấy số lượng sữa bột nhập khẩu vào Trung Quốc trong năm 2009 là 310.000 tấn, gấp đôi năm 2008, thời điểm xảy ra vụ sữa nhiễm hóa chất độc hại melamine. Đến năm 2011, con số này tiếp tục tăng lên 528.000 tấn.
“Chuộng” sữa ngoại
Người dân Trung Quốc bắt đầu lo ngại về chất lượng sữa bột kể từ sau vụ 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và hơn 300.000 trẻ khác phát bệnh do uống phải sữa nhiễm melamine vào năm 2008. Theo khảo sát từ Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 41% người dân Trung Quốc cho biết rất quan tâm về an toàn thực phẩm vào năm 2012, tăng 29% so với năm 2008.
“An toàn sữa bột đang là mối quan tâm hàng đầu của phụ nữ mang thai và các gia đình có con nhỏ. Mọi người thường hỏi bạn bè sữa nào thì tốt, mua sữa ngoại ở đâu hoặc nhờ mua sữa giúp khi đi du lịch nước ngoài" – Allen Wang, giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Babytree.com, diễn đàn trực tuyến lớn nhất dành cho các bậc phụ huynh tại Trung Quốc, nói. Theo khảo sát của diễn đàn này, khoảng 2/3 hộ gia đình có con nhỏ tại Trung Quốc sử dụng sữa ngoại nhập.
Hoạt động mua bán sữa ngoại diễn ra tấp nập gần Sheung Shuin – Hồng Kông
Lo ngại chất lượng hàng nội, nhiều người Trung Quốc chuyển sang mua sữa bột của các thương hiệu nước ngoài sản xuất trong nước. Nhưng một thời gian sau lại xuất hiện thông tin các nhà phân phối và bán lẻ Trung Quốc “hô biến” hàng nội thành hàng ngoại nhập. Thế là người dân cất công tìm cách mua sữa bột trực tiếp ở nước ngoài. Nhiều người đặt hàng trên mạng internet, số khác nhờ cậy bạn bè, người thân ở nước ngoài. Những nhà khá giả thậm chí còn đích thân ra nước ngoài “vơ vét” sữa mang về.
Tác động mạnh mẽ
Tại quầy sữa của một siêu thị ở Đức, khách hàng người Trung Quốc tên Zhang Yuhua, 60 tuổi, tỏ ý tiếc sau khi đã mua 2 hộp sữa. Bà nói: "Nếu có thể thì tôi đã mua nhiều hơn rồi vì sản phẩm ở đây rất tốt và rẻ”. Những người như bà Zhang đang góp phần gây ra sự thiếu hụt sữa bột em bé tại một số nước như Hà Lan, New Zealand… Theo báo The New York Times (Mỹ), tình trạng này cho thấy lối tiêu dùng và nỗi lo về an toàn thực phẩm của người Trung Quốc có thể tác động mạnh mẽ đến nguồn cung những sản phẩm thiết yếu trên thế giới.
Một du khách cho sữa ngoại vào vali tại gần Sheung Shuin – Hồng Kông. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Đối mặt với mối lo trên, một số chuỗi cửa hàng bách hóa lớn tại Anh ra quy định một khách hàng chỉ được mua tối đa 2 hộp sữa/lần. Nghiêm trọng hơn, ở Hồng Kông, du khách mua quá số lượng sữa cho phép có thể bị phạt 6.500 USD và ngồi tù 2 năm. Tháng 4 vừa qua, hải quan Hồng Kông cho biết các đợt truy quét nạn buôn lậu sữa đã bắt 10 đối tượng và thu giữ số sữa trị giá 3.500 USD.
Cô Tina, 28 tuổi, một người dân tại Quảng Châu, trần tình: “Làm thế nào chúng tôi có thể tin vào sản phẩm trong nước sau những sự cố trên. Là cha mẹ, ai cũng mong muốn điều tốt nhất cho con mình. Điều này không có nghĩa là chúng tôi không yêu nước, chỉ là chúng tôi không dám chấp nhận rủi ro”. Cô Tina thường nhờ người thân ở nước ngoài mua sữa và các sản phẩm khác cho con. Có điều, quy định hạn chế số lượng sữa được mua tại một số nơi đã đẩy giá sản phẩm lên cao khi chúng về đến Trung Quốc.
Theo NLĐ
Bình luận (0)