Tâm huyết với nghề giáo, mong muốn mỗi học trò có đủ tự tin để sống, học tập và sáng tạo, cô giáo trẻ Phạm Thị Thùy Loan – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ (quận Hải Châu, Đà Nẵng) đã có nhiều sáng kiến và hiện thực hóa các ý tưởng giáo dục để tạo môi trường học tập, trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng cho học sinh trong và ngoài trường.
Tự tin sống, tự tin thay đổi
Hai năm trước, chị Trần Thị Thu nộp đơn tuyển sinh cho cháu Khôi Nguyên vào Trường THCS Nguyễn Huệ trong tâm trạng khá âu lo. “Con mình suốt thời tiểu học đều rất nhút nhát, không tự tin dù lực học của con không đến nỗi nào. Mình đưa hồ sơ đi nộp mà khá lo vì sợ con lên THCS sẽ bị các bạn bắt nạt, không tự tin xung phong phát biểu bài học… Rồi con may mắn được tham gia lớp học kỹ năng miễn phí của cô Loan. Được một thời gian thì con tự tin hẳn”. Sự đổi thay ở Khôi Nguyên hầu như ở tất cả mọi mặt. Thay vì nhút nhát im lặng không giơ tay phát biểu bài học, Khôi Nguyên đã mạnh dạn bày tỏ quan điểm, kiến thức của mình trước thầy cô giáo và cả lớp. Về nhà, Khôi Nguyên thường xuyên chia sẻ với mẹ, điều mà trước đó cậu chưa hề kể dù chỉ là một câu chuyện nhỏ nhất diễn ra ở trường, lớp. Mỗi buổi sáng thức dậy, Khôi Nguyên đều tự giác nhận phần quét nhà, lau nhà hoặc giúp mẹ nấu cơm, rửa bát hàng ngày, trò chuyện cùng em và chỉ bảo lại cho em những kỹ năng mình đã học được. “Mình không kỳ vọng con học phải thật giỏi, mình chỉ cần con hiểu chuyện và có đầy đủ kỹ năng, lòng trắc ẩn như những gì con thể hiện sau gần 2 năm theo học lớp kỹ năng sống ở cô Loan là mình vui lắm rồi”, chị Thu bộc bạch.
Cô Phạm Thị Thùy Loan cùng học trò trong các buổi hoạt động ngoại khóa
Còn với Quỳnh Như – học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Huệ, sau hơn 1 năm tham gia lớp kỹ năng, em đã thay đổi hẳn về nhận thức, tư duy, biết yêu thương và san sẻ cùng gia đình. “Trước đây mức độ tương tác của con với mẹ rất ít. Tham gia lớp học về, con đã chia sẻ nhiều hơn, cởi mở hơn. Đặc biệt, con tự giác san sẻ việc nhà với mẹ như nấu cơm, phơi áo quần, đi mua thức ăn sáng giúp mẹ… Những bài học của con ở lớp rất thực tế nên con không gặp khó khăn khi va chạm với các tình huống ngoài đời sống. Ở lớp, cô Loan không chỉ dạy các con kỹ năng mà còn giúp các con gỡ khó với từng trường hợp cụ thể, riêng biệt nên tôi rất yên tâm”, chị Đỗ Thị Pháp – mẹ của bé Quỳnh Như cho biết.
Đó chỉ là hai trong hàng trăm học sinh tham gia lớp học kỹ năng miễn phí của cô Loan trong nhiều năm qua. Cảm hứng tự tin học tập, tự tin sống được truyền từ nguồn năng lượng tích cực đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận và cần nhiều hơn sự tiếp nối.
Vì những thế hệ trẻ bản lĩnh
Tâm huyết với nghề, tận tâm với học trò, hơn 15 năm theo nghề giáo, cô Loan đã có nhiều sáng kiến, giải pháp giúp cải thiện, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học trò. Cô Loan kể: “Từ năm 2015 đến nay, tôi có một số giải pháp, sáng kiến được ghi nhận như sáng kiến kinh nghiệm đề tài “Chỉ huy Đội giỏi – chìa khóa để xây dựng tổ chức Đội vững mạnh”; đề tài “Chung tay xây dựng Đà Nẵng – Thành phố môi trường”; sáng kiến “Giáo dục môi trường cho học sinh THCS thông qua hoạt động trải nghiệm” và “Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh thông qua mô hình lớp học không bục giảng”; sáng kiến “Nâng cao chất lượng tiết sinh hoạt dưới cờ thông qua hoạt động của đội tuyên truyền măng non Liên đội”… Mỗi sáng kiến, giải pháp đều xuất phát từ yêu cầu thực tế với mong muốn học sinh được tự tin hơn, năng động hơn và giàu kỹ năng ứng xử trong đời sống thường ngày”.
Lao động và sáng tạo, yêu học trò, cô Phạm Thị Thùy Loan đã được các cấp ngành, chính quyền ghi nhận. Đơn cử như Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về Lao động sáng tạo năm học 2016-2017; Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” do Trung ương Đoàn trao tặng; Năm học 2018-2019 được tặng Huân chương Lao động hạng nhì. Gần đây nhất cô vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về những cống hiến cho ngành giáo dục. Những phần thưởng là sự ghi nhận cho quá trình say mê cống hiến. Với cô Loan: “Hạnh phúc là khi học trò tự tin, cởi mở, sẵn sàng sẻ chia và sẵn sàng đối mặt với khó khăn bằng trách nhiệm và sự dũng cảm”. |
Mỗi sáng kiến, giải pháp nhiều năm qua đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận và sự hưởng ứng tích cực của giáo viên, học sinh. Với cô Loan, tâm đắc nhất là sáng kiến giáo dục kỹ năng sống thông qua mô hình không bục giảng. Nhiều năm nay, đích thân cô đứng lớp, truyền đạt tới học sinh các kỹ năng sống cần thiết. Lớp học được mở ở trường nhưng có rất nhiều học sinh ngoài trường tham gia. Gần đây, lớp được tổ chức ngay tại nhà. Mỗi lớp tối đa có 20 học sinh, thời gian kéo dài trong 9 tháng. Vào mỗi chiều thứ bảy hàng tuần, căn phòng nhỏ lại rộn ràng tiếng cô trò với không khí học tập hứng khởi. “Tôi thường đưa ra những tình huống thực tế nhất để giảng giải cho các em, hướng dẫn các em. Tuy nhiên mỗi học trò có mỗi tính cách, khả năng và sở trường khác nhau. Mình phải nắm bắt tâm tư và hiểu rõ mỗi em để có những lời khuyên, sự hướng dẫn cụ thể để các em phát triển toàn diện nhất, phát huy được khả năng của mình. Đơn cử như một học trò thích đọc sách không có nghĩa là cũng thích các môn thể thao và ngược lại. Mình phải dựa trên thế mạnh các em để hướng dẫn giúp các em đạt kết quả tốt. Cũng như vậy, mỗi trẻ lại có những vướng mắc tùy từng hoàn cảnh cụ thể riêng cần có sự gợi ý đúng hướng để tháo gỡ. Tôi tin khi tháo gỡ được vấn đề một cách thoải mái nhất, trẻ sẽ phát triển tốt”, cô Loan nói.
Phan Lệ
Bình luận (0)