Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người truyền lửa cho sinh viên

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Thạc sĩ Tăng Tấn Lộc (hàng đứng, bìa phải) và các sinh viên lớp chuyên ngành du lịch trong chuyến tham quan một số di tích tại TP. Đà Lạt
Sinh ra và lớn lên tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Truyền thống gia đình đã hình thành nên nếp nghĩ, hành động của cậu bé Tăng Tấn Lộc. Sau khi tốt nghiệp THPT, Tấn Lộc trúng tuyển vào Trường ĐH Luật, TP. HCM, Trường ĐH Cần Thơ. Sau một thời gian lưỡng lự, cuối cùng, Lộc quyết định “đầu quân” vào ngành ngữ văn, Khoa Sư phạm, Trường ĐH Cần Thơ. Bắt đầu đời sinh viên, Lộc liên tục đạt thành tích cao trong học tập, năng nổ trong các phong trào, và vinh dự đứng vào hàng ngũ Đảng trước khi ra trường.
Người của những giải thưởng   
Năm 2003, tốt nghiệp ĐH, Lộc về công tác tại Trường THPT Tân Lược của tỉnh nhà. Ngôi trường vùng sâu với rất nhiều học sinh (HS) thuộc diện khó khăn này được cả nước biết đến không phải vì những thành tích đạt được mà vì tình cảm mà các giáo viên nơi đây dành cho học trò. Vào thời điểm ôn thi tốt nghiệp, để giúp HS ôn tập tốt, ngoài việc tổ chức phụ đạo hai buổi/ ngày, các thầy cô giáo nơi đây còn đóng góp tiền mua gạo, thức ăn, và đứng ra nấu bữa trưa phục vụ HS để các em chú tâm vào việc học. Những dịp như vậy, thầy giáo trẻ Tấn Lộc rất vất vả vì ngoài trách nhiệm chuyên môn, anh còn là Bí thư đoàn trường, phải đi đầu trong các phong trào do ngành phát động nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học. Khi cầm trên tay danh sách HS của trường tốt nghiệp THPT, thầy giáo trẻ cảm thấy ấm lòng.
Thế nhưng vẫn còn đó những bài làm văn của HS đầy lỗi chính tả, hoặc nhiều em chưa biết cách dùng từ, đặt câu. Sau nhiều đêm trăn trở, thầy giáo trẻ Tấn Lộc quyết định chọn con đường nghiên cứu khoa học nhằm từng bước giải quyết vấn đề trên. “Ngoài yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, cơ duyên khiến tôi gắn bó với lĩnh vực này còn xuất phát từ nhiệm vụ chính trị. Công trình đầu tiên của tôi là tập tài liệu sưu khảo nhằm tham dự cuộc thi “Tìm hiểu 60 năm nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” do Ban Tuyên giáo TW tổ chức năm 2005. Lần đó mình đạt giải III, được ra Hà Nội nhận giải và giao lưu với nhiều bạn trẻ tài năng. Công trình này giúp cho việc dạy văn của tôi trở nên có chiều sâu hơn. Từ đó tôi nghiệm ra, việc nghiên cứu khoa học đem lại rất nhiều lợi ích cho người thầy”, Tấn Lộc chia sẻ. Vậy là Lộc chuyên tâm tìm những đề tài mới để nghiên cứu, và tiếp tục đạt nhiều giải thưởng. Trong đó công trình nghiên cứu mang tên “Những đóng góp của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng đối với cách mạng Việt Nam” đạt giải Đặc biệt trong cuộc thi do Ban Tuyên giáo kết hợp Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Long tổ chức năm 2007. Những kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu góp phần giúp thầy giáo trẻ thành công khi biên soạn cuốn sách tham khảo: “Củng cố kiến thức và Bài tập thực hành Ngữ văn 11”, được Nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 2008, và nhanh chóng trở thành sách gối đầu giường của rất nhiều HS.
Niềm say mê nghiên cứu càng được chắp cánh khi Tấn Lộc về công tác tại Trường ĐH Tây Đô. Nhà trường động viên, tạo điều kiện mọi mặt cho anh hoàn thành các đề tài, viết tham luận, tham dự Hội thảo các cấp. Những báo cáo tham luận tại các hội thảo của người thạc sĩ đôn hậu, có kiến thức rộng và nhiệt tình này thường để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều đại biểu. Anh trở thành gương mặt đại diện cho người làm công tác nghiên cứu khoa học tại khu vực châu thổ sông Cửu Long. Với nhiệm vụ Phó trưởng khoa Ngữ văn, anh đã hài hòa giữa công tác giảng dạy, quản lý, học tập với nghiên cứu khoa học. Hiện nay, ngoài việc cùng nghiên cứu công trình cấp thành phố “Văn học dân gian” với tiến sĩ Trần Văn Nam, anh còn tham gia nghiên cứu với PGS.TS. Đoàn Lê Giang – Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, Trường ĐH KHXH – NV TP.HCM và TS. Lê Ngọc Thúy, Giảng viên Trường ĐH Cần Thơ. Đề tài mà hiện nay anh dành nhiều sự quan tâm nhất là nghiên cứu và tìm giải pháp nhằm góp phần bảo tồn nền văn hóa dân gian của khu vực ĐBSCL, trong đó có sân khấu cải lương và những làn điệu dân ca, vọng cổ.
Truyền lửa cho sinh viên
Với cách truyền đạt kiến thức khoa học, dễ hiểu, những tiết dạy của thầy Tăng Tấn Lộc luôn khiến sinh viên thích thú. Các bạn không chỉ say mê nghe thầy giảng mà còn tích cực tham gia đóng góp xây dựng bài. Một lần, khi dạy bài “ Văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” tại lớp Văn Học 4-B, anh tổ chức cho lớp chia nhóm thuyết trình về đề tài “Sử dụng ngoại ngữ như thế nào để bảo tồn văn hóa truyền thống?”. Các nhóm sôi nổi đưa ra ý kiến cũng như giải pháp tháo gỡ, không khí lớp học thật vui. Đợi sinh viên của mình thảo luận xong, thầy giáo Lộc đúc kết các ý tưởng rồi đưa ra một giải pháp dung hòa khiến cả lớp “tâm phục”.
Với mong muốn giúp sinh viên ngày càng yêu thích việc nghiên cứu, anh luôn tranh thủ lồng ghép những cái hay trong việc nghiên cứu khoa học vào những tiết dạy, những buổi sinh hoạt chủ nhiệm hoặc chuyên đề. Việc làm này đã góp phần tạo nên không ít chuyển biến trong cách suy nghĩ, nhận thức của đông đảo sinh viên trong trường. Và thật bất ngờ, sau Hội nghị Nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ I- năm 2010, do Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Tây Đô tổ chức, có đến 83 đề tài nghiên cứu được các bạn sinh viên đăng ký thực hiện. Trong đó có khá nhiều đề tài rất ý nghĩa đối với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục hoặc phát triển kinh tế-xã hội khu vực châu thổ sông Cửu Long. Chẳng hạn như đề tài: “Vấn đề phát triển du lịch biển-đảo ở ĐBSCL” của nhóm sinh viên lớp Du lịch K.3. Trưởng nhóm thực hiện Nguyễn Trần Anh Thư chia sẻ: “Khi chọn đề tài này chúng em có mong ước góp phần một phần nào đó trong việc phát hiện, khai thác và phát hut những thế mạnh của khu vực biển đảo tại ĐBSCL”. Còn Trần Việt Trung, một thành viên trong nhóm sôi nổi: “Chúng em đã cơ bản hoàn thành kế hoạch thực hiện. Trước hết chúng em sưu tầm, nghiên cứu về những “điểm nóng” có cảnh quan đẹp, mang nét đặc trưng, có nhiều tiềm năng thu hút du khách của một số biển- đảo. Sau đó đến quay phim, chụp hình, tìm tư liệu… Nơi nào gần thì tranh thủ đi xe máy, địa bàn xa mới xin… tiền gia đình. Có thể chúng em sẽ tranh thủ kiếm việc làm thêm để có kinh phí thực hiện đề tài này”. Quả là một hướng thực hiện rất “xả láng”- y như của thầy Lộc năm nào… Rõ ràng, cùng với sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà trường, thầy Lộc đã truyền được ngọn lửa đam mê đến thế hệ trẻ trong công tác cao quý nhưng không ít khó khăn này.
Và những trăn trở
Để tiếp sức cho sinh viên, Trường ĐH Tây Đô đã tăng cường bổ sung các đầu sách nghiên cứu cho thư viện, triển khai mạng Wi-Fi để sinh viên truy cập tài liệu một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, tùy theo đề tài mà nhà trường sẽ hỗ trợ một số kinh phí cũng như bố trí giảng viên hướng dẫn giúp các bạn sinh viên làm tốt công việc của mình. Thầy Tấn Lộc cũng tổ chức một học phần về phương pháp luận cho sinh viên trong nghiên cứu khoa học. Thấy sinh viên của mình đam mê nghiên cứu, Phó trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐH Tây Đô rất mừng nhưng vẫn còn đó những băn khoăn: “Các bạn sinh viên có thừa nhiệt huyết, không ít bạn đã lên năm thứ tư, dù bộn bề với việc chuẩn bị thi tốt nghiệp nhưng vẫn hăng hái đăng ký thực hiện đề tài. Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần, chưa thể gọi là đủ, bởi muốn thực hiện những đề tài có chiều sâu và mang tính ứng dụng cao, các em phải dành nhiều thời gian và tiền xăng, xe đi lại, rồi ăn uống, chụp hình, rửa phim, viết báo cáo… nói chung là tốn kinh phí không nhỏ. Trước đây tôi hoàn thành tốt các đề tài vì đã đi dạy, dù sao cũng có đồng ra đồng vào, còn các em vẫn là những người đang học, phải phụ thuộc vào kinh tế của gia đình. Tôi mong sao các em sẽ sớm được các đơn vị, công ty “chia lửa”, có như vậy phong trào mới mang tính căn cơ và bền vững”.
Bài, ảnh: Đan Phượng

Chúng tôi kỳ vọng sẽ đào tạo ra những nhà khoa học trẻ tuổi. Làm sao để sau khi tốt nghiệp đại học, các em không chỉ đáp ứng được yêu cầu thực tiễn mà còn trở thành những nhà nghiên cứu đích thực, có nhiều công trình đóng góp cho cộng đồng, cho bước đi lên của khu vực”.

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)