Lớp học của thầy Thiện |
Lớp học không phấn trắng, bảng đen, chỉ có bộ bàn ghế duy nhất dành cho các học viên đủ mọi thành phần, lứa tuổi. Tật nguyền, chưa một lần chính thức đứng trên bục giảng học đường nhưng anh Nguyễn Phước Thiện đã “chắp cánh” cho biết bao thế hệ học trò nâng cao tri thức từ lớp học này…
Tôi đến thăm lớp học của anh hai lần, không nghĩ đó là công việc của một người khiếm thị. Căn hộ nhỏ của anh ở tầng 2 chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TP.HCM) 15 năm qua luôn dành một góc cho công việc dạy học. Thiện giảng dạy Anh văn!
Mỗi lần lên lớp, anh thường ngồi chệch về một góc, thao tác chính xác từng con chữ trên bàn phím vi tính còn các học viên chăm chú theo dõi qua màn hình. Xung quanh là một hệ thống máy móc hiện đại được Thiện lắp đặt phục vụ cho việc giảng dạy. Anh khoe: “Công nghệ thông tin giúp tôi chẳng những dạy tốt cho các bạn đến nhà mà còn “lên lớp” từ xa với các học viên ở Huế, Nha Trang hay Bình Thuận”.
Sang ngày hôm sau, tôi làm một “phép thử” nhắn tin điện thoại cho Thiện “Hôm nay anh có dạy không?”. Hai phút sau Thiện trả lời: “Ngày nào cũng dạy 4, 5 lớp”. Tôi ngỡ ngàng!
Tự tìm con đường sáng
37 tuổi, Nguyễn Phước Thiện đã có đến 28 năm mò mẫm đi trong bóng tối. Năm lên 9 tuổi, trong một lần té ngã bị nước mưa văng vào mắt làm bong võng mạc, từ đó Thiện thành người khiếm thị. Tôi hỏi: “Cảm giác của anh như thế nào lúc ấy?”. Thiện im lặng. Lảng tránh bằng một câu nói: “Mình phải nghỉ học mấy năm, chỉ ở nhà và nghĩ mình sẽ trở thành gánh nặng cho mẹ”. Trong suốt cuộc trò chuyện, tôi chưa một lần nghe Thiện đổ lỗi cho số phận, rằng mình không may mắn. Mẹ anh cũng nói, chưa thấy nó buồn hay khóc bao giờ. Riêng tôi, thử nhắm mắt, đặt mình trong hoàn cảnh một người mù, thấy cả thế giới như đang quay lưng, mọi thứ quanh mình bị tước đoạt.
Không có điều kiện học phục hồi chức năng, không chiếc gậy dò đường, Thiện “đương đầu” với cuộc đời bằng cách… tiến tới, khoảng nào trống thì đi, còn chướng ngại – va đâu thì “dội” ra để mà đi tiếp! Thiện bắt đầu dò dẫm, tập làm quen với con chữ Braille để xin học hòa nhập. Đêm xuống, ôm chiếc radio nghe đài, nghe nhạc, tự học tiếng Anh qua những bản tin nước ngoài.
Lên lớp 11, Thiện xin mẹ đến các trung tâm Anh ngữ để học. Cuộc sống hai mẹ con anh bấy giờ còn nhiều khó khăn, công việc buôn gánh bán bưng của bà Thy – mẹ Thiện không đủ trang trải cho sinh hoạt gia đình. Thương con, bà cố xoay xở để anh theo đuổi khát vọng. Thiện đến với lớp Anh văn, trở thành học viên nhỏ tuổi nhất và chịu nhiều khó khăn nhất trong học tập. Nhưng với anh, sự khó khăn tật nguyền lại là động lực nhắc mình phải cố gắng. Dặn lòng, người sáng biếng lười chắc gì đã hơn người mù chăm chỉ. Nhiều anh chị trong lớp thấy Thiện học khá nên thường hỏi bài. Con đường để anh trở thành một thầy giáo cũng bắt nguồn từ ấy, như một tình cờ, một cơ duyên. Từ hỏi bài, họ gợi ý được đến nhà nhờ Thiện kèm cặp. “Nghề” giảng dạy gắn theo anh từ đó.
Trở thành thầy giáo bất đắc dĩ nhưng lại có thu nhập cao, Thiện bắt đầu đeo đuổi ước mơ lên giảng đường. Năm 1996, Khoa Tiếng Anh Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đón nhận trường hợp sinh viên khiếm thị đầu tiên vào học. Lúc này, Thiện vẫn duy trì công việc dạy học tại nhà để trang trải học phí đại học và đỡ đần cho mẹ. Ngay cả khi tốt nghiệp ra trường, Thiện cứ nghĩ mình sẽ phải đi tìm một công việc khác. Nhiều trung tâm cũng ngỏ ý mời về giảng dạy nhưng học viên đến nhà càng lúc càng đông, công việc cứ thế “cuốn” anh theo cho đến tận bây giờ.
Giáo trình của thầy Thiện được biên soạn dựa theo yêu cầu và trình độ của mỗi học viên. Thỉnh thoảng anh còn lồng ghép các đề tài “nóng” của xã hội thành một chủ đề giảng dạy, như lũ lụt, tình hình giao thông để các em dễ dàng nắm bắt. Ngoài ra, khi có dịp gặp gỡ người nước ngoài, cuộc trò chuyện với họ sẽ được anh “lén” ghi âm để mang về làm “giáo trình” như một bài học đối thoại thực tế.
Thiện tâm sự: “Có nhiều người hiếu kỳ, ngờ vực, không tin một người mù dạy tiếng Anh cho người sáng! Cũng phải! Dạy bằng cách nào đây? Và họ đến, đứng nấp đằng sau cánh cửa sổ xem tôi dạy học. Khi lớp tan, họ bất ngờ bước vào, vừa xúc động vừa ngỏ ý… kết thân”. Thiện bảo, từ nhỏ cái anh sợ nhất chính là sự thương xót của người đời dành cho kẻ bất hạnh. Như Thiện, nếu như anh vì chấp nhận khiếm khuyết như một sự an bài của số phận mà đi bán một cái gì đó để mưu sinh. Khi đó người ta đến với anh chưa hẳn vì cái họ cần mua mà vì sự thương hại, sự giúp đỡ ban phát thì anh sẽ không bằng lòng. Trong khả năng của mình, anh phải xua tan khoảng cách “khó chịu” này và làm cho mọi người, nếu đến với anh thì phải bằng sự trân trọng, thương quý.
Tấm gương cho nhiều bạn trẻ
Không những “giảm giá” cho học trò nghèo, thầy Thiện còn đưa ra một chính sách học phí đặc biệt: học sinh nào tham gia các công tác xã hội từ thiện hay kể một việc tốt mình làm cho người khác sẽ được giảm đến… 50% học phí. |
Cái tên Nguyễn Phước Thiện trong cảm nhận của nhiều học viên không dừng ở cương vị người thầy, anh còn cho họ cả những kinh nghiệm và bài học đạo đức. Thiện còn thường xuyên tổ chức các chuyến công tác dã ngoại, đưa học trò đến thăm viện cô nhi, dưỡng lão hoặc những cơ sở bảo trợ xã hội để học viên hiểu được cuộc sống xung quanh mình, nhất là các “cậu ấm cô chiêu” vốn xa lạ với việc thiện, việc tốt, từ đó thấy mình đang hạnh phúc, may mắn hơn mà bớt đi sự ích kỷ. Một học trò nghèo đã bật khóc khi nghe Thiện kết luận: “Nếu vì hoàn cảnh mà con đi ăn cắp của người khác về cho gia đình, thì vô tình con đã “gieo” một cái tội cho những người thân của con gánh lấy”.
15 năm dạy học cho biết bao thế hệ, Thiện cho biết điều anh nhận thấy ở nhiều bạn trẻ hiện nay là dường như chỉ có ba điều họ quan tâm nhất: phấn đấu học hành, tìm kiếm một công việc ổn định thu nhập cao và thường chỉ sống cho tình cảm cá nhân mình. Thiện lo ngại, nếu chỉ biết có ba điều ấy thôi thì thật ích kỷ. Nhất là khi họ đạt hay không đạt được ba điều ấy thì sẽ khiến dễ hụt hẫng và rơi vào chán nản. Họ không đủ sức mạnh để biết vượt lên chính mình. Lo ngại như vậy nên anh quan niệm, đã dạy cho các em thì không thể chỉ dạy kiến thức mà còn phải dạy các bài học kỹ năng, nhận biết giá trị sống.
Không dừng ở người thầy gương mẫu, Thiện còn là một trong 50 tấm gương tiêu biểu nhất về lòng hiếu thảo từ cuộc vận động, bầu chọn của TP.HCM suốt 15 năm qua. Hàng xóm cho biết chưa thấy người con nào chăm sóc mẹ chu đáo như anh. Nhiều lần mẹ trở bệnh, Thiện tự mình cõng mẹ dò dẫm đi từng bậc cầu thang đón xe đến bệnh viện. Những lần vội vàng như vậy, bàn chân anh vừa lần đi từng bước vừa phải bấu chặt xuống đất cho khỏi ngã, có khi va phải chướng ngại đau điếng Thiện cũng không dám kêu lên, sợ mẹ buồn. Kể về người đã nuôi dạy anh thành người, Thiện trầm ngâm: “Trong những năm đầu khiếm thị, mẹ cõng tôi trên lưng mẹ vì sợ tôi mù lòa đi té. Bây giờ, chỉ 10kg cân nặng là mẹ đã không mang nổi. Mỗi ngày đấm bóp cho mẹ, dù không nhìn thấy nhưng tôi cảm nhận mẹ đã thật sự bước vào tuổi già. Tôi thấy mình bất lực. Ngày nào còn mẹ tôi hứa sẽ sống hết khả năng, trở thành người có ích để mẹ không buồn lòng”.
Bài, ảnh: Tuyết Dân
Hình dung bàn tay Thiện lướt nhanh trên từng phím, ánh sáng để anh bấm chính xác mỗi con chữ không truyền từ đôi mắt mà chính từ nghị lực phi thường của một người tự đi tìm đường sáng cho mình. |
Bình luận (0)