Đó là cô Lê Thị Hoàng (SN 1962), người đã 16 năm âm thầm ươm chữ cho đám trẻ là bệnh nhân, con em bệnh nhân ở trại phong Bến Sắn (xã Khánh Bình, TX. Tân Uyên, Bình Dương).
Lớp học tình thương được che tạm trong Trại phong Bến Sắn – Ảnh Huy Anh
|
Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Bình Dương cô Lê Thị Hoàng khăn gói về dạy học tại một nông trường cao su thuộc địa bàn huyện Long Thành (Đồng Nai). Cuộc sống bình dị cứ êm ả trôi qua nhưng thật không may, năm 1995 cô lại mắc chứng bệnh viêm tủy. Không bao lâu sau khi phát hiện bệnh, cơ thể cô đã yếu dần, chân tay yếu ớt và sau một cơn đau cột sống cô đã liệt toàn thân.
Cơ duyên trong trại
Hai người em làm bác sĩ trong trại phong Bến Sắn khi hay tin chị mình bị bệnh đã đưa cô Hoàng về trại chăm sóc. Sau một thời gian cố gắng điều trị, cô Hoàng đã tìm lại cảm giác cho đôi tay, đôi chân của mình. Những ngày điều trị trong trại phong, cô Hoàng chứng kiến rất nhiều đứa trẻ là bệnh nhân, con bệnh nhân không có điều kiện đến trường như chúng bạn. “Có nhiều lý do để đám trẻ trong trại phong này không được đi học lắm. Có thể là do thiếu thủ tục đăng ký đi học hay đường xa nhưng phần nhiều là do sự kỳ thị, sự thiếu hiểu biết của mọi người đối với bệnh phong”, cô Hoàng lý giải.
Ngay sau khi sức khỏe được hồi phục phần nào, cô Hoàng lên gặp ban lãnh đạo trại phong trình bày ý nguyện được mở lớp, dạy học cho đám trẻ và nhận được sự đồng tình. Một lớp học tạm bợ được dựng lên bên hiên trại phong, bàn ghế tạm bợ là những miếng ván, những thanh gỗ thừa mà cô đích thân đi nhặt nhạnh về và nhờ người đóng tạm. Cô Hoàng nhớ lại những ngày đầu mở lớp mà nước mắt rưng rưng: “Tôi còn nhớ như in cảm giác ngày đầu đón các cháu là con em bệnh nhân đến học. Đám trẻ con hết sức bỡ ngỡ với bảng, với giấy, với bút chì, với viên phấn… Những tiếng ê a của bảng chữ cái ấy thế mà rôm rả cả một góc hiên. Trẻ con thì ngồi miệt mài tô con chữ, còn các cụ ông cụ bà đứng ngoài cũng đánh vần theo”.
Sương rồng trên cát
Hoàn cảnh của học trò đều đáng thương. Có em thì bố hoặc mẹ mắc bệnh phong, không lao động được chỉ sống nhờ vào tiền trợ cấp của bệnh viện nên gần như mọi thứ trong lớp học này từ sách giáo khoa, đồ dùng học tập… đều do cô Hoàng phải tự lo. “Ở đây, sách là quý giá nhất nên cô thường khuyên các em giữ cẩn thận để bạn sau còn có cái mà học”, cô Hoàng chia sẻ.
Trước đây, lớp học chữ của cô Hoàng chỉ có con bệnh nhân trong trại phong, nhưng khoảng 5 năm trở lại đây thì đã có rất nhiều con em công nhân đang lao động trong Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đến xin học. Ngồi nhẩm tính, cô Hoàng nói : “Cô đã dạy khoảng 300 học trò rồi đấy. Vui nhất là có 3 cháu đang theo học đại học. Các cháu biết thân biết phận mình nên đều cố gắng học tập không thua kém gì những đứa trẻ được đi học tại trường nhà nước”. Nở nụ cười thân thiện rồi cô tiếp: “Học trò của cô, ví như sương rồng mọc trên trên cát cũng được đấy nhỉ”.
Hiện tại, sức khỏe cô Hoàng đã yếu đi rất nhiều, việc đi lại khá khó khăn nhưng cô vẫn không để đám trẻ lỡ việc học. “Cô có nhiều mong ước cho đám trẻ con có hoàn cảnh đáng thương này lắm. Cô mong sao, chính quyền địa phương có chính sách gì đó tạo điều kiện tốt hơn cho những đứa trẻ này. Dù sao, chúng cũng là tương lại của đất nước mà”, cô Hoàng tâm sự.
Huy Anh
(TNO)
Bình luận (0)