Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Người “ươm mầm” chữ giữa đại ngàn

Tạp Chí Giáo Dục

Lớp học thôn Cu Ty được xây trên đất anh Hồ Văn Leng tặng
Dù không phải là thầy giáo trực tiếp đứng lớp nhưng bằng tấm lòng hướng về tương lai của thế hệ trẻ, anh đã tình nguyện hiến hơn 1.000m2 đất vốn là rẫy cà phê của gia đình để xây trường học. Người Vân Kiều và Pa Cô ở đại ngàn Trường Sơn gọi anh là người “ươm mầm” chữ. Anh tên là Hồ Văn Leng, ở thôn Cu Ty, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị).
1. Con đường Hồ Chí Minh nhánh Đông xuyên qua đại ngàn Trường Sơn (thuộc tỉnh Quảng Trị) những ngày giữa hạ xanh mướt một màu xanh của bạt ngàn cà phê. Những người dân xã Hướng Lộc đón chúng tôi bằng nụ cười thân thiện. Khi chúng tôi hỏi về anh Hồ Văn Leng, một cụ già đi ngược đường, vui vẻ bảo: “Hỏi Pả Leng ở thôn Cu Ty ấy à? Để bố dẫn đường cho. Nó tốt cái bụng lắm, nhờ nó mà con em trong bản có được ngôi trường học chữ, đứa nào không biết chữ thì nó bày. Mấy năm ni, thôn nhờ nó nên không có đứa mô bỏ học nữa”.
Người dân ở Hướng Lộc biết đến hình ảnh anh Hồ Văn Leng trong vai trò Trưởng thôn Cu Ty và 15 năm làm công tác Đoàn ở xã. Anh Leng năng nổ, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn. Đặc biệt là ngọn lửa nhiệt huyết học hành ở anh. Đối với người miền núi, muốn họ làm theo thì trước hết phải làm gương. Nghĩ thế, anh Leng bắt tay vào xây dựng kinh tế gia đình. “Nhiều đêm thức trắng, mình nghĩ hết kế sách cuối cùng bàn với vợ nuôi bò và trồng sắn. Hiện mình có được 10 con bò (trung bình mỗi con khoảng 10 triệu đồng) và 1,5ha mì”.
“Kinh tế gia đình mình từ đó tương đối ổn định, năm 2010, vợ chồng đầu tư xây dựng được ngôi nhà khang trang, trị giá trên 150 triệu đồng, chăm lo cho con cái ăn học đầy đủ và các cháu đều học giỏi”, anh Leng cho biết thêm.

Anh Hồ Văn Leng
2. Phát triển kinh tế không thôi chưa đủ, để tiến kịp miền xuôi, cần phải học chữ. Không chần chừ, dù đã qua tuổi học hành từ lâu nhưng năm 2010, anh Leng vẫn đầu đơn xin học bổ túc văn hóa lớp 12 tại Trung tâm GDTX huyện. Nhớ lại, anh buồn buồn nói: “Mình sinh ra thời buổi vừa kết thúc chiến tranh, cuộc sống khó khăn đủ bề. Cái ăn, cái mặc cũng chật vật mãi vẫn thiếu trước hụt sau”. Tâm tư ấy cứ đeo đẳng lấy anh mãi cho đến lúc được tín nhiệm làm Trưởng thôn kiêm cán bộ Đoàn. Nhìn các em học sinh trong thôn ngày ngày tới lớp học tạm bợ, những cơn mưa rừng mùa đông mang theo hơi rét như cắt da cắt thịt thi nhau ào ào dội xuống những đứa trẻ phong phanh trong manh áo mỏng, run cầm cập, anh lên UBND xã trình bày nguyện vọng hiến đất dựng trường. Ngay hôm sau, 1.000m2 đất đang trồng cà phê được vợ chồng anh phá bỏ để nhường cho điểm trường thôn Cu Ty. Dẫn chúng tôi ra thăm trường – điểm trường được đầu tư xây dựng với 4 phòng học và 3 phòng ở dành cho giáo viên cắm bản – anh phấn khởi nói: “Đây là mảnh đất trước kia mình trồng cà phê và hoa màu. Nếu tính ra thu hoạch thì mỗi năm mình được tầm chục triệu đồng. Con số đó không nhỏ đối với đồng bào ở miền núi đất đai và khí hậu khắc nghiệt như ri. Thế nhưng, mình mất đi từng ấy thu nhập để tạo tương lai cho hàng trăm đứa trẻ. Mai này lớn lên chúng biết cái chữ, có tương lai. Như vậy mảnh đất mình đã sản sinh ra phần lợi nhuận khổng lồ rồi đấy!”. Chúng tôi lặng nhìn theo hướng tay chỉ của anh Leng và ngẫm về bài toán đơn giản của anh – một con người từng chịu nhiều thiệt thòi do hoàn cảnh khách quan tác động nhưng khi đứng vững trên đôi chân của chính mình, điều đầu tiên anh lại nghĩ cho người khác. 100% con em thôn Cu Ty được đến trường đúng độ tuổi. Mảnh đất của anh Leng trở thành nơi “ươm mầm” cho bao thế hệ mầm non của quê hương Hướng Lộc.
3. Không chỉ hiến đất xây trường, tranh thủ thời gian rảnh, anh Leng còn tích cực tham gia hỗ trợ giáo viên dạy thêm tiếng phổ thông cho các cháu mẫu giáo, tiểu học. Bởi đa phần trẻ em miền núi biết rất ít tiếng Việt. Để dạy được con chữ, người giáo viên phải am hiểu tiếng đồng bào, nhưng không phải giáo viên nào cũng biết nhiều tiếng Vân Kiều, đặc biệt là các giáo viên trẻ. Đó là một rào cản lớn. Những ngày nghỉ hè, anh tập trung các em trong thôn lại nhà mình để dạy tập đọc, tập viết… Không ai gọi anh bằng thầy, nhưng trong thâm tâm lũ trẻ và các bậc phụ huynh ở bản – tất cả đều coi anh là điểm tựa về kiến thức. Có sự hỗ trợ, động viên của anh, động lực tới trường của các em như được nhân đôi.
Chia tay bà con Hướng Lộc, chúng tôi trở về xuôi trên con đường gập ghềnh đá núi, bạt ngàn sương giăng, mây phủ. Nhìn những bản làng chìm khuất trong sương trắng, những người nông dân chân đất, vai trần gùi A chói băng rừng lên rẫy mới thấy hết nỗi nhọc nhằn của họ, nơi mà với hai mùa mưa nắng, thiên nhiên lấy đi tất cả những gì nó mang lại. Và càng khâm phục hơn ý chí, tấm lòng của những người nhận về mình cái thiệt thòi để ươm mầm chữ cho mai sau như anh Hồ Văn Leng!
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Không ai gọi anh bằng thầy, nhưng trong thâm tâm của lũ trẻ và các bậc phụ huynh ở bản – tất cả đều coi anh là điểm tựa về kiến thức. Có sự hỗ trợ, động viên của anh, động lực tới trường của các em như được nhân đôi. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)