Với nghệ nhân Bùi Quý Phong, công việc vẽ mặt nạ là để lưu giữ thời gian và trao gửi vào đó những thiện lành của cuộc sống. Mỗi chiếc mặt nạ được vẽ ra bằng cả cái tâm, tấm lòng và tình yêu dành cho cái đẹp, khát vọng hướng tới chân thiện mỹ.
Du khách nghe ông Phong giới thiệu thông điệp qua những chiếc mặt nạ do ông sáng tác
Nghề chọn người
Căn xưởng nhỏ nằm ở số nhà 29/2 Lê Lợi, TP.Hội An của nghệ nhân Bùi Quý Phong những ngày này tấp nập du khách ghé thăm. Không gian mở và nụ cười tươi, đôn hậu của chủ nhân căn xưởng thu hút rất nhiều du khách. Bùi Quý Phong dành thời gian trò chuyện cùng tôi vào quãng trưa, khi khách đã vãn. Câu chuyện bên tách trà ấm giữa ngày mưa, nghe Bùi Quý Phong nói về vẻ đẹp cuộc sống được ông gửi gắm qua từng chiếc mặt nạ thật cuốn hút và thú vị.
Năm 22 tuổi, Bùi Quý Phong có con đầu lòng. Kinh tế gia đình khó khăn. Làm gì để đỡ đần cho cuộc sống của vợ con là điều khiến ông trăn trở. “Thời điểm đó chuẩn bị Trung thu, thấy một thằng bé đi ngang qua ngõ, mua chiếc đầu lân nhỏ. Tôi vẫy vào mượn lân để xem. Ngẫm nghĩ một lát, bụng bảo dạ nghề của mình đây rồi. Ba ngày sau, sản phẩm đầu lân do chính tay tôi tự làm ra đời”, ông Phong kể.
Nghề đã chọn người, ông Phong bắt đầu phát triển nghề làm đầu lân. Căn xưởng của ông thời điểm đông nhất cũng lên tới hơn chục người thợ. Đúng mùa Trung thu, bà con tìm mua nhiều, nhập khấm khá. Ông Phong bảo, khi công việc mang lại thu nhập ổn định, cơ duyên lại đưa ông rẽ lối sang làm đạo diễn sân khấu. Say mê bởi những vở kịch, nhiệt huyết sau cánh gà theo dõi từng chi tiết diễn viên biểu diễn trên sâu khấu do chính mình đạo diễn, ông vui. Nhưng nghề ấy cũng khá bấp bênh theo nhu cầu thị trường. Gần chục năm trước, ông nghỉ hẳn, quay trở về với công việc vẽ mặt nạ thời gian. “Tôi muốn trao gửi vào những chiếc mặt nạ dân gian do mình vẽ những hình ảnh đẹp của cuộc sống, gửi vào đó sự thiện lành để mọi người khi bước vào không gian của tôi cảm thấy thư thái và yêu đời hơn. Bên cạnh đó, tôi còn vẽ mặt nạ tuồng để gìn giữ nét giá trị văn hóa mà cha ông mình để lại, nhắc nhớ cho thế hệ mai sau về truyền thống văn hóa đặc trưng quê xứ”.
Nghệ nhân Bùi Quý Phong trong căn xưởng vẽ mặt nạ thời gian
Để tạo nên những chiếc mặt nạ, ban đầu ông Phong sử dụng chất liệu thạch cao. Nhưng nhận thấy chất liệu này dễ vỡ khi vô tình rơi mạnh, ô nhiễm môi trường, ông nghĩ ra cách tìm kiếm giấy báo cũ rồi dựa vào khuôn hình do chính ông thuê thợ đá tạc sẵn để dán lại qua những lớp hồ từ bột nếp. “Mặt nạ làm xong cứng, không méo mó và không vỡ khi đánh rơi. Người cẩn thận có thể gìn giữ vài chục năm”, ông Phong cho biết. Những chiếc mặt nạ dân gian do ông Phong vẽ dễ dàng phân biệt với mặt nạ nhựa trong các cửa tiệm bán đồ chơi. Mặt nạ giấy dân gian có thần thái riêng, thể hiện đặc trưng ở đôi mắt. Ông Phong luôn tuân thủ quy tắc âm dương trong vẽ mặt nạ, gồm 5 màu chủ đạo: Vàng, trắng, đỏ, đen, xanh. Điều đặc biệt, mỗi chiếc mặt nạ ông chỉ vẽ một lần, không lặp lại bởi theo ông, sự lặp lại gây ra nhàm chán, hạ giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Người nghệ nhân phải thường xuyên sáng tạo để vẽ nên những chiếc mặt nạ đẹp, có hồn cốt và truyền được thông điệp cuộc sống. Hàng ngàn chiếc mặt nạ đã được vẽ trong gần 10 năm qua như thế.
Sẻ chia để cùng gìn giữ
Nặng gánh mưu sinh nhưng Bùi Quý Phong vẫn luôn dành cho người nghèo khó những cơ hội để cùng mình vươn lên. Thời điểm nghề làm đầu lân hưng thịnh, ông tạo điều kiện cho 25 thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn có việc làm. Nhiều em sau đó đã vững tay nghề, mở xưởng riêng và duy trì nghề cho đến bây giờ. Trở lại với nghề vẽ mặt nạ, ông trao truyền nghề cho nhiều bạn trẻ. “Muốn giữ nghề là phải trao đi. Có như thế nghề mới sống được lâu dài”, ông Phong nói.
Lặng thầm với nhiều công việc hướng đến cộng đồng, Bùi Quý Phong không nhận về mình hai chữ “tử tế”, ông chỉ cho rằng mình đã sống tốt nhất có thể khi san sẻ đi yêu thương. “Cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều lần khi yêu thương trao đi và thiện lành nhân lên”, nghệ nhân Bùi Quý Phong trải lòng. |
Mở xưởng vẽ mặt nạ, ông Phong tạo điều kiện cho nhiều bạn trẻ theo nghề. Ông không đòi hỏi nhiều kỹ năng ở họ, chỉ với một điều kiện đơn giản là xem đôi tay có đủ mềm mại để đưa nét vẽ thanh thoát hay không. Thu nạp thợ, ông tự đào tạo tay nghề cho họ, chỉ cho họ cách tư duy hình ảnh và quan niệm về cuộc sống bằng trái tim ấm áp. Theo nghề đã 2 năm, ngay giữa thời điểm Covid-19 bùng phát mạnh, chị Thu Sương vẫn bền bỉ với nghề. “Tôi từng làm việc trong ngành du lịch với mức thu nhập khá nhưng tôi thấy ở đây, với công việc này giúp tôi thư thái và thỏa thích sáng tạo nên tôi quyết định gắn bó với nghề”, chị Sương bộc bạch.
Đi nhiều nơi, ông đau đáu khi thấy các cửa tiệm bày bán mặt nạ trẻ em chơi với giá rẻ mà chưa chú trọng đến việc nâng tầm để phát huy tinh hoa của thế hệ trước, đồng thời để nghệ nhân sống được với nghề. Hơn 1 năm nay, ông còn mở lớp dạy vẽ mặt nạ miễn phí cho 40 học sinh từ 6 đến 14 tuổi trên địa bàn thành phố. Đều đặn mỗi chiều chủ nhật hàng tuần, căn xưởng của ông trở thành lớp học do chính ông hướng dẫn. Ông nói: “Tôi muốn rèn cho các cháu tính kiên nhẫn, tình yêu cuộc sống thông qua hoạt động vẽ mặt nạ. Đương nhiên tôi sẽ rất vui nếu học trò yêu thích và có năng khiếu hội họa. Tôi hy vọng, lớp học sẽ truyền thêm cho các cháu động lực để giữ lửa đam mê của mình”.
Không chỉ truyền nghề, ông còn tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, trao đi rất nhiều thực phẩm cho bà con thời điểm dịch Covid-19 quét qua những làng mạc nghèo khó ở Quảng Nam. Trước mỗi năm học mới, ông đều đứng ra kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ đồng phục, gom sách giáo khoa cũ để tặng cho học trò nghèo. Cho đi niềm vui là nhân lên hạnh phúc.
Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)