Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm

Tạp Chí Giáo Dục

Những người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Ngược lại người từ TP.HCM mà ở những vùng cách ly, phong tỏa về các tỉnh thành phải được cách ly.


Những người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế

Đây là yêu cầu Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Y tế và TP.HCM về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.HCM, diễn ra ngày 5-7.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hiện nay số lượng ca bệnh tại TP.HCM đang tăng nhanh, cần thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng đều từ các cấp cơ sở.  TP.HCM sớm kết nối và phối hợp với các tỉnh, thành lân cận để thống nhất phương án kiểm soát người đi, đến TP, người điều khiển các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu ra/vào TP. Những người về TP.HCM từ các tỉnh, thành phải được xét nghiệm, khai báo y tế. Ngược lại người từ TP.HCM ở những vùng cách ly, phong tỏa về các tỉnh thành phải được cách ly. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý: “Tăng cường kiểm soát chặt chẽ người ra vào TP nhưng phải đảm bảo sự lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm để cung ứng đủ cho người dân TP”.

Trong công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng đánh giá nhiều đơn vị tham gia lấy mẫu và kết nối dữ liệu đã rút kinh nghiệm và ngày càng tổ chức bài bản, hiệu quả hơn. Theo đó, ngành Y tế và ngành Thông tin – Truyền thông cần phối hợp nghiên cứu để triển khai việc cấp mã QR Code cho các đối tượng đã có kết quả xét nghiệm, góp phần thuận lợi trong quá trình người dân ra, vào TP hoặc đến các địa điểm, khu vực trong TP. Việc xét nghiệm tầm soát diện rộng trong tình hình đang có nhiều điểm giãn cách, phong toả phải có phương án phù hợp hơn. Rà soát xem đã triển khai khai báo y tế toàn dân hay chưa. Ở những nơi nào chưa có khai báo điện tử thì khẩn trương hỗ trợ để người dân thực hiện khai báo y tế bằng giấy đầy đủ. Lo ngại tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, tuy nhiên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ luôn đồng hành cùng TP.HCM chống dịch.

Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức cho biết, từ ngày 26-4 đến hết ngày 4-7, TP.HCM đã có 6.470 ca bệnh được ghi nhận tại 306/312 phường xã thị trấn, trong đó 52% số ca bệnh phát hiện trong các khu cách ly, 25% phát hiện trong các khu phong tỏa, 12% phát hiện qua sàng lọc tại bệnh viện, 23% phát hiện tại cộng đồng.

Trong 7 ngày qua, địa phương có số ca bệnh tăng trên 40 ca/100.000 dân gồm: quận 1, quận 3, quận 7, quận 8, quận 9, Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn. Địa phương có số ca bệnh tăng từ 20 đến 40 ca/100.000 dân gồm: quận 5, quận 10, quận 11, Nhà Bè, Tân Bình, Tân Phú, TP.Thủ Đức. Địa phương có ca bệnh tăng dưới 20 ca/100.000 dân gồm: quận 6, quận 12, Bình Thạnh, Cần Giờ, Củ Chi, Gò Vấp, Phú Nhuận.

Qua khám sàng lọc tại bệnh viện, xét nghiệm giám sát tại cộng đồng, TP phát hiện các trường hợp mắc bệnh xuất hiện hầu hết ở các khu vực cộng đồng dân cư, khu công nghiệp, doanh nghiệp, công ty văn phòng, các chợ đầu mối – truyền thống – tự phát, tại các cơ sở y tế… Điều này cho thấy mầm bệnh đã len lỏi, lây lan trong cộng đồng.

Trước diễn biến của dịch bệnh, Sở Y tế TP cũng nhận định, trước xu hướng số bệnh trong cộng đồng tăng hàng ngày, nhất là các trường hợp có triệu chứng đi khám các cơ sở y tế cho thấy tác nhân gây bệnh đã có ở khắp TP và số ca bệnh trong vùng phong tỏa ngày càng tăng nhanh.

Để kiểm soát dịch bệnh, Sở Y tế cho rằng cần có những biện pháp quyết liệt. Trong đó, giảm sự phát tán nhanh của mầm bệnh (chủng Delta) qua việc tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19-6-2021 của UBND TP về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Bên cạnh đó, loại bỏ nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó, những khu vực đang phong tỏa phải thực hiện nghiêm túc hướng dẫn cách ly tế vùng có dịch Covid-19, đảm bảo cách ly tuyệt đối trong khu vực phong tỏa và giữa khu vực phong tỏa với các khu vực xung quanh. Chính quyền địa phương phối hợp y tế đánh giá tình hình dịch tễ, nếu nhận định có nguy cơ cao, tiếp tục lây lan trong cộng đồng thì có thể mở rộng phạm vi phong tỏa trên diện rộng theo các khu phố hoặc phường để kiếm soát dịch.

Tăng cường điều tra truy vết, khoanh vùng dập dịch triệt để, xét nghiệm mở rộng các khu vực có nguy cơ cao để tìm nguồn lây. Điều tra dịch tễ, truy vết nhanh các trường hợp F0, chuyển cách ly tập trung F1 thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên và mẫu đơn RT-PCR.

Tại các ổ dịch trên địa bàn, thực hiện xét nghiệm tầm soát trong cộng đồng có trọng tâm, trọng điểm theo kế hoạch, có sự cân đối số lượng xét nghiệm để phù hợp với tổng công suất xét nghiệm của các phòng xét nghiệm, đảm bảo việc trả kết quả nhanh, chính xác và tránh tồn đọng mẫu trong ngày. Lặp lại xét nghiệm để tiếp tục loại bỏ nguồn lây lan trong cộng đồng. Trong đó, tại khu vực phong tỏa, triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 1-3 ngày/lần. Khu vực có nguy cơ cao: triển khai xét nghiệm lặp lại mỗi 5 – 7 ngày/lần…

N.Trinh

Bình luận (0)