Y tế - Văn hóaThư giãn

Người vẽ tranh âm nhạc bằng chữ nghĩa

Tạp Chí Giáo Dục

Có thể nói Nguyễn Thanh Bình – nguyên Giám đốc Trung tâm Giai điệu xanh và trợ lý Ban Biên tập Báo Việt Nam net – là nhạc sĩ “2 trong 1” bởi vì ngoài sáng tác ca khúc anh còn là một nhà báo gắn bó lâu bền với đời sống âm nhạc qua những bài viết về lý luận phê bình âm nhạc sắc bén.

Nhạc sĩ – nhà báo Nguyễn Thanh Bình

Từ những năm 80, nhiều bài báo về lĩnh vực âm nhạc trên các tờ Tuổi trẻ, Phụ nữ, Kiến thức ngày nay của tác giả ký tên Nguyễn Thanh Bình đã có sức thu hút đối với nhiều độc giả quan tâm tới đời sống âm nhạc TP.HCM.

Mở ra định hướng thưởng thức âm nhạc

Đó cũng là lý do mà rất đông bạn đọc biết đến tên tuổi anh thời Nguyễn Thanh Bình đi làm báo giấy. Ngồi trò chuyện với anh trong căn nhà riêng nằm trên đường Bàu Cát 2, Q.Tân Bình, tôi cảm nhận được hạnh phúc của một nhà báo đã có nhiều năm gắn bó với âm nhạc để viết nên những trang báo vừa mang tính giải trí, vừa đậm chất lý luận phê bình. Nguyễn Thanh Bình kể rất nhiều chặng đường làm báo của mình nhưng tôi nhớ nhất là cái mốc năm 1980 anh về làm việc tại Báo Tuổi trẻ sau khi tốt nghiệp Trường ĐH KH-XH&NV TP.HCM và sản phẩm đầu tiên của anh là bài báo giới thiệu về GS. Trần Văn Khê lần đầu tiên về nước nói chuyện về âm nhạc dân tộc. Như một cái duyên và cũng là bước đệm cho một phóng viên trẻ khi bắt tay vào khai thác cánh đồng chữ nghĩa thuộc lĩnh vực hấp dẫn này.

Cái duyên cũng chưa đủ làm nên tài năng nếu thiếu lực và sự đam mê. Điều này đúng với nhà báo Nguyễn Thanh Bình khi dám xông pha vào việc mổ xẻ, bình phẩm những tác phẩm âm nhạc, giọng ca trong từng bài báo để cho công chúng phán xét. Thời trai trẻ, âm nhạc đã trở thành máu thịt của chàng sinh viên trường đại học khi anh tham gia lăn xả vào các nhóm ca khúc chính trị đi biểu diễn. Được trải nghiệm nhiều trong dòng chảy của đời sống âm nhạc mà những bài báo của anh đều mang sức nặng thẩm thấu về những giá trị mà âm nhạc mang đến. Ngược lại, những bài báo “đa lĩnh vực” của phóng viên Nguyễn Thanh Bình đến với từng bạn đọc đã phần nào tái hiện được diện mạo riêng của lĩnh vực văn hóa và những định hướng đúng đắn về thưởng thức nghệ thuật mà trong đó âm nhạc là điểm nhấn sâu đậm nhất.

Nói về chương trình dạy nhạc ở trường phổ thông, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình mang thêm nỗi niềm đau đáu khi các tiết dạy chưa đủ để các em cảm nhận hết vẻ đẹp của âm nhạc. Áp lực học thêm, giáo viên dạy chiếu lệ phần nào đã làm giảm đi sự hứng thú của trẻ đối với các tiết học năng khiếu trong đó có âm nhạc học đường. “Hy vọng qua việc cải cách và đổi mới giáo dục, bộ môn âm nhạc có vị trí xứng đáng hơn để phát hiện ra nhiều tài năng và định hướng thẩm mỹ âm nhạc cho thế hệ tương lai”.

Trò chuyện với anh, điều mà tôi tâm đắc là anh đã ngồi phân tích rất kỹ những sắc màu riêng của mỗi thể loại báo chí: “Các bài báo về âm nhạc liên quan đến nhiều lĩnh vực nhưng tạm chia ra các mảng chính như sáng tác, lý luận, phê bình, chân dung nghệ sĩ ca sĩ… Mỗi dạng có mỗi cách viết khác nhau để từng bài báo có tiếng nói riêng. Tất cả góp phần chia sẻ thị hiếu thưởng thức âm nhạc, cân bằng giữa các dòng nhạc cổ điển và hiện đại”. Đây cũng là gốc rễ chính làm cho những bài báo của anh thuyết phục được bạn đọc tạo nên định hướng đúng về thị hiếu thẩm mỹ âm nhạc giúp môi trường âm nhạc được trong sạch và có sức sống hơn.  Không chỉ vẽ ra được diện mạo của dòng chảy âm nhạc mà những bài báo xuất sắc phải mang tính dự báo cao, nhìn thấy được phía trước của những vấn đề thời sự âm nhạc.

Cách nhìn thấu đáo về âm nhạc

Với tư cách là một người sáng tác, nhạc sĩ Nguyễn Thanh Bình đưa ra nhiều thấu đáo hơn về cách đánh giá diện mạo thật của âm nhạc hiện nay với những quan điểm khác biệt nếu không nói là trái chiều. Theo anh, trước đây âm nhạc thiên về giáo dục, đề cao chiến công là do hoàn cảnh của lịch sử nên không thể không gìn giữ. Trong thời đại thông tin bùng nổ và nhu cầu giải trí được đặt lên trước thì những đời sống âm nhạc phải được bứt phá theo lối đi mới để phù hợp với nhu cầu thưởng thức của thời đại. Nếu trước đây, số lượng ca khúc được cho là hay vì số lượng còn ít còn hiện nay ngoài ca khúc trong nước còn có hàng trăm ca khúc của nước ngoài luôn được bạn trẻ cập nhật theo thời sự âm nhạc thế giới. Theo anh, đây cũng là điều đáng được khuyến khích chứ không quá khắt khe.

Tuy là thế hệ nhạc sĩ đi trước nhưng anh có tấm lòng rộng mở đối với lứa nhạc sĩ đàn em của mình cho dù vẫn còn những quan niệm “lệch pha” trong sáng tác và biểu diễn: “Mỗi thời đại tạo nên một thế hệ nhạc sĩ riêng. Nhạc sĩ hiện nay có nhiều may mắn khi được học hành trường lớp bài bản từ nhạc viện. Ngôn ngữ ca khúc đặc biệt có nhiều khởi sắc, không theo lối mòn với sáng tạo bất ngờ, phá cách lạ”. Với cách nhìn mới này, anh muốn đem ra lời trấn an với nhiều người đang quá lo lắng cho đời sống âm nhạc vốn được chê là hỗn tạp và bị xâm lăng như một thảm họa.

Bài, ảnh: Hương Thủy

Bình luận (0)