Tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh, từng giữ vị trí Trưởng phòng Kinh doanh ở một công ty ô tô với mức thu nhập ổn định, Đinh Nguyễn Hoàng Thư (SN 1987) lại quyết định nghỉ việc để dấn thân vào lĩnh vực nuôi trồng và sản xuất thực phẩm từ tảo Spidana (tảo mặt trời). Với Thư, con đường khởi nghiệp luôn phải đối mặt với muôn vàn gian nan nhưng hãy cứ đam mê và đừng bỏ cuộc giữa chừng thì sẽ có thành quả!
Hoàng Thư đạt giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 cấp quận, do Liên hiệp Phụ nữ TP.Đà Nẵng và UBND quận Sơn Trà tổ chức
1.Năm 2015, Thư quyết định khởi nghiệp từ nuôi trồng và sản xuất thực phẩm tảo Spidana. “Năm đó, từ biến cố của người thân trong gia đình đã khiến em trăn trở mãi. Em nghĩ nhiều đến các loại thực phẩm bổ sung cho sức khỏe và chọn tảo xoắn để tìm hiểu, nghiên cứu sâu. Sau đó em được một người bạn chuyển giao công nghệ nuôi trồng tảo xoắn. Năm 2016, em thành lập Cơ sở tảo Spidana”, Thư chia sẻ.
Thời điểm khi bắt tay vào triển khai ý tưởng trồng tảo để sản xuất thực phẩm sạch, Thư gặp nhiều sự phản đối từ phía gia đình. Không ai muốn Thư bỏ dở công việc đang đem lại thu nhập ổn định. Gia đình Thư cũng có nghề làm bánh truyền thống hơn 30 năm nay, nếu nghỉ việc ở Công ty ô tô Hyundai thì việc theo nghề bánh để nối nghiệp của ba mẹ là một sự lựa chọn tốt. Ba mẹ từng nhiều lần thuyết phục Thư quay về nối nghề nhưng Thư vẫn muốn theo đuổi lối đi mà cô đã chọn. “Khó khăn từ phía gia đình dần được em thuyết phục. Ba mẹ cuối cùng cũng đồng ý và hỗ trợ. Tuy nhiên, lúc ấy em lại đối mặt với khó khăn đến từ phía khác, đó là hiểu biết và kiến thức về tảo xoắn của em còn hạn chế, em phải tìm hiểu, học hỏi từng tí một ở nhiều nguồn thông tin trên mạng internet, sách vở, qua bạn bè…”.
Ban đầu, Thư nuôi trồng tảo thử nghiệm với số lượng nhỏ. Thư kể: “Mọi thứ đều thủ công. Rất mệt nhọc và cũng nhiều lần thất bại. Mỗi lần như vậy, thay vì chán nản, em quyết tâm làm lại cho đến khi nào được mới thôi”. Qua nhiều lần thử nghiệm, phân tích, đánh giá ưu nhược điểm từ các mô hình, điều kiện tự nhiên, khí hậu thổ nhưỡng, thời tiết tại khu vực nuôi trồng, Thư đưa ra quyết định kết hợp 2 mô hình kín và hở để nuôi trồng tảo. Thư phân tích: “Nếu nuôi mô hình hở, xây bể ngoài trời thì rất khó giữ chất lượng tảo vì dễ bị ô nhiễm. Còn mô hình kín nuôi trong ống acrylic thì không thể cho sinh khối lớn và chi phí sản xuất rất cao. Vì vậy, em cải tiến thành mô hình mới để giữ chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Đồng thời giúp bảo vệ môi trường vì tảo xoắn quang hợp tạo diệp lục tố hút cacbonic và thải ra ôxy cho môi trường”. Cùng với đó, thay vì sấy phun sương nhiệt độ cao sẽ làm mất dinh dưỡng của tảo, Thư sử dụng công nghệ sấy lạnh không khí đối lưu hiện đại để giữ được dinh dưỡng cao nhất cho tảo.
2.Với diện tích khu nuôi trồng và sản xuất khoảng 1.000m2 tại bán đảo Sơn Trà, Thư đang chọn giống tảo thương phẩm là spirulina platensis để nuôi trồng và sản xuất thành phẩm. Đây là giống phổ biến tại Nhật Bản và có đặc tính ưu việt về khoáng chất, vitamin, phycocyanin… Tảo này có nhiều thành phần ưu việt trong việc giúp giải độc tốt, tăng sức đề kháng.
Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu để cho ra thành phẩm, có nhiều lúc Thư gần như bị strees vì gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vốn cho đến mặt bằng sản xuất và nhiều thứ khác. Đến nay, Thư đã có những thành quả bước đầu. Sản phẩm tảo đã được thị trường nhiều nơi trong nước, nhất là 3 thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM biết đến thông qua các kênh trực tiếp tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị đặc sản, spa và kênh gián tiếp như facebook, website, các trang thương mại điện tử… Thậm chí, du khách nước ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Mexico, Canada, Đức… mỗi lần đến Đà Nẵng đều tìm đến tận cơ sở của Thư để tham quan và mua sản phẩm mang về. Gần đây nhất, Thư đã phát triển dòng sản phẩm bánh cookie bổ sung tảo xoắn bổ dưỡng để giới thiệu ra thị trường. Thư cũng xuất sắc lập cú đúp giải nhất trong cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp năm 2019 cấp quận và cấp TP, do Liên hiệp Phụ nữ TP.Đà Nẵng phối hợp tổ chức.
Chia sẻ về dự định của mình, Thư nói: “Em luôn tin rằng, mình đưa ra một sản phẩm đảm bảo chất lượng, có ích cho sức khỏe thì sẽ được người tiêu dùng hưởng ứng. Con đường khởi nghiệp luôn khó khăn nhưng nếu cho chọn lại, em vẫn sẽ chọn con đường mình đang đi. Thời gian tới, em sẽ mở rộng quy mô phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao kết hợp du lịch trải nghiệm để du khách đến Đà Nẵng có thêm một điểm đến thú vị, kết hợp với giáo dục thực tế cho các em học sinh – sinh viên về thiên nhiên, nông nghiệp, công nghệ. Tuy nhiên để làm được điều đó, em rất cần được sự hỗ trợ của TP trong việc cho thuê đất sản xuất nông nghiệp để thực hiện”.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)