Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Người Việt không mặn mà khám sức khỏe tiền hôn nhân

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Tại các bệnh viện có chuyên khoa về khám sức khỏe tiền hôn nhân, hầu như vắng bóng các đôi người Việt đến khám.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân vẫn chưa được các bạn trẻ coi trọng.
Chưa coi trọng
Một tuần trước khi tổ chức đám cưới, anh Nguyễn Hoàng Nam, 29 tuổi và chị Mai Thị Ánh, 26 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TPHCM đưa nhau đến phòng khám của Cơ sở phụ sản, Bệnh viện (BV) ĐH Y Dược TPHCM khám sức khỏe. Chị Ánh cho biết “Phải thuyết phục người bạn đời nhiều lần mới đi đến bệnh viện được”.
Theo bác sĩ Thanh Hà, Trưởng khoa phụ sản BV ĐH Y dược TP HCM, những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, HIV/AIDS sẽ được phát hiện và điều trị, tư vấn kịp thời khi được khám sức khỏe tiền hôn nhân. Có nhiều trường hợp vợ chồng chung sống mới phát hiện người bạn đời có bệnh, sinh ra những đứa con tâm thần, dị tật bẩm sinh, thậm chí có HIV… khi đó hậu quả thật khó lường.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hà- Trưởng Khoa Phụ sản của BV, cho biết hiện rất hiếm những đôi đến khám tiền hôn nhân. Lý do theo bác sĩ Hà, hầu hết những bạn trẻ đều ngại phải khám sức khỏe trước cưới vì sợ… phát hiện ra bệnh.

Tại BV phụ sản Hùng Vương và Từ Dũ, nơi chuyên khám về sức khỏe tiền hôn nhân, số lượng các bạn trẻ đến khám trước cưới cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bác sĩ Ngô Thị Yên- BV Từ Dũ, cho biết nguyên nhân dẫn đến việc các bạn trẻ chưa mặn mà với việc khám sức khỏe tiền hôn nhân do tâm lý sợ bệnh tật.
“Khi chuẩn bị hôn nhân, người bạn trai hoặc bạn gái rủ nhau đi khám sức khỏe sẽ sợ dẫn đến hiểu lầm không biết người chồng và vợ tương lai có vấn đề gì quá khứ mờ ám mà phải rủ nhau đi khám đây. Hoặc người nam và người nữ nghi ngờ đối phương không tin tưởng mình. Chính tâm lý e sợ bệnh tật như vậy nên cứ cưới nhau rồi hãy tính”- bác sĩ Yên nói.
Trong khi các cặp trai gái người Việt ngại đến khám sức khỏe tiền hôn nhân thì tại khoa Khám bệnh của BV Tâm thần TPHCM, mỗi tuần tiếp nhận khoảng 300 người đến khám về vấn đề này. Tuy nhiên, điều đáng nói tất cả người đến khám là người Việt kết hôn với người nước ngoài chứ không phải các cặp người Việt với nhau.
Bác sĩ Vũ Kim Hoàn- Phó phòng kế hoạch tổng hợp của BV Tâm thần TPHCM cho biết: “Chúng tôi không tiếp nhận được ca nào mà hai đối tượng đều là người Việt đến khám, kiểm tra sức khỏe tâm thần trước khi kết hôn như các nước bắt buộc”.
Theo bác sĩ Hoàn lý do có thể các cặp người Việt chưa ý thức được tầm quan trọng của khám sức khỏe, trong đó có sức khỏe tâm thần trước hôn nhân.
Còn theo bác sĩ Yên khảo sát cho thấy các cặp trước khi đi đến hôn nhân đều quan tâm đến vấn giá trị đạo đức, kinh tế của gia đình, nơi ăn chốn ở… hơn là vấn đề khám sức khỏe.
Anh Nguyễn Đăng Tr., 28 tuổi ở quận 1, TPHCM cho biết, do công việc trước khi cưới bận rộn, hơn nữa ngành y ngày càng phát triển, việc có bệnh thì bệnh viện cũng can thiệp được nên không quan tâm nhiều đến khám sức khỏe.
Nhiều hệ lụy
Đã có những người mẹ ném con từ xe buýt xuống đường chấn thương sọ não hoặc chồng đánh vợ nhập viện do mắc chứng tâm thần từ trước khi cưới nhau mà cả phía chồng và vợ trước đó không phát hiện ra.
Bác sĩ Ngô Thị Yên cho biết, nếu như họ được đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, chắc chắn những câu chuyện đau lòng trên sẽ không xảy ra, bởi bác sĩ sẽ phát hiện ra những triệu chứng bệnh và có những giải pháp thích hợp để cả vợ hoặc chồng đề phòng.
“Chúng tôi đã gặp không ít trường hợp bị sảy thai do trước đó người vợ bị hở eo cổ tử cung. Nếu trước khi cưới phát hiện ra chúng tôi sẽ can thiệp dễ dàng và chắn chắn không xảy ra điều đáng tiếc này”- bác sĩ Yên nói.
Theo bác sĩ Vũ Kim Hoàn việc xác định bệnh sử của người chuẩn bị kết hôn rất quan trọng, đặc biệt là người có tiền sử bị bệnh tâm thần. Khi gặp phải những trường hợp này các bác sĩ sẽ tư vấn để hai bạn trẻ sắp kết hôn có cách ứng xử, chăm sóc nhau phù hợp.
Theo các chuyên gia y tế việc khám sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giảm nỗi lo bệnh tật mà còn tạo ra tâm lý thoải mái cho cuộc sống vợ chồng sau đám cưới và biết rõ sức khỏe của mình để có kế hoạch sinh con hợp lý.
Gia Phú (TPO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)