Sự kiện giáo dụcPhóng sự - Ký sự

Người Việt mưu sinh trên đất Thái

Tạp Chí Giáo Dục

Tác giả và vợ chồng anh Ân

Người Việt sống trên đất nước Thái Lan không nhiều như ở Campuchia, phần lớn tập trung ở các điểm tham quan du lịch. Vì cuộc mưu sinh, họ chấp nhận xa quê hương làm đủ các nghề, nhiều nhất là buôn bán. Cuộc sống nơi đất khách cũng lắm vui, nhiều buồn.
Có 1.001 lý do khiến người Việt gửi thânphận mình ở đất Thái. Người theo cha mẹ ngược dòng Mê Kông. Người vì cái duyên, cái nợ. Cũng có người vì muốn trốn chạy quá khứ đau buồn…
Cơ duyên đến đất Thái
30 tuổi, anh Nguyễn Thọ Hồng (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã sống trên đất Thái ngót nghét 15 năm. Khi Hồng mới 8 tháng tuổi, cha mẹ đã bế anh lên ghe ngược dòng Mê Kông mưu sinh bằng nghề đánh bắt hải sản. Từ ngày đứa con gái kế ra đời, cám cảnh lênh đênh sông nước, cha mẹ Hồng quyết neo ghe, tìm một công việc khác sinh sống. Lúc bấy giờ Hồng đã lên 12. Cũng như bao đứa trẻ cùng cảnh, Hồng không được đến trường. Chút vốn liếng tiếng Thái vỡ lòng học được từ người dân bản địa nơi cha thỉnh thoảng cho ghe cập bến không đủ để Hồng tự bươn chải nơi đất khách. Nghe người ta giới thiệu, Hồng tìm đến một ngôi chùa của người Thái ở gần chợ nổi Dumnoen Saduak (tỉnh Ratchaburi, cách thủ đô Bangkok khoảng 100km) để vừa bán hàng rong vừa học tiếng Thái. Hồng nhớ lại: “Hồi đó chùa này có khá nhiều người Việt tá túc. Sư thầy nói tiếng Việt rất giỏi, họ sẵn sàng chỉ dạy mọi thứ mình cần”. Nơi đất khách, Hồng làm đủ thứ nghề, từ bán dừa tươi, hàng lưu niệm đến thợ hồ, khuân vác… Vài năm sau, khi chợ nổi Thái Lan (tức chợ Dumnoen Saduak) trở nên sầm uất, du khách đến tham quan mua sắm ngày một đông, Hồng đến để buôn bán ở chợ này.
Vẫn không thoát khỏi cảnh sông nước, cửa hàng nhỏ gọn được bố trí trên chiếc ghe nhỏ cập trong chợ nổi, bên dưới chiếc cầu bắc từ khu này qua khu kia, “cửa hàng” anh Hồng bán các món nướng xiên que của người Thái. Cũng như những “cửa hàng” ăn uống khác trong chợ nổi, người thuê phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ gọi là tiền chỗ. Số tiền nhiều hay ít tùy thuộc vào địa thế cũng như giá trị món hàng bán. Bán hàng ăn nướng như anh Hồng, mỗi tháng phải trả cho ban quản lý 3.000 bath (tương đương 2,1 triệu đồng). Anh Hồng nói: “Số tiền thuê như vậy là chấp nhận được, vẫn dễ kiếm tiền hơn “chạy chỗ””.
Hồng không phải là người Việt duy nhất buôn bán ở chợ nổi. Theo chỉ dẫn của anh, chúng tôi tìm đến cửa hàng bán quần áo, giày dép của chị Bùi Thu Nga ở cuối chợ. Biết chúng tôi là người Việt, chị Nga hồ hởi khoe: “Chị bán ở đây hơn 5 năm rồi. Cuộc sống có vất vả nhưng tương đối dễ thở hơn thời gian bán trái cây ở tỉnh Ratchaburi. Có được chỗ buôn bán thế này với người Việt mình là không dễ chút nào, phải cố mà giữ”. Chị Nga đã sống ở Thái Lan 15 năm, riêng ở tỉnh Ratchaburi cũng tròn 10 năm. Chồng chị là người Thái, sống bằng nghề tài xế. Cửa hàng hoành tráng này là do người chị chồng mất sức lao động sang lại cho chị Nga.
Ở tù còn được lĩnh… tiền
Cơ duyên mà vợ chồng anh Ân, chị Hương (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) mưu sinh trên đất Thái cũng hết sức tình cờ. Cách đây 6 năm, anh Ân đi du lịch theo đoàn. Sau chuyến đi ấy, anh tách đoàn ở lại. Nơi anh tá túc không đâu khác là cổng chùa Trai – mít (chùa Phật Vàng), một ngôi chùa nổi tiếng ở thủ đô Bangkok. Được vài hôm, anh Ân đã bị chính quyền địa phương bắt giam vì tội nhập cư bất hợp pháp. Anh bị giam 48 ngày nơi đất khách. Sau khi mãn hạn tù, anh về Việt Nam làm giấy tờ rồi cùng vợ trở lại Thái Lan bằng đường bộ để bắt đầu cuộc mưu sinh. Anh Ân cho biết: “Ở tù tại Thái Lan không phải lao động nặng nhọc. Cơm ngày ba bữa, mỗi ngày còn nhận được 200 bath (tương đương 140 ngàn đồng – PV)…”.
Chị Hương tâm sự: “Khi còn ở Việt Nam, ổng (anh Ân – PV) từng sống ở Sài Gòn hơn 5 năm nhưng chỉ về quê hai lần vào dịp Tết. Lần nào sắp về tôi cũng phải vay mượn tiền gửi vào mới có mua vé xe. Sang đây cuộc sống tương đối đỡ hơn, mỗi tháng cả hai vợ chồng tích lũy không dưới 5 triệu đồng”. Hai vợ chồng anh Ân, chị Hương là chủ nhân của hai chiếc xe… đẩy. Anh đẩy chiếc xe bán dừa lạnh, trái cây, còn chị bán kem tươi. Địa điểm bán hàng của anh chị là chùa Trai – mít, nơi hàng ngày có rất đông du khách Việt Nam đến tham quan. Để trở thành người nhập cư hợp pháp có thời hạn trên đất Thái, mỗi tháng vợ chồng anh Ân phải nộp cho chính quyền sở tại 4.900 bath. Số tiền ấy bao gồm các khoản bảo hiểm, lưu trú, an ninh… Khi đóng tiền, chính quyền sẽ cấp cho một tờ giấy nhỏ, chỉ ghi con số như mật mã, trong đó thể hiện đầy đủ tên tuổi, quốc tịch, nơi tạm trú, nghề nghiệp… Ngoài số tiền ấy, hai vợ chồng phải thuê nhà với giá 3.500 bath ở gần chùa để tiện đi lại mua bán. Vào giờ rỗi, khi cần, chị Hương có nhiệm vụ thay chồng bán, anh Ân phụ giúp nhà chùa dọn dẹp, sửa cái này cái kia… “Thấy mình chịu khó nên nhà chùa rất thương, tạo điều kiện để có nơi buôn bán ổn định”, anh Ân nói. Theo chị Hương, trước đây ở khu vực chùa Trai – mít có không dưới 10 người Việt sinh sống. Sau nhiều năm sống trên đất Thái, chị Hương đúc kết: “Người Thái rất quý trọng người Việt. Họ sẵn lòng giúp đỡ, bất kể mình là ai, làm gì”.
Bán hàng kiêm hướng dẫn viên
Những ngày đầu mới đến đất Thái, không riêng anh Ân, chị Hương mà nhiều người Việt đang sống và làm việc ở đây đều nhìn nhận rằng, để bán được hàng thì bản thân họ phải là một hướng dẫn viên bản địa có chuyên môn cao. Như chị Nga, hầu hết các điểm tham quan nổi tiếng ở Thái Lan, từ Phuket, Pattaya đến Bangkok chị nắm tất. Bất kỳ thắc mắc nào từ văn hóa, phong tục tập quán, đến kinh tế, chính trị… chị Nga đều trả lời chính xác những thông tin cập nhật mới nhất. Để có được kiến thức trên, mỗi người Việt trên đất Thái phải đầu tư thời gian tìm hiểu, đọc sách báo. Những gì mà họ có được không phải học thuộc lòng, khi cần thì xổ một tràng mà phải cung cấp những số liệu, dẫn chứng cụ thể theo từng chủ đề, nội dung. Nói như anh Ân: “Muốn có lợi cho mình trước hết hãy cho du khách thấy được cái lợi của họ. Với người đi du lịch, khi bỏ tiền ra họ luôn muốn lấy lại chất lượng dịch vụ, những thông tin cần thiết ở nơi cần đến. Dù chỉ là người bán hàng rong nhưng mình làm được như vậy thì người không có nhu cầu cũng muốn mua hàng giúp mình”.
Theo những người Việt mà chúng tôi có dịp tiếp xúc ở nước bạn, người Thái nói riêng và Tổng cục Du lịch nước này nói chung rất trọng người Việt giỏi về những gì liên quan đến đất nước và con người Thái. Người giỏi ở đây được hiểu là người biết quảng bá về đất nước và con người Thái đến du khách. Anh Hồng cho biết, bất kỳ điểm tham quan, mua sắm nào trên đất Thái đều có người của Tổng cục Du lịch giám sát hướng dẫn viên cũng như người bán hàng. Những thông tin không chính xác về đất nước của họ từ người bán hàng, nếu người giám sát nghe được thì khó mà được bán ở đó nữa.
Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Bình luận (0)