Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Người việt nổi tiếng nhờ chiếc sừng tê!

Tạp Chí Giáo Dục

Mới đây tôi sững người khi đọc được một bài báo bằng tiếng Anh nói về chuyện sử dụng sừng tê giác ở Việt Nam, thậm chí ở bài báo trên còn đăng hình ảnh người dân nước họ cầm chiếc bảng ghi dòng chữ “Viet Nam Stop Importing Ivory&Phinohorns”. Với sự hiện diện đích danh tên nước mình khiến tôi chạnh lòng.
 Việt Nam giờ đây nổi tiếng vì việc là quốc gia tiêu thụ sư tê giác lớn thứ 2 thế giới.
Nhớ lại câu chuyện mới đây ca sĩ Thanh Bùi, hiện là đại sứ của chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê giác” kể với tôi. “Tôi nhận ra là nước mình quá nổi tiếng ở Nam Phi do liên quan đến việc buôn bán các sản phẩm từ các động vật được bảo tồn của họ, chứ không phải là vì những câu chuyện liên quan đến quá khứ chiến tranh. Vài người Nam Phi biết tôi là người Việt đều nhắc đến chữ “sừng tê, ngà voi”. Hoặc đơn giản là họ đang nhắc tôi về thực trạng ấy, hoặc cũng có thể, họ nghĩ, tôi tới Nam Phi vì những thứ đó”, ca sĩ này nói.
Kể cho tôi nghe câu chuyện mà khi vừa đặt chân xuống sân bay ở Nam Phi mà anh phải ngỡ ngàng. Khi Thanh Bùi xuống máy bay, đi vào bộ phận kiểm tra giấy tờ để xin nhập cảnh, dù có giấy giới thiệu nhưng khi nhân viên sân bay kiểm tra giấy tờ biết tôi đến từ Việt Nam. Tôi bị họ đưa vào một phòng kín giữ tôi 4 giờ và được giải thích là để kiểm tra chứng minh mục đích tôi sang Nam Phi để làm gì.
“Qua Nam Phi tôi cũng được biết Bộ tài Nguyên Nước và Môi trường Nam Phi đã xử phạt hơn 185 thợ săn có quốc tịch Việt Nam trong vòng vài năm qua”, Thanh Bùi cho biết.
Một câu chuyện đáng suy ngẫm nữa liên quan đến chiếc sừng tê ở Việt Nam ta. Ở Việt Nam ai cũng nghĩ chiếc sừng tê giác có giá trị rất lớn có thể chữa bách bệnh, họ sẵn sàng bỏ ra gần 65.000 USD để có thể sở hữu chiếc sừng tê giác để sử dụng hoặc mời nhau trong những bữa tiệc làm ăn, thậm chí là để biếu sếp của mình. Câu chuyện về đại gia ở Sài Gòn khoe đã bỏ ra 54 triệu đồng mua 100g sừng tê để mài cho con chó cưng uống khi nó bị liệt. Kết quả con chó uống sừng tê xong sùi bọt mép chết. Còn bên kia bức tường nhà vị đại gia này, những người công nhân nghèo hằng ngày chỉ mong kiếm được 100.000 đồng lo cho bữa ăn các con.
Sau khi con chó yêu quý của anh đại gia kia chết vì được uống “thuốc tiên sừng tê giác”, nhiều người khuyên anh này không nên dùng sừng tê giác nữa vì sừng tê giác rất độc. Nhưng anh nghĩ hẳn người ta chỉ thương loài tê giác mà nói với anh ta như vậy thôi. Khi người nhà anh bị bệnh đau đầu, anh ta tiếp tục mài sừng tê cho uống, người nhà cũng bị co giật mà chết.
Theo Giáo sư, bác sỹ Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư Việt Nam thì ở Nam Phi đã bắt đầu tiêm chất độc vào sừng tê giác để ngăn ngừa người sử dụng, cụ thể là chất ectoparasitisides. Chất này không gây độc cho con tê giác nhưng lại khiến người dùng sừng tê giác bị co giật.
Quay trở lại bài báo trên đất nước Anh xa xôi, đó là những dòng bình luận nặng nề của độc giả. Dù cho bài báo có đưa ra thông tin thời gian vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều chương trình quyết liệt chống nạn buôn bán sừng tê giác nhưng những người dân ở các quốc gia này vẫn không tin vào tính hiệu quả của những chương trình này bởi họ nhìn vào các con số báo cáo của nhiều tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đưa ra với việc mỗi năm người Chính phủ Việt Nam vẫn bắt rất nhiều vụ buôn bán sừng tê từ Nam Phi về Việt Nam.
Quả thực, ngày 24/1/2013 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 11/2013/QĐ-TTg cấm xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán mẫu vật tê giác trắng và mẫu vật tê giác đen.
Ngày 20/2/2014 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện việc kiểm soát bảo tồn các động vật hoang dã tăng cường đấu tranh, triệt phá các đường dây mua bán tiêu thụ động vật quý hiếm từ Nam Phi, đặc biệt là mẫu vật tê giác và voi.
Sự phát triển kinh tế không cân xứng với sự phát triển của nền tảng tri thức, nhận thức đã dẫn tới việc tiêu tiền vô tội vạ và giới giàu có trở thành mảnh đất màu mỡ cho những trò hưởng lạc cũng như những ám ảnh về cái chết, về sự trường sinh bất lão ngự trị. Sừng tê giác được “tô vẽ” lên để đáp ứng những nhu cầu đó: Trường sinh (chống ung thư), hưởng lạc (cường dương). Bởi vậy mà nó dĩ nhiên thành thứ “quý hơn vàng”.
Chỉ riêng trong năm 2013 Chi cục Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phát hiện 4 vụ vận chuyển sừng tê giác. Ngày 6/1/2013 bắt đối tượng Hà Thân Chỉnh, quốc tịch Việt Nam mang theo 9 sừng tê giác không khai báo, trọng lượng 16,26kg. Ngày 4/5/2013 bắt một đối tượng đem 2 khúc sừng tê giác trọng lượng 7,28kg. Ngày 20/5/2013 bắt tiếp đối tượng Đinh Văn Sơn quốc tịch Việt Nam nhập cảnh đem trái phép 6 khúc sừng nặng 5,07kg. Ngày 10/6/2013 bắt Tạ Đình Tiến quốc tịch Việt Nam đem 10 khúc sừng tê giác trọng lượng 6,89 kg.
Trong năm 2014, đã có rát nhiều vụ vận chuyển sừng tê giác từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường hàng không bị cảnh sát bắt giữ. Điển hình ngày 27.10.2014, Hải quan sân bay Nội Bài đã thu giữ được 6kg sừng tê giác của đối tượng Nguyễn Thị Ngọc Tứ (sinh năm 1985).
Hành khách này  khai nhận vận chuyển thuê số sừng tê giác trên cho một đối tượng từ Bangkok về Hà Nội. Tiếp theo, ngày 1.11.2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài tiếp tục phát hiện, bắt giữ 1 vụ vận chuyển 7kg  sừng tê giác trong hành lý của các hành khách Vương Minh Thu, sinh năm 1990, quốc tịch Việt Nam, Dương Thị Thúy Hiền, sinh năm 1979, quốc tịch Việt Nam và Bùi Thị Xiển, sinh năm 1966, quốc tịch Việt Nam.
Lê Anh
 

 

Bình luận (0)