Với chị Cầm (đứng), phong trào công đoàn như là một cái nghiệp. Ảnh: N.Q
|
Nghe tin người nhà mất, cô Trương Thị Huệ – bảo mẫu Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM vội vàng đặt vé máy bay ra Hà Nội. Đang ở sảnh chờ tại sân bay Tân Sơn Nhất, cô bỗng thấy chiếc xe ôm chở một người phụ nữ chạy tới. Nhìn kỹ mới biết hóa ra là người quen: Chị Nguyễn Thị Thanh Cầm – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Những nghĩa cử ân tình
Gặp được cô Huệ tại sân bay, chị Cầm cảm thấy thật sự an lòng. Vì thời gian không cho phép nên chị chỉ nói đôi ba câu rồi thay mặt BCH công đoàn nhà trường nhờ cô Huệ cầm ít tiền phúng điếu gọi là chút lòng thành của tập thể sư phạm mang về thắp nén nhang cho người đã mất để chia buồn cùng gia đình ở tận Hưng Yên. Vừa dặn dò xong chị Cầm thấy đôi mắt cô giáo Huệ ngấn lệ và 2 chị em ôm chầm lấy nhau trong giây phút cảm động.
Trò chuyện với tôi, cô Lê Thị Ngọc Điệp – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Đây không phải là lần đầu chị Cầm ra sân bay để thay mặt công đoàn gửi chút quà cho gia đình các thầy cô trong trường, nhất là khi có chuyện tang gia hiếu hỷ”. Nghe cô Điệp kể tôi nhớ tới một câu chuyện đã xảy ra cách đây vài năm, khi cô Mai Hương – một giáo viên trong trường về Bắc chịu tang cho bố chồng. Lúc ấy, chị Cầm vội vàng gửi điện hoa chia buồn cùng gia đình. Tuy cô hiệu trưởng không nhận xét nhiều về chủ tịch công đoàn cơ sở nhưng tôi thấy ít có ai được như chị Cầm. Có người nghĩ, cần gì mà vội vàng thế, cứ chờ sau khi cô Hương, cô Huệ quay trở vào công đoàn thăm hỏi cũng chưa muộn. Nhưng chị Cầm lại nghĩ khác, ông bà ta vẫn thường khuyên bảo: “Của cho không bằng cách cho”. Theo chị, trong những trường hợp đột xuất ngoài ý muốn, mình phải động viên an ủi kịp thời để lúc nào các thầy cô cũng thấy công đoàn luôn luôn là tổ ấm, biết chăm lo đến đời sống vật chất và cả tinh thần cho mỗi anh em. Tuy phải mướn vội xe ôm rồi tìm cách chạy đường tắt cho nhanh, nhưng chưa bao giờ người ta nghe chị Thanh Cầm than mệt. Bởi anh em vui, chị cũng vui theo. Chị luôn quan niệm rằng, việc làm đó không chỉ thể hiện trách nhiệm chung của đoàn thể mà còn là tiếng gọi từ tình cảm, là “mệnh lệnh” của con tim. Chị thấy mình tuy vất vả nhưng đổi lại người khác có thêm lời động viên, một ít san sẻ về mặt tinh thần để có thể vượt qua được những cú sốc trong tình cảm, giảm bớt nỗi đau xót trong gia đình. Chị làm vậy còn vì một lẽ khác. Nếu không phải là chủ tịch công đoàn thì chị vẫn thăm hỏi, chia sẻ đồng nghiệp những lúc khó khăn, hoạn nạn. Vì đó là lẽ đời, là tình cảm gắn kết từ lâu giữa các anh em đồng nghiệp với nhau trong trường. Có lẽ chính vì những nghĩa cử cao đẹp đó mà chị luôn được thầy cô trong trường tin yêu, cảm phục. Họ quý mến và coi Thanh Cầm như người chị trong “ngôi nhà chung” Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thủ lĩnh của phong trào
Không phải từ ngày nhậm chức Chủ tịch công đoàn, chị mới biết cống hiến. Ngay từ năm mới ra trường (1988), cô giáo sinh Trường Trung học Sư phạm TP.HCM đã nỗ lực từ tiết giảng đầu tiên trong cuộc đời đi dạy của mình. Chỉ sau 1 năm dạy lớp 1, chị được BGH Trường Tiểu học Võ Trường Toản tin tưởng phân công dạy khối 2 rồi sau đó là khối 3, khối 4 và khối 5. Một con đường đi vào nghề thẳng tắp rất hiếm ai có được. Điều đó không chỉ khẳng định tay nghề vững vàng của một cô giáo trẻ mà còn là cơ hội để chị trải nghiệm nhằm nâng cao năng lực chuyên môn. Ai cũng biết nghề giáo vất vả, mà theo cái nghiệp cô giáo trường tiểu học lại càng cực hơn. Suốt ngày từ sáng đến chiều ở trường, chị quay như con thoi với bao nhiêu việc phải làm. Thế nhưng, cũng như các thầy cô ở đây, càng dạy chị càng thấy gắn bó với nghề. Mỗi lần vào lớp chị càng yêu hơn từng đôi mắt sáng, từng tâm hồn trong trẻo của các em học sinh. Lòng yêu nghề đó không chỉ được nhen nhóm từ ngày chị bước chân vào trường sư phạm mà đã được người mẹ truyền lửa từ khi chị đang là học sinh Trường THPT Teleman. Mỗi lần ra ngõ, cô bé Cầm lại thấy dáng mẹ tất tả từ Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học đi về. Hình ảnh đó cứ in đậm trong tâm trí Thanh Cầm rồi không biết từ bao giờ, chị yêu luôn cái nghề của mẹ. Lúc còn bé, mỗi lần trong trường có việc gì là chị thấy các cô giáo trong trường đến nhà cùng mẹ mua quà, hoa tươi đi thăm viếng các giáo viên khác trong trường. Sau này chị mới biết, thì ra hồi đó mẹ làm công tác nữ công nên thường xuyên tổ chức đi thăm hỏi đồng nghiệp. Những việc làm của mẹ thật giản dị nhưng cứ ăn sâu vào tiềm thức và thật sự có ảnh hưởng rất nhiều đến công việc sau này của chị.
Là thủ lĩnh của phong trào, chị nghĩ công đoàn không chỉ là tổ ấm chăm lo đời sống vật chất của anh em mà còn phải biết tổ chức hoạt động. Chính vì thế, hễ có ngày kỷ niệm hoặc dịp lễ, Tết, chị liền cùng BCH công đoàn trường đứng ra khuấy động nhiều hình thức sinh hoạt như thi biểu diễn thời trang, thi nấu ăn, hái hoa dân chủ… Ngày 20-11 năm 2010, chương trình thời trang giấy do công đoàn tổ chức như một ngày hội. Nhiều bộ áo quần được thiết kế cho các “siêu mẫu” giáo viên, học sinh, cấp dưỡng, bảo mẫu… đã được đưa lên sân khấu, vừa tạo không khí vui tươi vừa tôn vinh công việc các đơn vị tổ đội trong trường. Điều đáng quý là qua những lễ hội như thế này, BCH công đoàn lại có thêm nguồn quỹ dồi dào để giúp đồng bào lũ lụt ở miền Trung, xây dựng nhà tình thương cho người nghèo ở ngoại thành, chung vốn nuôi heo đất cho chương trình Ước mơ xanh…
Chăm lo cho mọi người
Nhiều cựu giáo viên của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm dù đã nghỉ dạy từ lâu và đang ở rất xa nhưng vào các dịp Tết Nguyên đán hoặc Ngày nhà giáo Việt Nam đều nhận được thư mời tới họp mặt và nhận quà. “Ngôi nhà” Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy có chật một chút nhưng tấm lòng ở đây luôn rộng mở, khắp nơi đầy ắp tiếng nói nụ cười và những cái bắt tay ấm tình đoàn kết. Khi nghe tin 2 cô giáo già bị bệnh nặng, chị Cầm lập tức vận động anh em đến thăm và hỗ trợ quà để động viên tinh thần. Nhận món quà từ tay chủ tịch công đoàn mà cô Ngọc Mai, cô Chi xúc động không nói nên lời. Gia đình 2 cô cũng cảm động và tỏ lòng biết ơn vì không ngờ khi tuổi cao sức yếu, các cô vẫn được công đoàn trường thường xuyên thăm hỏi. Quà tặng không có gì lớn lao cả, chỉ là một vài hộp sữa hay một ít trái cây nhưng ai cũng ấm lòng và cảm thấy như được truyền thêm sức lực để đủ sức chống chọi với bệnh tật.
Không chỉ chăm lo đến đội ngũ giáo viên, công đoàn nhà trường còn quan tâm đến cả những anh em làm công tác phục vụ như tạp vụ, bảo vệ, bảo mẫu… Tuy đồng lương không nhiều nhưng nhờ có công đoàn giao cho một bãi giữ xe nội bộ nên tổ bảo vệ cũng có thêm thu nhập hàng tháng. Lương bán trú, lương trong 3 tháng hè cũng phần nào góp phần nâng cao đời sống để anh em an tâm công tác, gắn bó với trường hơn. Hàng năm anh em có cơ hội đi du lịch từ Bắc chí Nam cũng nhờ các dịch vụ khác do công đoàn đứng ra tổ chức mới có được kinh phí trang trải. Không có BCH công đoàn lo, không có chủ tịch công đoàn vun vén thì làm sao có được những chuyến đi dài ngày tận Sa Pa, Vịnh Hạ Long, Yên Tử… Lo cho người lớn mà không lo cho các cháu cũng không được. Những phần quà trong ngày 1-6, trung thu, quỹ học bổng Nguyễn Đức Cảnh cho các cháu con giáo viên, cán bộ trong trường là học sinh giỏi cũng nhờ đến “tay hòm chìa khóa” của công đoàn. Là Chủ tịch công đoàn, chị Thanh Cầm còn tìm được chỗ dựa từ ban giám hiệu và đặc biệt là ban đại diện cha mẹ học sinh. Chị đã từng khoe với tôi, quỹ công đoàn có được cũng nhờ “bàn tay” hỗ trợ của hội phụ huynh. Vào những ngày lễ, Tết, nhờ tranh thủ sự ủng hộ từ hội phụ huynh nên công đoàn mới có thêm nhiều phần quà để trao tặng cho các thầy cô. Nghe chị Cầm khoe: “Mấy năm trước, tiền thi đua loại A chỉ vài trăm ngàn nhưng năm nay có thể lên đến 1 triệu đồng”, tôi thấy niềm vui như đang hiện rõ trên khuôn mặt của chị. Niềm vui đó với người chủ tịch công đoàn chẳng khác gì niềm hạnh phúc của người cha, người mẹ khi thấy con mình khỏe mạnh và bao giờ cũng được ăn ngon mặc đẹp.
Hương Thủy
Bình luận (0)