Anh Hải và bé Giang – đứa con nuôi được anh giành lại từ luật tục hà khắc của người Mơ Nông ở núi rừng Trà My nay đã lớn khôn
|
Dẫu không máu mủ ruột thịt, nhưng tiếng khóc xé lòng của những sinh linh bé bỏng vô tội giữa mây ngàn gió núi lạnh lẽo đã thôi thúc anh bước qua lời nguyền truyền kiếp của người dân tộc thiểu số ở vùng cao để trao cho các em quyền sống, quyền được làm người. Đó là y sỹ Nguyễn Thanh Hải, cán bộ Đội y tế lưu động huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam).
1. “Bố ơi, con đi học về rồi. Hôm nay con được hai điểm 10 môn toán!” – tiếng đứa trẻ cất lên cùng nụ cười giòn tan ngay từ đầu ngõ khiến gương mặt người cha đang trầm tư rạng ngời hạnh phúc. Cháu Nguyễn Trần Thị Giang – đứa trẻ Mơ Nông được y sỹ Hải cứu khỏi tay thần chết hôm nào bây giờ đã là học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Trà My. Bốn năm đến lớp em luôn làm vui lòng ba nuôi bằng những tấm bằng khen thành tích học tập giỏi.
Giang rộng vòng tay đón cô con gái yêu vào lòng, giọng anh Hải trầm bổng kể về động lực thôi thúc anh – một chàng trai miền xuôi vốn nhút nhát trở nên cứng cỏi đối mặt với luật tục truyền kiếp của người thiểu số vùng núi Trà My để giành lại mạng sống cho các sinh linh bé nhỏ vô tội.
Ngược kí ức cách đây khoảng 10 năm, khi bà con dân tộc ở các vùng rẻo cao thuộc tỉnh Quảng Nam vẫn còn mang nặng các hủ tục lạc hậu. Một buổi sáng năm 2002, khi màn sương mờ ảo vẫn còn phủ trùm một màu trắng xóa khắp các bản làng. Chàng y sỹ thuộc Đội y tế lưu động nhận nhiệm vụ tăng cường cho Trạm y tế xã Trà Leng (huyện Trà My) vẫn còn đang chìm trong giấc ngủ, bỗng giật mình vì những tiếng gọi thất thanh. Anh bật dậy khoác vội chiếc áo blouse mở tung cánh cửa trạm xá chạy theo tiếng kêu cứu. Trước mắt anh, một người phụ nữ mặt trắng bệch, đang thoi thóp vì bị băng huyết nặng, bên cạnh là một đứa trẻ sơ sinh mới chào đời. Dù đã nỗ lực hết mình nhưng do điều kiện y cụ không đầy đủ, đường về bệnh viện trung tâm lại quá xa xôi cách trở, cuối cùng người phụ nữ ấy không qua khỏi cơn nguy kịch.
Ngày đó, cứ theo quan niệm của đồng bào vùng cao này, nếu người mẹ khi sinh nở không may qua đời thì đứa bé vừa chào đời cũng phải mang phận hẩm hiu, đi theo cùng mẹ. “Mẹ nó chết, nó phải chết theo. Nó bây giờ là con của ma rừng, nếu để nó sống nó sẽ làm hại dân làng” – lời già làng rắn đanh. Nhìn đứa bé vô tội ngọ nguậy trong tấm khăn mỏng, thi thoảng nhoẻn miệng cười mơ, trong khi gia đình đang làm thủ tục cúng ma sống để tiễn đứa bé ra bìa rừng, lòng chàng y sỹ trẻ không đành. Chàng y sỹ ấy đứng ra lấy tính mạng của mình làm vật thế chấp: “Tôi xin bà con cho tôi nuôi nó, nếu mai này nó làm hại dân làng tôi lấy cái đầu của mình ra chịu tội”. Kết quả vẫn là cái lắc đầu đầy quả quyết của già làng và dòng tộc của đứa bé. Biết không lay chuyển được, anh liền nảy ra ý định trộm đứa bé. “Trong lúc đang chộn rộn làm lễ, mình đánh liều ẵm trộm đứa bé chạy một mạch băng rừng, lội suối đưa cháu về quê. Suốt trong 10 ngày vật vã vì không thuê được xe thồ, không ai đến giúp đỡ vì sợ “con của ma”, chỉ với lon sữa, một cái ly con và một bình thủy tinh mượn được ở quán nước gần trạm, thay cho bầu sữa mẹ để nuôi đứa trẻ”, anh Hải kể lại.
Với chàng trai trẻ này, có lẽ kỉ niệm đáng nhớ nhất là những lúc phải đóng vai trò người mẹ. Chưa từng có vợ, chưa từng ẵm bồng con trẻ nên cứ thấy cháu quấy khóc là tim anh đập thon thót. Không có tã lót, anh phải xé quần áo của mình để thay thế, tự tay may chiếc áo để mặc cho bé được ấm… “Hồi đó vừa bế cháu về vừa lo gia đình phản đối. Cũng may nghe chuyện mẹ tôi thương cháu quá nên động viên, giúp đỡ tôi nuôi cháu”, anh Hải vui vẻ cho biết.
Những bản làng vùng cao thuộc huyện Nam Trà My (Quảng Nam) vẫn còn nhiều luật tục hà khắc chưa được xóa bỏ |
2. Y sỹ Nguyễn Thanh Hải tốt nghiệp Trường Trung cấp Y tế Đà Nẵng năm 1997. Anh xung phong lên vùng cao Trà My công tác. 14 năm gắn bó với núi rừng, anh Hải không nhớ nổi mình đã cứu bao nhiêu người thoát khỏi bệnh tật, bao nhiêu người mẹ vượt qua ca sinh khó để cứu đứa con. Chỉ biết rằng, bên cạnh việc chữa bệnh cứu người, anh còn phải đấu tranh với những luật tục bất thành văn của một bộ phận người dân tộc vùng cao Nam Trà My, Quảng Nam. Những luật tục chết người đến nay vẫn còn là nỗi ám ảnh bủa vây những số phận, những sinh linh bé nhỏ giữa rừng thẳm… Đôi khi, để cứu được một sinh linh vô tội, anh đành phải lấy tính mạng của mình ra làm vật thế chấp!
Nam Trà My nằm lọt thỏm giữa đại ngàn Trường Sơn cách trở. Để đến được nơi đây, chỉ đi theo duy nhất con đường ĐT616, nhưng hễ đến mùa mưa lũ là chia cắt. Có đến gần 99% là người dân tộc: Cơ Tu, Xê Đăng, Mơ Nông… định cư rải rác trong các cánh rừng rậm. Mỗi dân tộc đều mang một nét văn hóa riêng và trong đó vẫn còn tồn tại nhiều luật tục mới nghe qua đã rợn người bởi sự tàn khốc của nó. Không ai biết rõ nguồn gốc từ đâu nhưng trong suy nghĩ của người dân nối từ đời này sang đời khác đã hằn sâu quan niệm rằng nếu người mẹ sinh con mà chết thì đứa trẻ ấy phải chết theo; nếu người mẹ sinh đôi thì một trong hai đứa bé ấy phải chết và thông thường thì đứa bé gái trong cặp song sinh ấy thường chịu thiệt thòi nhận về mình cái chết thay cho người anh em trai sinh cùng. Dẫu đó là một luật tục bất thành văn nhưng nếu ai không tuân thủ thì sẽ bị làng phạt, giàng phạt… Và cái sự phạt ấy đôi khi không chỉ về vật chất mà còn đeo đẳng về mặt tinh thần cho đến hết cuộc đời. Bởi thế, dù thương con đứt ruột nhiều lúc người cha cũng đành cắn răng chịu đựng nỗi đau chứ nhất định không phạm tội với dân làng. Điều đó vô tình trở nên độc ác!
Chiều đông. Những cơn mưa rừng trắng xóa tới tấp dội xuống. Hơi lạnh tê buốt như cắt da thịt. Anh Hải kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện cười ra nước mắt bởi sự “tréo ngoe” của luật tục ấy. Để chống lại nó, hay chính xác hơn là giúp bà con mở mang trí óc đôi khi anh đành chấp nhận chịu phần thiệt về mình bởi theo anh để khai mở được lối tư duy đã hằn sâu bao đời cần phải có thời gian và cả hành động để chứng minh cho bà con hiểu, làm theo. Anh Hải nhớ lại: “Lần đó, tôi nhận một ca sinh băng huyết. Sản phụ là chị Trần Thị Lung. Sản phụ sinh đôi và ngất xỉu ngay sau khi sinh do mất máu quá nhiều. Câu đầu tiên chị ấy nói với tôi là “Xin bác sĩ hãy cứu lấy con tôi”. Sau một hồi ngẩn ngơ vì nghĩ rằng cả hai đứa trẻ đều khỏe mạnh thì sao lại xin cứu, tôi chợt nhớ ra luật tục của đồng bào nên vội vàng đến nhà chị. Hóa ra, lúc đó người làng đang làm lễ cúng bỏ bé gái. Tôi can ngăn rồi chịu phạt lễ cúng để đưa bé gái về trạm y tế chăm sóc. Nửa tháng sau, khi sức khỏe bình phục, chị Lung địu con về thì bị dân làng xa lánh, cả người trong nhà cũng hắt hủi. Rồi Lung địu luôn hai đứa con chạy ra “bắt đền” tôi. Tôi đành bỏ tiền lương dành dụm được để mua sắm quần áo, rồi thực phẩm cho ba mẹ con chị ăn ở qua ngày cho đến khi dân làng chấp nhận cho chị Lung trở về bản”.
Đó không chỉ là trường hợp duy nhất, cứ mỗi lần cứu người là anh Hải phải nộp phạt cho dân bản bằng lễ vật để cúng giàng. Vì thế, nhà anh luôn phải nuôi đàn gà đến hàng chục con nhưng chưa khi nào dám mang đi bán vì sợ bị phạt lại không có lễ cống nộp.
Đưa tay lật giở cuốn sổ nhật ký ghi chép rất rõ ràng địa chỉ, tên, tuổi, giới tính từng đứa trẻ song sinh, hay chết mẹ được anh cứu sống. Anh Hải nói: “Cả cuộc đời mình gắn bó với nơi này là chỉ mong muốn làm sao giúp bà con nhận ra ánh sáng văn minh để những luật tục chết người kia không còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng với những sinh linh bé nhỏ vô tội…”.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)