Hội nhậpThế giới 24h

Nguồn cung gạo toàn cầu gặp thách thức

Tạp Chí Giáo Dục

Pakistan được dự báo mất khoảng 10% sản lượng gạo trong năm 2022 do lũ lụt nghiêm trọng

Vào tháng 6 qua, ông Mahendra Pratap bắt đầu gieo hạt trên cánh đồng lúa của mình tại quận Kannauj, bang Uttar Pradesh – Ấn Độ với hy vọng sẽ có một mùa vụ bội thu. Năm trước, mưa lớn đã phá hủy mùa màng của người nông dân này. Đến năm nay, vấn đề ông gặp phải lại trái ngược: mưa quá ít. Tính đến tháng 8, gần 90% diện tích lúa của ông đã héo khô.

Theo tờ South China Morning Post, các chuyên gia nhận định thời tiết khắc nghiệt ở một số quốc gia sản xuất gạo lớn trên thế giới, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan, đang đe dọa sản lượng gạo toàn cầu trong năm 2022, từ đó ảnh hưởng đến hơn 2 tỉ người ở châu Á đang xem gạo là loại lương thực chính.

Trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trong năm nay, giá gạo vẫn được duy trì ở mức dễ chịu do sản lượng thu hoạch dồi dào 4 năm trước đó. Dù vậy, sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có chi phí phân bón cao sau khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra, đợt nắng hạn kỷ lục ở Trung Quốc, lượng mưa thấp ở Ấn Độ và lũ lụt ở Pakistan đang đe dọa sản lượng gạo và đẩy giá lên cao.

Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết hơn 90% lượng gạo trên thế giới được sản xuất và tiêu thụ ở châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, báo cáo được Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố ngày 12-8, nguồn cung gạo toàn cầu dự kiến giảm 4,1 triệu tấn còn 697,3 triệu tấn trong vụ mùa 2022-2023, chủ yếu do sản lượng giảm ở Bangladesh và Ấn Độ.

Nguồn cung gạo toàn cầu gặp thách thức - Ảnh 1.

Một cánh đồng lúa bên ngoài TP Cửu Giang, tỉnh Giang Tây – Trung Quốc hồi cuối tháng 8-2022. Khu vực này đang hứng chịu hạn hán kéo dài. Ảnh: Reuters

Pakistan được dự báo mất khoảng 10% sản lượng gạo trong năm 2022 do lũ lụt nghiêm trọng. Theo ước tính ban đầu, quốc gia Nam Á này có thể sản xuất đến 8,7 triệu tấn gạo trong năm nay.

Tương tự, mưa lũ nghiêm trọng thời gian gần đây cũng đe dọa đến sản lượng gạo ở Bangladesh, thuộc tốp 5 quốc gia sản xuất gạo hàng đầu thế giới. Chưa hết, theo Reuters, nước này dự định nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới để tăng dự trữ và giúp hạ nhiệt giá trong nước theo sau thiên tai.

Trong khi đó, Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới và đã xuất hiện nỗi lo New Delhi sẽ hạn chế xuất khẩu mặt hàng này do hoạt động sản xuất bị đe dọa. Dù vậy, theo Reuters, lượng mưa đã cải thiện tại miền Đông và miền Bắc, những vùng sản xuất gạo của Ấn Độ, vài tuần qua, phần nào giúp xoa dịu nỗi lo nói trên.

Riêng Trung Quốc hiện là nhà sản xuất gạo lớn nhất thế giới nhưng không phải là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu. Các điểm đến chủ yếu của gạo Trung Quốc là Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Một số chuyên gia nhận định đợt hạn hán vừa qua có thể ảnh hưởng đến sản lượng gạo và năng lực xuất khẩu mặt hàng này của Bắc Kinh. Hạn hán đã ảnh hưởng đến 1,2 triệu ha đất ở nhiều tỉnh dọc theo lưu vực sông Dương Tử – khu vực sản xuất gạo chủ lực của Trung Quốc. Ngay cả trước khi hạn hán, lượng gạo xuất khẩu của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2022 đã giảm 18,42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo giới phân tích, hạn hán sẽ tác động mạnh nhất đến xuất khẩu gạo từ Trung Quốc sang Hàn Quốc và Philippines. Đối mặt nguy cơ này, một nhà lập pháp Philippines đã hối thúc chính phủ mua gạo của Việt Nam và Thái Lan. Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc Philippines vật lộn với giá lương thực tăng cao và đồng péso mất giá. 

Theo Hoàng Phương/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)