Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Nguồn gốc tác phẩm không ảnh hưởng đến việc ra đề, chấm thi

Tạp Chí Giáo Dục

Xung quanh sự kiện “bức thư của tổng thống Mỹ Lincoln”, Bộ GD-ĐT khẳng định: Nguồn gốc tác phẩm không ảnh hưởng đến việc ra đề, chấm thi.

“Tác phẩm được trích dẫn trong đề thi có trong sách giáo khoa (SGK), chương trình THPT. Như vậy, đề thi văn khối C không có gì sai sót, hoàn hoàn đảm bảo yêu cầu phải nằm trong chương trình, SGK phổ thông”. Đó là quan điểm của TS Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục trước sự kiện đang gây xôn xao dư luận.
Có ý kiến cho rằng câu nghị luận được đánh giá cao trong đề thi văn tuyển sinh ĐH khối C vừa qua trích từ bức thư của Tổng thổng Mỹ Abraham Lincoln là một tác phẩm không có thật. Bức thư không phải do vị tổng thống này viết mà chỉ là một tác phẩm dạng “văn học mạng” không rõ nguồn gốc, được lưu truyền trên Internet.
Trao đổi với PV, ông Trần Văn Nghĩa nhấn mạnh: SGK là tài liệu chính thống. Việc Ban đề thi sử dụng một tác phẩm có trong SGK chương trình THPT để ra đề thi là hoàn toàn bình thường, phù hợp với các qui định. Tác phẩm có trong SGK tức là HS đã được học và nắm được nội dung tác phẩm, hoàn toàn đủ điều kiện để làm bài thi. Còn nội dung SGK, trong trường hợp cụ thể này là nội dung và nguồn gốc của bức thư của Tổng thổng Mỹ Abraham Lincoln, do các tác giả biên soạn SGK phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, độ xác thực của tác phẩm được đưa vào sách”.
Ông Nghĩa cũng khẳng định, việc xác định nguồn gốc tác phẩm sẽ không có gì ảnh hưởng đến việc chấm bài thi môn văn khối C của thí sinh. Việc chấm thi sẽ vẫn tiến hành bình thường.
Trong khi đó, về phía các tác giả biên soạn SGK, GS Phan Trọng Luận, Tổng Chủ biên SGK Ngữ văn lớp 10, cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại thông tin có đúng tác phẩm đó là bức thư của tổng thống Lincoln hay không”.
Theo GS Luận, viết SGK thường phải dựa vào nhiều nguồn tư liệu khác nhau. Văn bản này được các tác giả biên soạn SGK Ngữ văn lớp 10 đưa vào SGK dựa vào nguồn tư liệu là tác phẩm “Những câu chuyện về thầy giáo” đã được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2004.
“Trong trường hợp xác minh rằng văn bản đó không phải của Lincoln, SGK sẽ phải chỉnh sửa nội dung. Dù là trích từ nguồn đã được một nhà xuất bản thẩm định, nhưng chúng tôi cũng xem xét lại nếu có những bằng chứng xác thực liên quan đến nội dung, tác giả, nguồn gốc tác phẩm. Về nguyên tắc, sách giáo khoa hiện nay được quan niệm là một tài liệu “chuẩn” do đó cũng không được trích dẫn sai” – GS Phan Trọng Luận thẳng thắn nhìn nhận.
Sự việc được bắt nguồn từ việc hai ngày sau khi đợt hai của kỳ thi tuyển sinh ĐH năm 2009 vừa kết thúc, trong khi đề văn khối C đang được đánh giá cao về hướng đổi mới trong cách ra đề, thì trên một trang web về văn học vừa được khai trương ngày 12-7, ông Nguyễn Đình Nam, thành viên sáng lập, đã đưa thông tin và dẫn một số nguồn cho rằng bức thư được trích dẫn trong câu hai của đề thi không phải của Lincoln. Tác giả đã đưa ra nhiều dẫn chứng từ nhiều nguồn, trong đó có ý kiến của một nhà nghiên cứu lịch sử Mỹ, để chứng minh nguồn gốc của văn bản này.
“Tham khảo thêm vài nguồn phân tích khác, các phán đoán cho rằng bức thư đó là của một người ẩn danh viết, tuy bản thân bức thư là một tác phẩm hay, nhưng để tăng thêm sức nặng, người đó đã đề tên Lincoln vào. Tác phẩm đó lan truyền trên Internet, nhiều nhất là ở vùng Trung Á” – ông Nguyễn Đình Nam kết luận.
THANH HÀ (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)