Hội nhậpThế giới 24h

Nguồn lực phương Tây trong cuộc chiến ở Ukraine

Tạp Chí Giáo Dục

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24.2.2022, nguồn lực phương Tây đã giúp chính quyền Kyiv thay đổi cục diện trên các mặt trận.

Trong năm 2022, Mỹ dẫn đầu nỗ lực viện trợ Ukraine thông qua các quyết định quan trọng. Sau một số trì hoãn, các thành viên EU theo chân Mỹ và kết thúc năm 2022 với vị trí dẫn đầu về tổng giá trị các cam kết. Theo số liệu mới nhất do Viện Kiel về kinh tế thế giới (Đức) công bố hôm 21.2, Mỹ một lần nữa vươn lên vị trí thứ nhất.

Nguồn lực phương Tây  trong cuộc chiến ở Ukraine - Ảnh 1.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Lục quân Mỹ

Tính đến ngày 15.1, Mỹ tổng cộng chi gần 78 tỉ USD cho viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo. Con số của cả EU là 58,56 tỉ USD. Nhìn chung, các cam kết hỗ trợ nhân đạo duy trì xu hướng ổn định suốt năm, trong khi cam kết về tài chính và quân sự liên tục tăng theo thời gian. Bên cạnh đó, một số thành viên NATO như Đức và Thụy Điển, đã thay đổi chính sách phản đối viện trợ vũ khí tấn công cho Kyiv. Và EU lần đầu tiên trong lịch sử của tổ chức phê chuẩn việc cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Viện trợ quân sự

Báo cáo của Viện Kiel ghi nhận 31 trong số 41 chính phủ đề nghị cung cấp viện trợ quân sự dưới dạng vũ khí, thiết bị, cũng như các khoản hỗ trợ tài chính liên quan mục đích quân sự. Trong số này, Mỹ dẫn xa các nước khác với 47,25 tỉ USD, kế đến là Anh (5,23 tỉ USD), Ba Lan và Đức (2,56 tỉ USD), Canada (1,39 tỉ USD). Nếu tính theo nhóm nước, cam kết của EU chỉ đứng sau Mỹ, với 14,71 tỉ USD về viện trợ quân sự.

Kế hoạch viện trợ sắp tới

Ngày 20.2, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự kế tiếp trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, trong đó có thể kể đến đạn dược cho HIMARS, đạn pháo các loại, Javelin, xe thiết giáp Bradley. Estonia cũng kêu gọi các đối tác mở rộng hỗ trợ quân sự cho Ukraine, đặt mục tiêu đạt 100 tỉ euro trong năm 2023.

Trang Ukrinform dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Estonia Hanno Pevkur cho biết nước này đã viện trợ gần 400 triệu euro cho Ukraine trong năm 2022, tương đương 1,1% GDP. "Nếu tất cả thành viên của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine đồng ý trích 1% GDP cho Kyiv, con số này có thể lên đến 500 tỉ euro", ông Pevkur cho biết. Vì vậy, bộ trưởng cho rằng hoàn toàn hợp lý khi đặt mục tiêu viện trợ ít nhất 100 tỉ euro cho Ukraine trong năm 2023. Sau khi Mỹ có động thái mở rộng năng lực sản xuất đạn pháo 155 mm cho Ukraine, EU cũng đang cân nhắc kế hoạch tương tự.

Theo AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin là người dẫn dắt hoạt động của Nhóm Liên lạc quốc phòng Ukraine, liên minh 54 quốc gia ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Được thành lập vào tháng 4.2022, trong thời gian hoạt động liên minh thúc đẩy các gói chuyển giao vũ khí hạng nặng. Trong lần họp gần đây nhất vào ngày 14.2, Mỹ và các thành viên NATO trong nhóm thông báo sẽ chuyển giao hơn 20 loại vũ khí/khí tài khác nhau. Gói viện trợ tập trung mục tiêu củng cố năng lực phòng không của Ukraine, cũng như cung cấp các dòng thiết giáp mới.

Trong số các dòng vũ khí hạng nặng được phương Tây chuyển giao cho Ukraine đến thời điểm này, đáng kể nhất chính là xe tăng. Đức cung cấp xe tăng Leopard 2 và đồng ý cho các nước viện trợ dòng xe tăng này cho Kyiv. Anh đóng góp Challenger 2, dòng xe tăng tác chiến chủ lực của bộ binh nước này. Còn Ba Lan, CH Czech và một số nước khác gửi xe tăng T-72M1. Tuy nhiên, gây chú ý nhất vẫn là dòng xe tăng M1 Abrams được Mỹ phê chuẩn chuyển giao cho Kyiv hồi đầu năm.

Trong những tháng đầu chiến sự và khi Nga triệt thoái khỏi Kyiv, phần lớn chiến sự tập trung ở Donbass. Để đáp ứng nhu cầu pháo binh số lượng lớn tại đây, Úc, Canada và Mỹ nằm trong những nước đầu tiên chuyển giao siêu lựu pháo M777 và đạn dược cho các lực lượng Ukraine. Bên cạnh đó, Ukraine cũng sớm được trang bị dòng vũ khí lợi hại của bộ binh là Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) M142. HIMARS được đánh giá đóng vai trò trung tâm trong chiến dịch phản công thành công của Ukraine ở miền nam, đặc biệt ở Kherson tháng 11.2022.

Đài BBC dẫn phân tích của giới chuyên gia quân sự lưu ý thành công trên mặt trận phụ thuộc vào nhiều phương tiện, thiết bị, được phối hợp triển khai với sự hỗ trợ hậu cần trên thực địa. Đó là lý do Mỹ và đồng minh viện trợ dòng xe thiết giáp Stryker cho Ukraine, và kế tiếp là dòng xe chiến đấu bộ binh Bradley.

Đến tháng 12 năm ngoái, Mỹ cũng thông báo chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot, và Đức, Hà Lan nối gót. Patriot có tầm bắn tối đa 100 km, tùy thuộc vào dạng tên lửa, và cần trải qua khóa đào tạo đặc biệt. Tuy nhiên, hệ thống này khá đắt đỏ, với mỗi tên lửa Patriot trị giá khoảng 3 triệu USD.

Phát biểu tại Kyiv trong chuyến thăm bất ngờ hôm 20.2, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố phương Tây đã cam kết gửi gần 700 xe tăng, hàng ngàn xe bọc thép, 1.000 hệ thống pháo binh, hơn 2 triệu đạn pháo, hơn 50 hệ thống rốc két tối tân, các hệ thống phòng không và đối hạm. Tất cả đều nhằm hỗ trợ Ukraine bảo vệ chủ quyền.

Viện trợ tài chính và nhân đạo

Nga gây sức ép lớn tại miền đông Ukraine

Ngày 22.2, Hãng TASS dẫn lời một chỉ huy về hưu của lực lượng ly khai thân Nga tại miền đông Ukraine cho biết quân Ukraine đang chịu tổn thất lớn tại TP.Kreminna (tỉnh Luhansk) và phải bổ sung ít nhất một đại đội (khoảng 120 binh sĩ) đến mỗi ngày.

Trong bài phát biểu cuối ngày 21.2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng thừa nhận rằng các lực lượng đang chịu sức ép lớn tại miền đông khi Nga liên tục tấn công. Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo cho hay "tiền tuyến vẫn không bị thay đổi" và Nga cũng chịu tổn thất nặng nề.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine sáng qua thông báo các lực lượng đã ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga gần 7 khu định cư ở Donetsk và Luhansk trong 24 giờ. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo đang tiến về phía TP.Bakhmut ở Donetsk và giành được hơn 2,5 km chỉ trong 2 ngày.

Để đề phòng nguy cơ chiến sự leo thang quanh dịp tròn một năm từ khi xung đột bùng phát, Ukraine đã yêu cầu tất cả trường học cho học sinh học từ xa từ 22 – 24.2, theo tờ The Guardian. Lãnh đạo Denis Pushilin của phe ly khai thân Nga tại Donetsk cùng ngày đăng thông điệp kêu gọi người dân tránh ra đường trong những ngày này vì nguy cơ Ukraine tăng cường hoạt động quân sự.

Trong một diễn biến khác, Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga ngày 22.2 thông báo tin tặc đã tấn công mạng nhiều trạm phát sóng vô tuyến tại Nga để phát cảnh báo giả trên radio rằng sắp có tấn công tên lửa, theo TASS.

Vi Trân

Những khoản viện trợ trên vô cùng cần thiết để chính phủ Ukraine có thể duy trì hoạt động trong điều kiện chiến sự. Báo The Hill dẫn thông tin từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ước tính Ukraine cần thêm từ 3 – 4 tỉ USD/tháng từ viện trợ nước ngoài nếu muốn tránh nguy cơ chính phủ sụp đổ. Khoản tiền được chi cho những nhu cầu cần thiết nhất của nền kinh tế, bao gồm dịch vụ xã hội, cơ sở hạ tầng và năng lượng.

Năm 2022 kinh tế Ukraine sụt giảm hơn 30% GDP so với năm trước đó, mà theo Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko đây là năm xảy ra tổn thất và hủy hoại lớn nhất kể từ khi nước này độc lập. Ngân hàng Thế giới, Ủy ban Châu Âu và chính quyền Kyiv hồi tháng 9.2022 tính toán cần hơn 349 tỉ USD nếu muốn tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraine sau khi chiến sự chấm dứt. Con số này nhiều khả năng gia tăng sau các đợt tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng khắp Ukraine.

Theo Thụy Miên/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)