Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Nguồn nhân lực cao cho TP: Nhìn từ đào tạo đến chiêu hiền đãi sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và cũng là trung tâm về GD-ĐT lớn của cả nước. TP cũng có lợi thế về nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động dồi dào, năng động và sáng tạo, có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế phát triển của TP. Vì vậy, việc đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập và phát triển của TP là điều hết sức cần thiết.

GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ phát biểu tại hội nghị kiều bào do TP.HCM tổ chức ngày 12-11-2016
GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ tốt nghiệp tiến sĩ ở Canada và là giáo sư ĐH Laval (Canada). Ông đã bảo vệ luận án tiến sĩ về lĩnh vực xử lý thông tin và là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực được coi là rất mới mẻ này từ năm 1969 tại ĐH Laval. GS. Tuệ trải qua nhiều vị trí trong công tác giảng dạy tại Việt Nam, ông là trí thức Việt kiều đầu tiên giữ chức Chủ nhiệm Bộ môn xử lý thông tin thuộc Khoa Điện tử viễn thông – ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội); Hiệu trưởng ĐH quốc tế Bắc Hà; hiện là giảng viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM).

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đề ra 7 chương trình đột phá và “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020” là chương trình đột phá đầu tiên.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đồng thời bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu, vừa quan tâm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ.

Đào tạo phải có chiều sâu và chiến lược lâu dài

Việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đòi hỏi phải mang tính chiến lược, lâu dài như vậy mới đáp ứng được sự kỳ vọng xây dựng TP là “hòn ngọc tỏa sáng Viễn Đông” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khi về tham dự hội nghị về kiều bào chung tay xây dựng quê hương tại TP.HCM ngày 12-11 vừa qua đã khẳng định.

Muốn “khát vọng” đó thành hiện thực thì từ cấp chính quyền tới những người làm công tác GD-ĐT phải nhìn nhận lại việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã thật sự đi vào chiều sâu và có chiến lược lâu dài, cụ thể hay chưa? Rõ ràng, chiến lược của chúng ta chưa rõ rệt trong lĩnh vực GD-ĐT, nên hệ quả của nó là chất lượng nguồn nhân lực (đào tạo các chuyên gia, kỹ sư có tay nghề cao) trong cả nước nói chung và TP còn nhiều hạn chế.

Là TP phát triển đi đầu trong cả nước, thu hút nguồn nhân công từ nhiều địa phương về làm việc, học tập. Tuy nhiên, với yêu cầu của sự phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước nói chung và TP nói riêng thì việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu mới là điều tất yếu, đòi hỏi mang tính chiến lược, lâu dài.

Chúng ta nghe rất nhiều về vấn đề kiểm tra chất lượng, cải tổ các chương trình đào tạo từ mầm non, tiểu học, trung học, cho đến ĐH và sau ĐH nhưng chính những thay đổi liên tục này đã làm cho nền giáo dục của chúng ta mất định hướng một cách cụ thể. Và kết quả là nguồn lao động chất lượng cao chúng ta đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nhất là ở lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, TP cũng không có những đòi hỏi chuyên gia cao cấp, mà chỉ yêu cầu lao động phổ thông, hay các chuyên gia ở mức kỹ sư. Điều mà các công ty nước ngoài yêu cầu đối với lao động Việt Nam là tinh thần trách nhiệm và kỷ luật lao động. Do đó, nhân lực do các cơ sở đào tạo nghề hay các trường ĐH ở TP hiện nay đều có đủ chuyên môn để đáp ứng; nếu có gì thiếu, thì chính là bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và phương pháp tư duy của người lao động. Và cái thiếu này lại có tính hệ thống, chứ không riêng ở một địa phương hay một đơn vị nào. Vấn đề cụ thể đặt ra không phải là chất lượng đào tạo, mà do cung nhiều hơn cầu. Có nghĩa rằng, việc đào tạo nhân lực hiện nay chưa quan tâm đến nhu cầu thực tế, dẫn đến việc nhiều người sau khi được học, đào tạo ở các cơ sở giáo dục ra trường không kiếm được việc làm hoặc làm không đúng chuyên môn nghiệp vụ mình được đào tạo. Mà các cơ sở GD-ĐT này, hàng năm vẫn tiếp tục chiêu sinh, có trường năm sau tuyển sinh nhiều hơn năm trước… Do đó, cung – cầu chỉ có thể giải quyết thông qua chiến lược phát triển của TP và khi TP có chiến lược thích hợp thì chắc chắn chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo và các trường ĐH sẽ không còn là vấn đề xã hội đang đòi hỏi và đặt ra như hiện nay.

Chiêu hiền đãi sĩ

Sự thông minh và khả năng thích ứng của giới trẻ Việt Nam là điểm mạnh không ai phủ nhận được. Nhưng để góp tay xây dựng, phát triển TP theo như kỳ vọng của người dân và lãnh đạo TP, thì các yếu tố tích cực này cần được thực sự phát huy. TP cần có một chiến lược nhằm xây dựng một nền công nghiệp hiện đại. So với thế giới, lợi thế của Việt Nam nằm trong các lĩnh vực như công nghệ sinh học, hóa học, công nghệ thông tin, nông lâm hải sản và chế biến thực phẩm. Điều hơi đáng tiếc, nếu thời gian trước TP chọn đúng chiến lược phát triển vi điện tử, thì hôm nay, chúng ta đã sẵn sàng góp mặt với nền công nghệ điện tử của thế giới. Tuy là khá trễ, nhưng nếu bắt tay nghiêm túc từ bây giờ, thì trong 10 năm tới, chúng ta vẫn có thể hình thành một số hướng đi cụ thể cho nền công nghiệp của TP. Tóm lại, TP.HCM cần phải xây dựng nền công nghiệp mạnh, hiện đại thì kéo theo đó chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta sẽ được nâng lên vì tự thân GD-ĐT phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn mới của xã hội. Theo tôi, nhằm tạo “lực hút” mạnh mẽ hơn đối với trí thức kiều bào về tham gia đóng góp và xây dựng TP.HCM nói riêng cả nước nói chung. Những chuyên gia Việt kiều làm việc ở nước ngoài được sống trong một môi trường điều kiện công tác đầy đủ, tư duy không bị ràng buộc nên thường khó thích ứng với xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, các trí thức Việt kiều vẫn dành nhiều tình cảm cho quê hương Việt Nam, đây chính là thành phần mà TP nên quan tâm nhiều hơn nữa. TP nên triển khai một số chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” như cách làm của Hàn Quốc, Singapore… là dành cho chuyên gia Việt kiều một số quyền lợi cao hơn bình thường, đặc biệt là tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi để họ có thể phát huy cao nhất khả năng và đóng góp của mình”.

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đề ra 7 chương trình đột phá và “Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020” là chương trình đột phá đầu tiên.

Tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, đồng thời bổ sung chính sách đủ mạnh để thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó vừa chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chung, chú trọng xây dựng nguồn nhân lực còn thiếu, vừa quan tâm xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao gắn với phát triển khoa học – công nghệ.

Ở Hàn Quốc, các nhà khoa học trở về từ nước ngoài thường được hưởng lương bổng gần giống như lúc họ còn sống ở nước ngoài, được ưu đãi trong ngân sách nghiên cứu cũng như trong điều kiện sinh hoạt hằng ngày. Ở Singapore, giảng viên ĐH được đối xử hoàn toàn giống như ở các nước phát triển.

Đối với TP.HCM, chúng ta không có những điều kiện tương đương nên không thể áp dụng những chính sách này một cách đại trà như các nước phát triển. Tuy nhiên, TP vẫn có thể dành những điều kiện này cho những chuyên gia mà TP đánh giá là cần thiết trong quá trình thực hiện chiến lược phát triển của mình. Chắc chắn, khi TP làm được như vậy, trí thức kiều bào sẽ đóng góp nhiều hơn để TP thực hiện thành công chương trình đột phá “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020” của TP.

GS.TS Huỳnh Hữu Tuệ

Bình luận (0)