Tuần qua, Tổng cục Khí tượng Thủy văn phối hợp với Hội đồng Giáo sư Liên ngành Khoa học Trái đất – Mỏ và các trường ĐH tổ chức hội nghị khoa học toàn quốc về trái đất, mỏ, môi trường với chủ đề: “Chuyển đổi số và công nghệ số trong khoa học trái đất, mỏ, môi trường”.
Đại biểu phát biểu tại hội nghị
Tại đây, nhiều đại biểu đã nhận định, nhờ tận dụng được những lợi thế của xu hướng toàn cầu hóa, sự bùng nổ của cuộc cách mạng 4.0, nước ta đã đi tắt, đón đầu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cũng chính trong bối cảnh đó, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức như cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu… Những thách thức này đòi hỏi nước ta cần có các giải pháp tổng hợp, đồng bộ để tạo ra một sức mạnh mới, một lực đẩy mới nhằm hạn chế tối đa những tác động không mong muốn từ tự nhiên.
Theo các đại biểu thì trong những giải pháp đó, vai trò của khoa học công nghệ và nguồn nhân lực rất quan trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực từ liên ngành khoa học trái đất, mỏ và môi trường; từ đó tạo ra nền tảng tri thức, căn cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp cho việc sử dụng hợp lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường và duy trì tính bền vững của trái đất cho sự phát triển kinh tế – xã hội.
Các ý kiến cũng cho rằng, khoa học trái đất, mỏ và môi trường là nền tảng, giải pháp để đạt các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng phó với các biến đổi toàn cầu… Bên cạnh đó, thành tựu vượt bậc của cuộc cách mạng 4.0 đã tạo ra một môi trường số hóa trong tất cả lĩnh vực đời sống. Xu hướng chuyển đổi số và công nghệ số đã thay đổi tư duy truyền thống sang tư duy số – tài sản số hơn là tài sản hữu hình. Môi trường số sẽ tạo nhiều cơ hội sáng tạo mới, làm thay đổi phương thức khai thác, sử dụng tài nguyên, phương thức quản lý truyền thống của xã hội loài người.
Thục Trân
Bình luận (0)