Kinh tế - Giáo dụcNghề nghiệp việc làm

Nguồn nhân lực Việt Nam: Bất ổn cả chất và lượng

Tạp Chí Giáo Dục

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố “Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2007” với chủ đề “Lao động và phát triển nguồn nhân lực”.

Báo cáo cho thấy thiếu lao động và những biến động trái chiều về lao động đang là vấn đề rất “nóng” đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Việt Nam.

Doanh nghiệp trong nước: Thiếu và mất cân đối lao động

So với nhiều nước trong khu vực, ngành dệt may Việt Nam có lợi thế so sánh và nguồn lực lao động (LĐ), giá cả hợp lý. Nhưng hiện ngành vẫn thiếu nhiều LĐ có trình độ cao và có khả năng làm việc trong môi trường cạnh tranh cao, từ cán bộ kỹ thuật công nghệ đến thương mại, quản trị doanh nghiệp (DN). Hơn nữa, các DN không có kế hoạch sử dụng nhân lực rõ ràng trong trung và dài hạn nên phần lớn rơi vào tình trạng thiếu khẩn cấp LĐ, dẫn đến tranh chấp LĐ diễn ra khá nghiêm trọng và năng suất LĐ trong ngành đạt thấp so với các nước cạnh tranh.

Ngành du lịch Việt Nam cũng không đứng ngoài thách thức đó. Thạc sĩ Vũ Quốc Trí – đồng giám đốc Dự án phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam cho hay: du lịch là ngành có tính liên ngành và xã hội cao, LĐ cần được đào tạo về chuyên môn, văn hóa, lịch sử, ngoại ngữ, kinh tế, địa lý… nhưng hiện tỉ lệ LĐ có chuyên môn về du lịch chỉ chiếm khoảng 42,5% trong tổng số LĐ trực tiếp, số còn lại chuyển từ các ngành khác sang và 19,2% số này không qua đào tạo bồi dưỡng. Mặt khác, đang có sự mất cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực du lịch: Miền Nam chiếm 50%, miền Bắc 40% và chỉ có 10% ở miền Trung – trong khi đây là trung tâm du lịch, tập trung nhiều di sản văn hóa thế giới, có khả năng hấp dẫn và thu hút du khách.

Cơn “khát” nhân lực cũng khiến các ngành ngân hàng, bảo hiểm… và nhiều ngành khác phải “lôi kéo”, “giằng co” để thu hút nhân tài khiến thị trường LĐ luôn trong tình trạng bất ổn. Trong đó, khối các DN nhỏ và vừa là khu vực chịu thiệt hại nhiều nhất do khả năng thu hút nhân lực có tay nghề và trình độ cao hạn chế.

Doanh nghiệp FDI: Lao đao vì lao động chuyển dịch

Các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút LĐ làm việc cho mình vì vấn đề di cư LĐ đang diễn ra khá phức tạp. Những tín hiệu về sự dịch chuyển ngược LĐ trong các DN FDI ở khu vực Đông Nam bộ và nhất là LĐ có trình độ cao ra khỏi các DN FDI khá lớn.

Thạc sĩ Phạm Quang Ngọc – VCCI cho biết: Nếu trước đây, các DN FDI thường thu hút nhiều LĐ có trình độ cao từ các khu vực kinh tế khác, thì nay LĐ có trình độ cao đang có xu hướng dịch chuyển từ khu vực FDI sang các khu vực khác, đặc biệt là khu vực tư nhân.

Mặt khác, nguồn cung LĐ nói chung và LĐ có tay nghề cho khu vực Đông Nam bộ từ trung tâm lớn (đồng bằng sông Hồng) rất hạn chế. Cụ thể, 75% tổng số LĐ dịch chuyển từ Hà Nội chỉ thay đổi nơi làm việc trong nội bộ khu vực; chỉ có 1,2% bổ sung nguồn LĐ cho Đông Nam bộ do những khác biệt về văn hóa và nơi cư trú. Trong khi đó, lượng LĐ chuyển dịch ra khỏi KCN Đông Nam bộ là hơn 70% (ở TP.HCM trên 86%).

Theo NGỌC BẢO – Lao Động

Bình luận (0)