Theo Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco), tình trạng ô nhiễm trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn có xu hướng tăng dần do tiếp nhận lượng lớn chất thải, nước thải từ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều chỉ tiêu đã vượt chuẩn cho phép, tăng cao qua mỗi năm.
Cụ thể: Ô nhiễm hữu cơ tăng cao gấp 2 lần, Amonia có thời điểm cao gấp 8-10 lần, hàm lượng vi sinh luôn vượt chuẩn từ 5-7 lần mức cho phép.
Trên sông Đồng Nai, vào mùa mưa, độ đục tăng trên 100 NTU, độ màu lên đến trên 600 Pt-Co. Hàm lượng Amonia, vi sinh gây bệnh, mangan, sắt tăng mạnh. Các chỉ tiêu này ảnh hưởng đến hiệu quả xử lý nước và chi phí sản xuất của các nhà máy nước. Ngoài ra, sản lượng và chất lượng nước ngầm có chiều hướng suy giảm.
Mỗi năm, mực nước ngầm tụt giảm 2-3m. Tại các khu vực khai thác nước thô của nhà máy nước ngầm Tân Phú, các trạm cấp nước Bình Trị Đông, Gò Vấp, các chỉ tiêu sắt, mangan ở mức khá cao.
Những năm trước nhiều thời điểm độ mặn vượt ngưỡng cho phép (250 mg/lít) khiến nhà máy nước Tân Hiệp phải ngưng lấy nước vài giờ, ảnh hưởng trực tiếp các điểm khai thác nước thô của Nhà máy nước BOT Bình An.
Để đảm bảo nguồn cung cấp nước thô, Phó Tổng giám đốc Sawaco Võ Quang Châu cho biết, các đơn vị quản lý hồ thủy lợi, thủy điện đầu nguồn (hồ Dầu Tiếng – sông Sài Gòn, hồ Trị An – sông Đồng Nai) hỗ trợ xả đẩy mặn trong mùa khô và khi xảy ra sự cố ô nhiễm nguồn nước.
Cụ thể: Hồ Dầu Tiếng xả định kỳ từ tháng 1 đến tháng 5 hằng năm, mỗi tháng xả hai lần, mỗi lần kéo dài 3-4 ngày. Năm nay, hồ Phước Hòa được đưa vào khai thác vận hành, tiếp thêm lưu lượng 50 m3/giây để xả đẩy mặn.
“Chúng tôi đang triển khai chương trình nghiên cứu tìm nguồn nước mới thay thế hoặc hỗ trợ việc khai thác nước ngầm, đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng nước online, kiểm soát chất lượng nước nguồn…
Ngoài ra, Sawaco xây dựng đề cương bảo vệ và ứng phó với những thay đổi của chất lượng nước nguồn, đã được UBND TPHCM thông qua, hiện đang được triển khai thực hiện.
Dù gặp khó khăn về biến động chất lượng nước nguồn nhưng Sawaco vẫn luôn đảm bảo chất lượng nước sạch cung cấp đến người dân theo quy định của Bộ Y tế.
Một số chỉ tiêu như hàm lượng sắt, mangan, độ đục đáp ứng chất lượng cao hơn quy chuẩn” – ông Châu khẳng định.
Trên sông Đồng Nai, vào mùa mưa, độ đục tăng trên 100 NTU, độ màu lên đến trên 600 Pt-Co. Hàm lượng Amonia, vi sinh gây bệnh, mangan, sắt tăng mạnh.
|
Huy Thịnh (TPO)
Bình luận (0)