Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Ngưỡng cửa vào đời luôn rộng mở

Tạp Chí Giáo Dục

 

Chiều tan sở, đang loay hoay dắt chiếc xe chuẩn bị về thì điện thoại reo, mở ra thấy có một tin nhắn: “Chị ơi có thể giúp em một việc gì làm tạm được không ạ? Em buồn quá không dám về quê!”.
Hỏi ra mới biết, do làm bài không được nên điểm thi đại học của em rất thấp. Năm nay nữa là đúng ba lần em khăn gói vào TP.HCM “lai kinh ứng thí”, mang theo nhiều ước mơ bước chân lên giảng đường đại học, có cả sự hoài mong kỳ vọng của bố mẹ tận ngoài quê. Em bảo lần này mà rớt nữa chắc sẽ không sống nổi…
Câu chuyện của em gợi lại trong tôi những ký ức về một người bạn, về một kỳ thi cách nay cũng mấy năm rồi.
Người bạn ấy của tôi không những là một học sinh giỏi trong suốt 12 năm phổ thông mà còn là một người chị gương mẫu của 5 đứa em, là người con hết lòng hiếu thảo với bố mẹ mình. Bạn cũng khao khát trở thành cô sinh viên Trường Đại học X. với mong muốn sau khi tốt nghiệp sẽ có một công việc tốt, mức thu nhập cao để phụ giúp gia đình, nuôi các em ăn học. Nhưng rồi cuộc sống không giống như mình mơ ước, người bạn ấy trong 2 năm liên tiếp đều thi trượt, cánh cửa đại học không rộng mở với tất cả mọi người, có cả bạn. Trong cơn quẫn trí, trong nỗi mặc cảm khôn cùng với bạn bè, với người thân, làng xóm…, người bạn ấy sớm có ý nghĩ sẽ kết thúc cuộc đời mình, hoặc là bỏ đi đâu đó thật xa để quên hết nỗi buồn và những điều tiếng xung quanh.
Nhưng người bạn của tôi đã không ngu xuẩn làm điều dại dột, càng không thể chối bỏ trách nhiệm, chối bỏ công ơn dưỡng dục của bố mẹ mình, những người đã nặng gánh yêu thương. Hơn hết bạn hiểu rằng mình đang sống cho bản thân và cho gia đình chứ không phải cho thiên hạ – những người cười nhạo bạn.
Ngưỡng cửa vào đời chỉ rộng đón những ai giàu nghị lực, biết vượt qua thất bại, khó khăn để khẳng định mình, để có ích cho xã hội, không đi được đường này sẽ đi theo con đường khác. Người bạn mà tôi kể với em sau đó đã chọn nghề thợ may để theo học. Trong khoảng thời gian làm quen với từng đường kim mũi chỉ, bạn còn tham gia vào những hoạt động Đoàn ở địa phương mình. Và bạn ấy cũng không ngừng trau dồi kiến thức thông qua báo đài, sách vở để mang chút kiến thức ít ỏi phục vụ quê hương. Từ một cô thợ may, từ một cô đoàn viên nhỏ nhắn luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bây giờ, bạn ấy đã trở thành chủ một hiệu may nổi tiếng và là “chị” Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường khi tuổi đời còn đang rất trẻ…
Tôi biết rằng có không ít những tấm gương như thế, không ít những người biết vượt qua những thất bại để đi lên.
Trót mang hoài bão vào đời bằng cánh cửa của giảng đường đại học mà kết quả lại không như mình từng hy vọng, ước ao. Có lẽ em bây giờ chắc cũng mang nặng một nỗi buồn, âu đó cũng là nỗi niềm chung của rất nhiều bạn trẻ khi đọc xong trang đáp án của đề thi năm nay. Nhưng em hãy tin rằng đó không phải là con đường duy nhất, còn đó rất nhiều những trường nghề, những khóa học ngắn hạn chắc chắn sẽ trang bị cho em đầy đủ hành trang để em tự tin vững tâm đi vào cuộc sống. Thế giới có biết bao những doanh nhân, chính trị gia thành đạt mà không thông qua một trường lớp, trường của họ có khi là sự tự học, tự bươn chải, va chạm để thành công… miễn là họ có quyết tâm, có trách nhiệm và làm chủ với cuộc đời mình.
Mong em và các bạn trẻ khác sớm tìm một lối đi riêng, hãy lựa chọn, hãy quyết định đúng đắn và đừng chùng chân, nản bước vì tin chắc rằng sẽ có rất nhiều cánh cửa đang đón đợi em…
Tuyết Dân

 

Bình luận (0)