NGƯT Nguyễn Thị Vân Anh và các bé Trường MN Nhiêu Lộc |
Mỗi buổi tối nhìn thấy cảnh các con đấm lưng, bóp vai, bóp tay cho bà xã, chồng chị lại đùa: “Buổi sáng em đi làm thì tươi như bông, như hoa, buổi chiều về cứ ủ rũ như cái mền… rách”. Những lúc như vậy, chị chỉ biết thầm cám ơn chồng con – hậu phương vững chắc đã giúp chị vượt qua bao khó khăn, mệt nhọc của cái nghề cô nuôi dạy trẻ.
“Bố tôi là công chức của chế độ cũ. Sau khi nghỉ hưu, ông đã mở một lớp dạy kèm. Thương bố già yếu nên tôi thường vào lớp học phụ ông những công việc lặt vặt. Một hôm, bố nói với tôi: “Cuối cuộc đời, bố mới nhận ra nghề giáo có rất nhiều niềm vui và tình cảm”. Thế là tôi quyết định chọn nghề giáo…”, NGƯT Nguyễn Thị Vân Anh – Hiệu trưởng Trường MN Nhiêu Lộc, Q.Tân Phú tâm sự.
Ngày đầu đi… xây dựng phong trào
Năm 1977, chị thi vào Trường Trung học Sư phạm Mầm non, TP.HCM. Một năm sau, chị tốt nghiệp loại giỏi và được Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất) tuyển vào làm giáo viên cho lớp mẫu giáo của bệnh viện. Sau khi xem qua lý lịch của chị, một cán bộ ở đây nói: “Lý lịch của em “xấu” quá, không thể làm giáo viên ở đây được” rồi trả chị về Phòng GD-GĐ Q.Tân Bình.
Chị tới Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình thì được biết, tất cả những giáo sinh ra trường cùng khóa với chị đều đã được phân công nhiệm sở. Các trường cũng đã đủ giáo viên. Lúc đó, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình nói với chị: “Trông em khỏe mạnh thế này, thôi đi vùng ven để xây dựng phong trào”. Và chị được bổ nhiệm làm quyền hiệu trưởng của một trường mẫu giáo ở P.17, Q.Tân Bình.
Gọi là trường cho oai chứ thực ra chỉ là một nhóm lớp với gần 50 cháu từ 3-5 tuổi và 2 cô giáo chưa qua đào tạo. Cơ sở vật chất chỉ là một dãy nhà cấp 4 xập xệ, vốn trước đây là cái kho của hợp tác xã bỏ hoang. Trong lớp không có đồ chơi mà chỉ có mấy bộ bàn ghế cũ kỹ của học sinh tiểu học thải ra. Lớp học lại nằm xa khu dân cư nên buổi tối nhiều người dân thiếu ý thức đã lẻn vào “ị” bừa bãi…
Còn học sinh, hầu hết là con nhà nông dân và theo đạo. Dù rằng đi học không mất tiền nhưng các em cũng chẳng mặn mà với chuyện tới trường. Ngày nào đi học cũng xin về sớm với lý do phải trông em, đi chăn trâu – chăn bò. Vào mùa Phục sinh, Giáng sinh, học sinh cũng nghỉ vì: “Cha xứ bắt đi nhà thờ”.
Đã vậy, chính quyền địa phương cũng ít quan tâm đến giáo dục mầm non. Thậm chí, chủ tịch phường còn nói với chị: “Cô không cần phải dạy gì cả, chỉ cần trông cho lũ trẻ không té xuống ao, xuống sông là được”.
Tuy không phải là tiểu thư đài các nhưng cũng thuộc tuýp người “trắng da, dài tóc” nên khi phải đối diện với sự thật khắc nghiệt này, chị không khỏi chạnh lòng.
Đúng lúc ấy, gia đình chị được bảo lãnh qua Mỹ, ba mẹ chị làm hồ sơ cho chị đi luôn. Đang lưỡng lự chưa biết đi hay ở thì… “Kẹp đôi dép lê vào nách và đi bộ từ nhà tới trường. Vừa nhìn thấy cô giáo, cậu bé nói: “Con chào cô” và lật đật bỏ đôi dép xuống đất xỏ chân vào. Bước vào lớp, cậu bé len lén móc từ trong túi áo ra một củ khoai lang nướng và đưa cho cô giáo. Tình cảm của những học trò đầu khét nắng, quần áo lem luốc đã giữ chân tôi lại”, NGƯT Vân Anh kể lại.
Cứ yêu em bé là làm được thôi
Nhà cách trường 16km, trời chưa sáng tỏ là chị đã vội vã đạp xe tới trường. Trên ghi đông lúc nào cũng toòng teng cà men cơm. “Ngày đó, P.17 – Q.Tân Bình (nay là P.Tân Thành, Q.Tân Phú) dân cư còn thưa thớt lắm nhưng hầu như nhà nào cũng nuôi chó. Bởi vậy mà hôm nào đi làm cũng bị chó rượt. Có hôm sợ quá đạp xe thật nhanh, thế là bị xích xe cuốn rách cả quần”, chị nhớ lại.
Nhưng điều đó cũng không ngăn cản bước chân của chị đến với những đứa trẻ ở cái vùng ven còn khó khăn này. Thế là, dù ở cương vị quyền hiệu trưởng nhưng chị dành phần lớn thời gian gần gũi với trẻ. Chị dạy cho các bé hát múa, tự làm đồ dùng dạy học cho học sinh chơi. Ngày ấy, trẻ chỉ học buổi sáng nên buổi chiều chị đạp xe đến nhà thờ “năn nỉ” cha xứ vận động phụ huynh cho con ra lớp. Bởi qua học sinh, chị biết cha xứ rất có uy tín đối với phụ huynh. Được sự ủng hộ của cha xứ, rồi “sự trưởng thành” của những đứa trẻ sáng đi học, chiều đi chăn trâu nên người dân bắt đầu ý thức được việc phải cho con đi học mẫu giáo.
Khi 3 căn nhà xập xệ không thể đáp ứng đủ nhu cầu gửi con ngày càng nhiều của phụ huynh, chị lại đạp xe đi vòng vòng khắp phường thấy ngôi nhà nào bỏ hoang là tới gặp chính quyền địa phương xin làm phòng học cho trẻ…
Sau 10 năm chị gắn bó với giáo dục mầm non ở đây, từ 1 nhóm lớp với 50 cháu đã trở thành một trường với gần 600 cháu.
Năm 1991, chị về làm Hiệu trưởng Trường MN Quận, Q.Tân Bình. “Lúc đó, Trường MN Quận vẫn còn là Trường Mẫu giáo Hoa Hồng và Nhà trẻ Quận. Hai trường chỉ cách nhau có mấy mét, Nhà trẻ dư 3 phòng nên cháu của Trường Mẫu giáo qua học. Thế là tôi xin ý kiến cấp trên và sáp nhập hai trường làm một. Đây là trường mầm non đầu tiên trong cả nước thực hiện nuôi dạy cả trẻ nhà trẻ và mẫu giáo”, NGƯT Vân Anh kể.
Khi hoạt động của trường đã đi vào nề nếp, chị vận động phụ huynh đóng góp xây phòng năng khiếu cho học sinh. Sau đó, chị phối hợp với nhà hát tổ chức cho học sinh biểu diễn và bán vé lấy kinh phí xây thêm 3 phòng học… Cùng với thời gian, “thương hiệu” Trường MN Quận ngày càng được khẳng định. Theo đó, sự hỗ trợ của phụ huynh cũng ngày càng nhiều…
Cô hiệu trưởng đi phát… tờ rơi
Năm học 2001-2002, Trường MN Nhiêu Lộc ra đời và chị được điều về đây làm Hiệu trưởng. Ngày chị đi, nhiều học sinh đã ôm chân cô mà khóc.
Khác xa với Trường MN Quận, Trường MN Nhiêu Lộc thiếu thốn trăm thứ. Từ bàn ghế, đồ chơi của cháu đến đồ dùng dạy học của cô và dụng cụ nấu ăn của cấp dưỡng, cái gì cũng không có. Trường chỉ là một khối nhà bê tông, nắng và nóng. Đường dẫn vào trường thì lầy lội, xung quanh trường nhà dân thưa thớt. Đã vậy, ngay sát bên trường là một cái chuồng bò với cả chục con.
“Hôi tanh kinh khủng, còn ruồi thì nhiều vô kể – bưng bát cơm ra là chúng bu đen”, NGƯT Vân Anh nhớ lại.
Nhưng thảm nhất vẫn là trường được xây dựng để nuôi dưỡng 500 cháu mà chỉ có 80 cháu đăng ký học. “Đang ở ngôi trường có cả ngàn học sinh, giờ về ngôi trường có vài chục cháu, cơ sở vật chất thì đụng đâu thiếu đó. Tôi thật sự sốc, sút gần 10kg, hai gò má nhô cao và đen sạm”, NGƯT Vân Anh tâm sự.
Ngày xưa, gian khó là vậy mà còn vượt qua được, lẽ nào bây giờ lại đầu hàng? Nghĩ vậy, chị quyết tâm xây dựng một thương hiệu mới – “thương hiệu” Trường MN Nhiêu Lộc.
Việc đầu tiên là in tờ rơi giới thiệu về trường đem tới tận nhà dân và chợ để tiếp thị. Song song đó là in băng rôn và tự leo lên cột điện để treo vì không có kinh phí thuê người làm. Đã vậy, lại còn phải treo lén. “Mỗi khi Phòng Văn hóa quận đi kiểm tra thì gỡ xuống, họ đi rồi lại treo lên”, NGƯT Vân Anh kể.
Mặt khác, giáo viên trong trường tổ chức hoạt động nuôi dạy trẻ thật tốt. Kết quả, cuối năm học số học sinh tăng lên được 135 cháu. Và bắt đầu từ năm học 2002-2003, phụ huynh ngày càng tín nhiệm và đua nhau gửi con vào trường. Và đến nay, Trường MN Nhiêu Lộc đã trở thành một “thương hiệu” uy tín trong lòng đông đảo phụ huynh trên địa bàn…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Tôi vẫn thường nói với các giáo viên của mình rằng, giáo viên mầm non là 5 trong 1 – là bạn, là mẹ, là cô giáo, là bác sĩ và nghệ sĩ. Có như vậy mới chăm sóc và giáo dục trẻ được tốt”. |
Bình luận (0)