Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

NGƯT Nguyễn Văn Ngai: Như một cành sen

Tạp Chí Giáo Dục

NGƯT Nguyễn Văn Ngai khi còn là Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu

Rất nhiều người trong ngành GD-ĐT TP.HCM, thậm chí cả những nhà báo viết mảng giáo dục của các báo thành phố và trung ương đóng trên địa bàn TP.HCM mỗi khi nhắc đến thầy Nguyễn Văn Ngai họ luôn nói với tôi: “Người gì mà hiền quá”.
1- Với dáng dấp gầy gầy, cử chỉ và lời nói luôn nhẹ nhàng, từ tốn, thầy Nguyễn Văn Ngai khó lẫn giữa muôn trùng người. Do công việc nên gần 10 năm nay, tôi thường xuyên gặp gỡ thầy chủ yếu để tác nghiệp nhằm “khai thác” thông tin phục vụ bạn đọc và cũng có khi chỉ để tán gẫu. Có người thấy tôi “quần thảo” thầy mọi lúc mọi nơi đã thốt lên: “Anh để cho thầy nghỉ ngơi một chút chứ!”. Thật vậy, tôi đã được “làm việc” với thầy có khi ngay tại bàn ăn ở nhà ăn tập thể Sở GD-ĐT hay trong giờ nghỉ trưa, có khi tối khuya tôi cũng không… tha cho thầy. Và những lần như vậy, tôi luôn đón nhận sự “hợp tác” vô cùng nhiệt tình của thầy mà không một chút nề hà và chưa một lần thầy tỏ ra bực dọc hoặc từ chối. Tôi đã học được phong cách làm việc của thầy. Đồng thời sự từ tốn của thầy đã “hãm” dần sự sôi nổi của tôi, sau mỗi lần gặp. Tôi luôn biết ơn điều đó. Tuy nhiên, điều thường trực luôn hiển hiện ở thầy trong cung cách giải quyết là không bao giờ vượt qua nguyên tắc.
2- Một người bạn học cũ hiện là kỹ sư của Công ty Alcon tại Hoa Kỳ, anh nguyên là giáo viên vật lý Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (Hóc Môn, TP.HCM). Trong lần về Việt Nam ghé thăm tôi anh đã hỏi: “Ông làm ở Báo Giáo Dục có biết thầy Ngai không? Đó là một người rất hiền từ và tốt bụng. Vợ của thầy là cô Cúc còn hiền và thương người hơn nữa. Đó là đôi vợ chồng quá tuyệt. Cả cuộc đời tôi chưa gặp những người nào tốt như anh chị Ngai – Cúc”. Cách đây không lâu, mấy đồng nghiệp ở Báo SGGP, Tuổi Trẻ Thanh Niên nói với tôi bằng sự quý mến và biết ơn: “Cả tháng nay làm khổ thầy Ngai nhiều quá, mới “hành” thầy chuyện thi tốt nghiệp THPT bây giờ lại “hành” tiếp chuyện tuyển sinh lớp 10". Cứ mỗi lần tìm kiếm thông tin từ một số phòng của Sở GD-ĐT mà gặp chút khó khăn, cánh nhà báo luôn cầu viện thầy Ngai và chưa một lần thầy nề hà từ chối, thậm chí còn tích cực tạo điều kiện cho anh chị em báo chí. Thầy đã từng nói với tôi: “Anh em họ hỏi cũng vì công việc. Họ thông tin cho ngành thì phải cảm ơn họ tại sao lại từ chối”. Trong những lần họp phóng viên của báo chúng tôi, hầu hết các anh chị đều dành cho thầy sự thương yêu và trân trọng về những giúp đỡ của thầy. Điều bản thân tôi ghi nhận ở thầy Ngai là sự công bằng. Thầy không phân biệt báo “to” hay báo “nhỏ”, báo “lớn” hoặc báo “bé”. Mọi thông tin thầy đều cung cấp cho các báo, nếu cần. Những khi tôi xin thông tin ở Phòng X. không được, đích thân thầy đến lấy và cho lại. Mỗi lần như vậy, thầy đều nói: “Đừng buồn, anh em họ suy nghĩ chưa sâu thôi”. 
Ở thầy Ngai, tôi cảm nhận rất rõ một con người sống trọn tình trọn nghĩa và điều đó đã chứng minh ở rất nhiều người. Đặc biệt đối với những người đã từng làm việc chung với thầy. Chị Nguyễn Thị Kiều Loan, một học trò cũ và đang là giáo viên bày tỏ: “Trong em, thầy là hình ảnh của sự bình dị mà thân thương”. Còn cô Trần Kim Nguyệt Thu, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu đã bày tỏ cảm nhận của mình sau khi thầy Ngai rời vị trí Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu: “Trong lòng em luôn in đậm hình ảnh người thầy, một người hiệu trưởng đầy nhân cách với một phong cách rất độc đáo, rất riêng. Hợp tan… dẫu biết quy luật của cuộc sống là vậy, thế mà vẫn buồn khi biết thầy đã thật sự chia tay chúng tôi để nhận công tác mới. Nỗi buồn không đủ sức dâng tràn khóe mắt, nó lơ lửng và bàng bạc rồi âm ỉ tựa như cảm giác phải xa một người bạn tri âm, tri kỷ vậy…”.
Trong căn nhà cấp 4 nằm trong con hẻm nhỏ trên con đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình với diện tích chỉ hơn 25m2, đó là nơi ở của gia đình Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, NGƯT Nguyễn Văn Ngai. Căn nhà quá nhỏ là tài sản chắt chiu của vợ chồng thầy. Người trong nhà nếu không chú ý sẽ dễ dàng va quẹt khi di chuyển. Nhưng với thầy thì: “Đó là căn nhà hạnh phúc. Lúc đầu tôi nghĩ rất đơn giản, có chỗ để nghỉ ngơi và trú nắng mưa. Nhưng khi con cái trưởng thành và có gia đình thì nó quá chật. Khi đứa cháu nội biết chập chững đi loanh quanh các ngóc ngách trong nhà, tôi thương quá, nhưng biết làm sao? Thương cháu, tôi đã tận dụng chiếc đi-văng để làm sân chơi cho cháu. Cũng có những đêm trằn trọc, nằm nghĩ miên man thấy có lỗi với con cháu. Nhưng nghĩ lại, dẫu sao mình cũng quá hạnh phúc so với rất nhiều gia đình khác”. Nhiều người đến đây đã không giấu giếm sự ngạc nhiên: đây là nơi ở của một phó giám đốc sở? Và chính tôi cũng đã hơn một lần đến và lòng vẫn còn nặng trĩu. Một phụ huynh cũ biết được, bức xúc quá, vợ chồng ông đã đề nghị bán “trả góp” căn nhà thừa của gia đình mình nằm trên đường Bùi Thị Xuân (Tân Bình) cho gia đình thầy.
Vậy đó, cuộc sống của thầy là như thế. Thanh bạch với mọi người và với cả cuộc đời. Tôi xin được mạn phép ví thầy: như một cành sen.
3- Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo nằm tận cùng thuộc huyện lỵ Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh. Tuổi thơ lớn lên cùng con cá bờ ao, cùng những lần chăn trâu tập trận cờ lau với bè bạn. Cuộc sống của gia đình thầy lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào đám ruộng nhỏ nhoi. Bom đạn đe dọa thường trực nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng khó khăn hơn. Cả làng không có được một ngôi trường, khao khát và mong ước của đấng sinh thành là sẵn sàng chịu mọi vất vả, khổ cực để những đứa con được lớn khôn, được học hành nên người. Những đứa con dù tuổi còn rất nhỏ, cả hai ông bà phải đứt ruột gửi con ở nhờ nhà em ruột của ông ngoại tận Trảng Bàng với niềm hy vọng con cái có chút chữ nghĩa đóng góp với đời. Thầy Ngai cũng vậy, thầy sống xa cha mẹ khi tuổi vừa mới lên 6. Có một lần thầy nói với tôi về con đường vào nghề dạy học: “Cha tôi luôn mong mỏi các con mình sẽ chọn một trong hai ngành để theo học: sư phạm hay y khoa. Tôi thấy nghề dạy học phù hợp với mình nên chọn học ngành sư phạm”. Lời mong ước của người cha như sự thôi thúc, nhắc nhở những người con của mình. Trong 5 người con của ông, có 3 người đã chọn ngành sư phạm, trong đó có thầy Ngai. Năm 1969, tốt nghiệp sư phạm và được bổ nhiệm về giảng dạy ở Hóc Môn. Đến tháng 4-1975, Ủy ban Quân quản phân công thầy làm Trưởng ban điều hành Trường Trung học Nguyễn Hữu Cầu. Tiếp theo là Phó hiệu trưởng và rồi Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu. Năm 1991, thành phố rút về Sở GD-ĐT làm nhiệm vụ Phó bí thư Đảng ủy ngành. Đến năm 1998, thành phố bổ nhiệm chức vụ Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM. Hiện nay, gia đình thầy Ngai có 4 người thì hết 3 người đang công tác trong ngành giáo dục gồm thầy, cô Nguyễn Thị Cúc (vợ thầy) nguyên là giáo viên – Bí thư Chi bộ Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền và người con trai đang là Phó chủ nhiệm Khoa Cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng. Mới đây thôi, ngồi trò chuyện với tôi, thầy nhìn xa xăm và nói: “Nghề dạy học gần như là cái nghiệp gắn kết không riêng bản thân tôi, anh em tôi mà gia đình riêng của tôi nữa. Tôi rất hạnh phúc khi đã đi trọn con đường người cha mong ước, bản thân tôi yêu thích”.
Còn không bao lâu nữa, thầy sẽ về hưu nghỉ ngơi sau 40 năm cống hiến cho ngành giáo dục. Cũng thời điểm gần nghỉ hưu không hiếm người mong tìm một chút gì đó. Nhưng, tôi thấy thầy Nguyễn Văn Ngai vẫn bình thường, vẫn làm việc và làm việc không mệt mỏi dù dáng dấp “mình hạc xương mai”.
T.T.Q

 

Bình luận (0)