Thời tiết oi bức đầu hè những tuần qua đang tạo điều kiện cho một số dịch bệnh truyền nhiễm có cơ hội phát triển. Trong đó đáng chú ý là dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu, thậm chí cả dịch sốt xuất huyết, quai bị. Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 3 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã có tới 7 trường học bị các bệnh truyền nhiễm thủy đậu, quai bị, tay chân miệng tấn công.
Ổ dịch trong trường học
Ghi nhận tại các bệnh viện nhi đồng cho thấy hiện một số dịch bệnh truyền nhiễm đang có dấu hiệu gia tăng trở lại. Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 từ tuần qua đã quá tải với các bệnh viêm não, tay chân miệng, thủy đậu. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa, thì vào dịp đầu hè mỗi năm đều có xu hướng tăng các bệnh về truyền nhiễm. Độ tuổi mắc đều chủ yếu đang đến trường như mẫu giáo, học sinh tiểu học. Trong đó có những trường hợp bị biến chứng nặng. Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM đã cứu sống một trường hợp bị biến chứng tay chân miệng nghiêm trọng. Đó là bé trai N. V. K. E. (16 tháng tuổi, ngụ Chợ Mới, An Giang) nhập viện trong tình trạng hôn mê, khó thở, tím tái, da nổi bông. Tại đây, ghi nhận trẻ sốt cao 400C, hôn mê, mạch không bắt được và đã rơi vào trạng thái nguy kịch. Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng thần kinh, suy hô hấp và suy tuần hoàn. Bé đã được đặt nội khí quản giúp thở, chống sốc bằng test dịch truyền, được đặt catheter tĩnh mạch cảnh trong để đo áp lực tĩnh mạch trung ương (CVP), đo huyết áp động mạch xâm lấn, thuốc vận mạch dobutamine, truyền tĩnh mạch gamaglobuline… Hiện bé đã cải thiện hô hấp tuần hoàn, được cai máy thở.
Chích ngừa vẫn là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu đối với một số bệnh dịch truyền nhiễm.
Trong khi đó, dù không phải cao điểm nhưng dịch sốt xuất huyết cũng khiến nhiều trẻ mắc phải. Hồi giữa tháng 2-2015, một trường hợp mắc sốt xuất huyết ngụ quận Bình Tân đã tử vong sau nhiều ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đây là một trong 2 trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết trên địa bàn TPHCM trong 3 tháng đầu năm.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, không chỉ xuất hiện rải rác mà trong những tuần qua, trên địa bàn TPHCM cũng liên tiếp xuất hiện các chùm ca bệnh truyền nhiễm trong trường học. Đầu tiên là bệnh thủy đậu xuất hiện tại Trường Mầm non chuyên biệt Tuổi Ngọc (quận Bình Thạnh) khiến 7 trẻ và 1 bảo mẫu nhiễm bệnh. Kế đến, thủy đậu tiếp tục tấn công vào Trường Tiểu học Nguyễn Du (quận 12) khiến 10 học sinh mắc phải. Không dừng lại ở đó, chỉ trong hai ngày 12 và 13-3 đã có thêm 2 ổ bệnh thủy đậu được phát hiện tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 1) và Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu (quận Bình Thạnh). Bên cạnh thủy đậu, bệnh tay chân miệng cũng tràn vào hai trường mầm non Sơn Ca và Họa Mi (đều quận 5). Cùng với 2 loại bệnh trên, bệnh quai bị cũng xuất hiện tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận 5) khiến nhiều trẻ nhiễm bệnh…
Chủ động dự phòng nhưng vaccine… cạn kiệt
Theo BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện ngành y tế dự phòng TPHCM đang thực hiện giám sát chặt chẽ đối với các ổ bệnh dịch truyền nhiễm tại các trường học. “Khống chế, xử lý kịp thời để không cho dịch bệnh lây lan, tránh tình trạng phải đóng cửa trường học”, BS Hưng cho biết. Bác sĩ Hưng yêu cầu tuyến y tế dự phòng cơ sở tăng cường giám sát bệnh truyền nhiễm trong trường học; nắm nguyên nhân học sinh nghỉ học, giám sát tình trạng sức khỏe của trẻ bị bệnh tại trường. Trong trường hợp phát hiện ổ bệnh truyền nhiễm tại trường phải nhanh chóng báo cáo đến Trung tâm Y tế dự phòng thành phố để phối hợp với các đơn vị liên quan có giải pháp xử lý dập dịch kịp thời. Với những ổ bệnh đang tồn lưu, cơ sở y tế phải thực hiện giám sát chặt chẽ hàng ngày… Điều đáng nói, dù dịch bệnh có xu hướng gia tăng nhưng vaccine dự phòng thì lại cạn kiệt. Mới đây, Sở Y tế TPHCM đã phải làm việc với các đơn vị cung ứng nhưng dự báo năm 2015 vaccine dịch vụ vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Qua cuộc họp với các công ty sản xuất, cung ứng vaccine như Công ty GlaxoSmithKline, Merck Sharp & Dohme, Sanofi, Zuellig Việt Nam, DKSH Việt Nam, Sang Pharma, Dược Mỹ phẩm May…, cho thấy số lượng vaccine còn lại để cung ứng trong năm 2015 là không đủ so với nhu cầu tiêm chủng của người dân.
Sở Y tế TPHCM cảnh báo tình trạng thiếu vaccine sẽ diễn ra trong năm 2015 và còn kéo dài sang năm 2016. Để phòng ngừa kịp thời, bảo vệ sức khỏe cho trẻ, người dân nên sử dụng vaccine Quinvaxem (5 trong 1) theo chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Trước thực trạng nói trên, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo thời tiết đang tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát tán của các loại vi khuẩn, virus gây bệnh truyền nhiễm. Để tránh nguy cơ mắc bệnh, ngoài việc chủng ngừa đối với các loại bệnh đã có vaccine, cần ăn chín uống sôi, giữ vệ sinh cơ thể, vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thoáng mát, rửa tay thường xuyên bằng xà bông sát khuẩn, khử khuẩn hàng ngày đối với đồ chơi của trẻ và sàn nhà nơi trẻ vui chơi, học tập. Đối với những trường hợp trẻ nghi ngờ mắc bệnh hoặc đã mắc bệnh, phụ huynh cần nhanh chóng đưa các bé đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời; không nên đưa trẻ đang bị bệnh đến trường để tránh nguy cơ lây bệnh cho những trẻ khác; cần thực hiện cách ly và theo dõi liên tục tình trạng sức khỏe của trẻ; chỉ cho trẻ đi học trở lại khi đã có kết luận khỏi bệnh hoàn toàn của bác sĩ.
Tại buổi giao ban y tế dự phòng quận huyện mới đây, BS Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, cho hay ngay sau khi tiếp nhận thông tin về các chùm ca bệnh trên, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã phối hợp với các đơn vị liên quan, thực hiện cách ly học sinh, tổng vệ sinh lớp học, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho thầy cô giáo và phụ huynh học sinh.
TƯỜNG LÂM
(SGGP)
Bình luận (0)