Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy cơ chấn thương mắt ở học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Bác sĩ khám mắt cho học sinh tại Trường THCS Quang Trung, Q.Gò Vấp (ảnh chụp ngày 16-9-2010)

Hai tình huống thường gây chấn thương mắt cho học sinh trong trường học là cố ý và tai nạn. Trong đó, cố ý là do đánh nhau rồi lấy bút, thước, compa đâm vào mắt đối phương. Đôi khi thủ phạm là tai nạn do đồ chơi nguy hiểm hoặc hóa chất trong các phòng thí nghiệm…
Bỏng hóa chất và cách xử trí
Hầu hết các trường THCS, THPT đều có phòng thí nghiệm và trong đó, có nhiều loại hóa chất. Chỉ một sơ suất nhỏ của học sinh, thậm chí là giáo viên cũng có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc. Hóa chất đặc biệt nguy hiểm khi bắn vào mắt, rất dễ gây bỏng mắt…
Bỏng hóa chất là tổn thương của các thành phần nhãn cầu, gây ra bởi chất acid hoặc bazơ. Trong đó bỏng do bazơ gây tổn thương nghiêm trọng hơn bỏng acid vì có khả năng xuyên thấm cao. Trong vòng một phút, bazơ xuyên qua giác mạc vào tiền phòng, gắn với lipid màng tế bào gây vỡ tế bào làm nhuyễn mô. Mức độ gây tổn thương cho mắt tùy thuộc vào độ pH. Các chất bazơ gây bỏng mắt thường gặp là bột giặt (Na2(OH)), KOH, vôi sống (Ca(OH)), chất tẩy, amoniac.
Các tổn thương do bỏng acid ít tiến triển hơn so với bỏng bazơ, thường chỉ khu trú ở vùng tiếp xúc (ngoại trừ bỏng do acid mạnh hoặc acid đậm đặc), vì ít có khả năng xuyên thấm so với các chất bazơ. Các chất acid gây bỏng mắt thường gặp là a.sufuric, a.acetic, dung môi công nghiệp, nước rửa kính…
Khi hóa chất văng vào mắt cần phải xử lý ngay lập tức, thời gian càng kéo dài thì tai nạn càng nặng. Theo đó, khi phát hiện học sinh bị văng hóa chất vào mắt, giáo viên hoặc các học sinh khác lấy nước (nước uống, nước máy) ở nơi gần nhất để rửa mắt. Khi rửa mắt cần chú ý đến tư thế đầu của học sinh nghiêng về phía mắt tổn thương. Sau khi rửa mắt nhiều lần với nhiều nước thì chuyển học sinh đến bệnh viện có chuyên khoa mắt để điều trị tiếp…
Các loại tai nạn mắt thường gặp
Dị vật kết mạc, giác mạc: Triệu chứng – mắt kích thích nhiều, đau, cộm, chảy nước mắt, nhìn mờ và sợ sáng. Cách xử trí tại trường học là rửa sạch mắt bằng nước muối sinh lý. Thử lấy dị vật bằng que tăm bông có thấm nước muối sinh lý, nếu lấy không được thì chuyển ngay đến bệnh viện. Giáo viên, cán bộ y tế trường học cần dặn học sinh không được lấy tay dụi mắt vì như vậy có thể làm cho dị vật cắm sâu vào mắt hoặc trầy giác mạc.
Trầy xước giác mạc: Là mất một phần hoặc toàn bộ biểu mô giác mạc. Triệu chứng – mắt kích thích, đau nhức, sợ ánh sáng và chảy nước mắt. Xử trí bằng cách băng mắt lại và chuyển đến bệnh viện.
Chấn thương xuyên thủng nhãn cầu: Là chấn thương do các vật nhọn hoặc vật tù đâm vào mắt gây thủng mắt. Đặc điểm là phòi tổ chức nội nhãn, dễ bị nhiễm trùng và tổn thương mắt lành. Điều dễ nhận thấy là thị lực giảm rất nhiều. Khi gặp trường hợp này, tuyệt đối không tra hoặc nhỏ vào mắt bất kỳ thuốc gì, cần chuyển đến bệnh viện ngay lập tức.
Chấn thương đụng dập cầu nhãn: Là chấn thương do sức mạnh bên ngoài đẩy nhãn cầu về thành hố mắt, sức mạnh đột ngột đẩy vào nhãn cầu làm cho các tổ chức bên trong mắt bị chèn ép, rung chuyển và vỡ rách.
Nguyên nhân có thể là do học sinh đánh nhau và đập vào mắt đối phương. Bệnh viện Mắt đã cấp cứu rất nhiều trường hợp như thế này.
Bệnh nhân cần được chuyển đến bệnh viện ngay.
BS. Trần Huy Hoàng
(Bệnh viện Mắt TP.HCM)

Để phòng tránh chấn thương mắt trong trường học thì cần giáo dục học sinh ý thức tự bảo vệ, tránh gây nguy hiểm cho mình và cho người khác; cấm chơi các đồ chơi và trò chơi nguy hiểm trong trường học; phòng thí nghiệm phải có nội quy an toàn; giáo viên hướng dẫn phải biết các biện pháp an toàn; cán bộ y tế trường học và giáo viên phải được tập huấn chăm sóc mắt; có đủ dụng cụ bảo hộ khi thực tập, thí nghiệm.

 

Bình luận (0)