Vụ cháy quán karaoke làm 13 người chết, thiêu rụi 4 căn nhà và nhiều tài sản có giá trị ở phố Trần Thái Tông (Hà Nội) vào chiều 1.11, một lần nữa báo động nguy cơ cháy xảy ra tại các quán karaoke, nhà hàng, quán ăn, nhất là cháy từ bảng hiệu.
Trung tá Bùi Quang Việt, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, cho biết theo thống kê của Cục, tính từ đầu năm 2016 đến nay cả nước có 23 vụ cháy cơ sở kinh doanh quán karaoke, gây thiệt hại hơn 9 tỉ đồng, khiến 13 người chết, 2 người bị thương. Riêng tại Hà Nội xảy ra 6 vụ cháy quán karaoke.
“Tử thần” lơ lửng trên đầu
Tại TP.HCM, các quán karaoke trưng bảng hiệu to đùng, nhiều quán trưng bảng hiệu trùm cả mặt tiền. Ở đường Phạm Viết Chánh (Q.1), quán karaoke A. gắn bảng hiệu rất to, chiều cao (chiều đứng) gần 20 m, ngang khoảng 6 m, đặt từ tầng trệt đến tầng thượng của ngôi nhà.
Quán karaoke H.T ở đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận) cũng thiết kế trước mặt tiền bảng hiệu cao gần 20 m, ngang gần 10 m. Tại đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận), các quán karaoke N., M.T. đều được lắp bảng hiệu che mặt tiền. Cách đây không lâu bảng hiệu ở quán karaoke Vip (đường Phan Chu Trinh, Q.Bình Thạnh) cũng từng bị chập điện cháy rụi bảng nhưng may mắn không thiệt hại về người.
Các tuyến phố ở Hà Nội như Nguyễn Khang, Vũ Tông Phan, Trần Thái Tông, Chùa Láng, Trần Đăng Ninh, Thái Hà, Khương Trung… có rất nhiều quán karaoke đồ sộ, san sát nhau. Nhiều quán không đảm bảo về điều kiện PCCC. Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, hiện Hà Nội có khoảng 988 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí karaoke. Qua công tác kiểm tra chỉ có 201 cơ sở đảm bảo về PCCC.
Ngày 2.11, chúng tôi đến quán karaoke X. (ở phố Vũ Tông Phan, Q.Thanh Xuân, Hà Nội), ghi nhận: cầu thang quán chỉ có 1 bình cứu hỏa mini; cầu thang nhỏ hẹp; không gian được tận dụng tối đa để làm phòng hát nên hành lang rất nhỏ. Quán giáp với các hộ dân khác nên không có lối thoát hiểm khác.
Tại một quán karaoke trên phố Chùa Láng thì trang bị các bình cứu hỏa mini rất sơ sài, không có các thiết bị báo cháy cần thiết. Anh N.M.T, nhân viên một quán karaoke trên phố Mai Hắc Đế, thừa nhận toàn bộ quán không có một thiết bị cảnh báo cháy hay bình cứu hỏa nào. “Khái niệm, phản ứng về PCCC của nhân viên phục vụ tại quán là gần như không có gì”, anh T. nói.
Anh Nguyễn Ngọc Cường có hơn 7 năm làm việc tại nhiều quán karaoke ở Hà Nội và Nam Định (hiện đang quản lý một quán karaoke ở phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) tiết lộ: “Các quán karaoke thường không chú trọng về hệ thống báo cháy. Chủ nào cẩn thận lắm thì có trang bị mỗi tầng vài bình cứu hỏa. Trong khi đó, khách đến hát thường hay hút thuốc, có hơi men, chỉ cần sơ ý vứt tàn thuốc ra thảm, ghế sofa là có nguy cơ gây cháy”.
Cháy là khó thoát
Nhiều quán karaoke ở Hà Nội được chuyển đổi từ nhà ở, văn phòng sang quán karaoke. Với nhà ở chỉ có một thang bộ, khi chuyển sang quán karaoke đều không đảm bảo phải có ít nhất hai lối thoát nạn. Thậm chí có chủ cơ sở còn bịt lối thông khẩn cấp lên sân thượng để cơi nới thêm phòng sử dụng. KTS Nguyễn Đức Hùng nhận xét: “Quán karaoke thường chỉ có một lối lên xuống phải qua sảnh tầng 1 chứ ít quán có lối thoát hiểm khác. Do vậy, chỉ cần lửa bốc lên ở tầng 1, bắt qua thảm trải nền, thảm trải cầu thang cháy lan lên, hun khói lên các tầng trên mà không ngăn chặn kịp thì nguy cơ rất lớn”.
Theo trung tá Bùi Quang Việt – Phó cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đặc điểm của các quán karaoke rất kín để tránh tiếng ồn, điều kiện thông gió gần như không có nên khi xảy ra cháy sẽ gây ra hiện tượng tụ khói, khí độc và người trong quán nếu không chạy ra kịp thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng, gây khó khăn cho việc chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Quán karaoke thường sử dụng các vật liệu trang trí nội thất, cách âm dễ cháy như mút, xốp, cao su, phông rèm… nên khi xảy ra hỏa hoạn, tốc độ ngọn lửa phát cháy và lan rất nhanh.
Theo đại tá Lê Tấn Bửu – Giám đốc Cảnh sát PCCC TP.HCM, nhiều quán karaoke hiện nay là nhà dạng ống, chỉ có 1 cửa ra vào và cũng là lối thoát hiểm. Bên trong các phòng karaoke được cách âm nên khách vào đó sẽ không hay biết gì nếu có cháy xảy ra bên ngoài. Khi cháy, bảng hiệu rớt xuống trúng xe máy đang dựng phía dưới gây cháy lớn chắn hết lối thoát hiểm và người bên trong không thoát ra ngoài được.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 2.11 về vụ cháy, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định đây là một sự cố hết sức nghiêm trọng. "Lãnh đạo thành phố rất đau xót về vụ việc, tôi xin chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân. Cho đến thời điểm này, họ đã được gia đình đón về. Thành phố đã tới thăm hỏi, hỗ trợ", ông Hải nói.
Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác PCCC
Hôm qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có công điện về tăng cường công tác PCCC. Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, rà soát các cơ sở có nguy cơ cháy cao, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng cần xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm công điện, thường xuyên báo cáo kết quả lên Thủ tướng.
Nguyên An
|
Khởi tố vụ án
Ngày 2.11, Cơ quan CSĐT Công an TP.Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án cháy quán karaoke trên phố Trần Thái Tông để điều tra về hành vi vi phạm quy định về PCCC. Cùng ngày, Công an TP.Hà Nội tiếp tục khám nghiệm hiện trường vụ cháy. Những người liên quan may mắn thoát khỏi vụ cháy quán karaoke cũng được công an mời tới trụ sở để xác minh thông tin, phục vụ công tác điều tra.
Ông Dương Cao Thanh, Chủ tịch UBND Q.Cầu Giấy, cho biết quán karaoke 68 Trần Thái Tông chưa có đầy đủ các giấy phép về PCCC, chưa có giấy phép về kinh doanh karaoke… Tháng 10.2016, lực lượng chức năng của Q.Cầu Giấy đã 3 lần kiểm tra quán karaoke này. Chủ cơ sở này đã có bản cam kết chỉ hoạt động khi có đủ các giấy tờ theo quy định. Lần gần nhất, ngày 25.10, Công an P.Dịch Vọng Hậu kiểm tra, yêu cầu chủ quán ngừng kinh doanh dịch vụ karaoke vì chưa có đủ giấy phép.
|
Thanh Niên
Bình luận (0)