Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ khan hiếm thịt heo vào cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Lãi suất vay vốn cao, dịch bệnh liên tiếp, giá thức ăn chăn nuôi tăng… nên người chăn nuôi giảm đàn heo.
Nhiều người chỉ đích danh giá thịt heo tăng vùn vụt như thời gian qua là do người nuôi đã ngán chăn nuôi do một thời gian dài phải “chết dần, chết mòn” vì thua lỗ. Nếu Nhà nước không có biện pháp khắc phục, khả năng thiếu thịt heo vào dịp cuối năm, lễ, tết là điều xảy ra.
Lãi suất cao, dịch bệnh…
Ông Nguyễn Trí Công, Giám đốc Công ty Chăn nuôi Công Trí (Đồng Nai), người từng được Nhà nước phong tặng Anh hùng lao động do có nhiều thành tích trong chăn nuôi heo, cho biết chỉ trong năm qua ông đã thua lỗ 7-8 tỉ đồng do chăn nuôi heo. Từ một trang trại có quy mô đàn tới 15.000 con heo thì có thời điểm ông Công đã phải giảm đàn xuống còn 1.000 con.
Trước đây, trang trại của ông Công được coi là điển hình nuôi heo áp dụng khoa học kỹ thuật. Phần lớn các công đoạn như chăn nuôi, pha chế thức ăn, xác định bệnh lý… của heo đều được chạy và theo dõi qua máy vi tính.
Tuy nhiên, trong năm 2010, việc bùng phát cơn dịch long móng đã khiến trại heo của ông Công giảm đàn thê thảm. Tiên đoán được khả năng giá sẽ tăng sau dịch nhưng một “cơn dịch” nữa tràn đến là khó vay vốn, lãi suất quá cao… khiến những người chăn nuôi heo như ông Công nản lòng.
Để chăn nuôi heo phát triển, cần có chính sách hỗ trợ vốn, lãi suất cũng như kiểm soát vấn đề dịch bệnh.
Lãi suất cao, dịch bệnh liên tiếp và giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến người chăn nuôi sống dở chết dở với đàn heo. Có thời điểm tại Đồng Nai, theo tính toán của các chủ trang trại thì số lượng heo phải giảm đàn đạt con số 70% so với trước.
Khát vốn
Trước tình hình giá thực phẩm, đặc biệt là thịt heo tăng chóng mặt, những ngày qua Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng một số địa phương. Thông tin từ Cục Chăn nuôi cho hay giá thịt heo đã tăng 70%-100% và chắc chắn giá thịt từ nay đến cuối năm không thể hạ xuống được.
Ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chỉ ra giá thịt heo tăng là do cung không đáp ứng đủ cầu, sản xuất không đáp ứng được thị trường. Do dịch bệnh từ cuối năm 2010 kéo sang đầu năm 2011 khiến tổng đàn giảm 3,7% và đặc biệt đàn heo nái giảm đến 8,6%. Ngoài ra, lãi suất ngân hàng quá cao nên trang trại lớn không chịu nổi, còn trang trại nhỏ và người chăn nuôi nhỏ lẻ không dám vay hoặc không thể vay được vốn ngân hàng vì chăn nuôi cũng là ngành đầu tư có nhiều rủi ro. Giá tăng cũng do tư thương nhân dịp thổi phồng, đẩy giá bán lên.
Tuy nhiên, ông N., một chủ trang trại nuôi heo ở Đồng Nai, cho hay điều đáng lo ngại là dù thời gian qua giá thịt heo tăng trên 60.000 đồng/kg nhưng nhiều người nuôi do còn ám ảnh bởi dịch bệnh, lãi suất… e ngại khi tính đến việc tăng đàn. Còn doanh nghiệp nhập khẩu cũng hạn chế nhập vì hiện giá heo thế giới cũng tăng cao, nhập về không có lời.
Trước tình hình trên, Cục Chăn nuôi và doanh nghiệp chăn nuôi kiến nghị Chính phủ nên có chính sách ưu tiên riêng biệt cho chăn nuôi để ngành này phát triển. Cụ thể, phải có chính sách bình ổn giá cho riêng chăn nuôi trong một thời gian nhất định. Chính phủ chỉ đạo để các ngân hàng có lãi suất, cơ chế vay hợp lý, đồng thời giãn nợ, khoanh nợ để phát triển chăn nuôi.
Ông Nguyễn Trí Công cho hay nếu được vay 50 tỉ đồng với lãi suất thấp, ông Công cam đoan sẽ nâng tổng đàn heo lên 20.000-30.000 con và mỗi tháng cung cấp 500-600 con với giá mềm, góp phần bình ổn thị trường. “Chúng tôi không xin tiền mà chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất, để vừa có lợi cho người nuôi lẫn người tiêu dùng” – ông Công khẳng định.
Người nuôi không còn tự tin
Ngoài chính sách, chiến lược, cơ sở hạ tầng, giống, dịch bệnh… dành cho chăn nuôi còn yếu thì việc hằng ngày có một lượng thịt heo dù chưa nhiều được xuất qua Trung Quốc, cũng là hiệu ứng tâm lý khiến giá thịt heo tăng cao. Chưa kể phần lớn thị trường thức ăn chăn nuôi hiện rơi vào các công ty liên doanh nước ngoài.
Có thể nói những cơn dịch bệnh đã khiến người chăn nuôi bị ám ảnh và gần như mất hết tự tin khi đầu tư vào chăn nuôi. Lợi nhuận trong chăn nuôi đang rất cao nhưng chỉ cần trải qua một cơn dịch bệnh là mất hết. Do đó Nhà nước cần phải xây dựng cơ chế, chính sách bảo hiểm, hạ tầng, con giống, ngăn ngừa dịch bệnh để người chăn nuôi yên tâm tái đầu tư.
Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng Giám đốc Công ty Vissan
Theo TRUNG HIẾU
Pháp Luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)