Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy cơ lây nhiễm dịch từ… tiền bẩn

Tạp Chí Giáo Dục

Trong thời kỳ mà dịch bệnh Covid-19 đã, đang tràn lan tại Trung Quốc cũng như nhiều nước trên thế giới như hiện nay, quả đúng là ai cũng cảm thấy lo ngại bị lây nhiễm loại dịch nguy hiểm này. Tại nước ta, dẫu mọi người đều hạn chế xuất hiện tại nơi công cộng đông đúc; đi ra đường đeo khẩu trang; rửa tay sát khuẩn hàng ngày… để ngăn ngừa dịch bùng phát rộng trong cộng đồng, thế nhưng nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn tiềm ẩn từ nhiều khía cạnh ít ai ngờ tới. Có một “vấn đề” trong cuộc sống hàng ngày, với nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 nói riêng, cũng như nhiều loại dịch bệnh khác nói chung rất cao, đó là: những tờ tiền bẩn!

Tiền bẩn mà chúng tôi muốn nói ở đây không phải là những đồng tiền bẩn được các tổ chức cá nhân làm ăn phi pháp, mờ ám thu được mang đi… “rửa”, mà nó là những tờ tiền bẩn đúng nghĩa thông qua việc lưu hành trên thị trường, qua tay nhiều người sử dụng để rồi nó bị dơ bẩn, nhiễm đầy vi khuẩn, vi trùng…! Nếu ai đã từng đi chợ mua sắm hàng hóa, nhất là ở những khu chợ truyền thống họp theo kiểu chợ quê dân dã, và nhìn đồng tiền được trao đổi qua tay nhiều người, chắc đều cảm thấy “ớn lạnh” vì tiền quá dơ bẩn, nếu không muốn nói chính những tờ tiền ấy là nơi ẩn chứa sinh sôi của cả ổ vi trùng, vi khuẩn. Ở những gian, quầy hàng bán đồ khô, quần áo, đồ gia dụng… tiền giấy đỡ bẩn đôi chút khi mà mọi người sau khi mua bán đều trao tiền cho nhau với bàn tay sạch, khô ráo…; Còn ở những gian hàng bán thịt, rau, nhất là cá, thủy hải sản…, thì thôi rồi, những đồng tiền nhớp nháp, ướt và bẩn vô cùng. Tôi từng không ít lần mua cá ở chợ, và khi người bán cá mổ, xắt cá và bỏ vào túi nilon đưa cho tôi, tôi rút tiền đưa trả cho họ, thay vì rửa tay cho sạch, dùng khăn lau khô tay rồi mới cầm tiền, sau đó thối trả lại cho tôi (nếu tôi đưa tiền chẵn), thì người chủ bán cá vẫn tay ướt nhẹp, thậm chí còn dính cả máu của cá, cầm tiền tôi đưa bỏ vào chiếc rổ, nhặt tiền thối lại cho tôi… Với ai mua hàng cũng vậy, người bán cá đều “thao tác” qua lại với những tờ tiền y hệt như nhau, và tôi dám chắc rằng, những tờ tiền của hết thảy những người bán cá có thể xem là dơ bẩn hàng đầu!

Rồi ở các quầy bán thịt heo, trâu, bò…, dẫu tiền trao đổi qua lại không bẩn như ở hàng cá, nhưng nó cũng khiến không ít người “khiếp vía” vì cái cách mà người bán đối xử với các tờ tiền. Có lần, khi mua thịt heo tôi trông thấy bà chủ sạp đặt cả xấp tiền lên trên mấy miếng thịt lớn còn rớm máu đỏ. Khi chặt xương, thái thịt cho khách xong, bà ta vội nhặt vài tờ trong xấp tiền đó để thối lại cho khách. Vì là chỗ mua quen, tôi nhắc chị để tiền như vậy rất bẩn, chị ta cười, bảo: “Ôi có sao đâu em, tiền có bẩn, có ướt, dính tiết heo rồi vào túi, qua tay nhiều người cũng sạch hết à…!”. Tôi thừa biết chị ta nói vậy là chống chế theo kiểu… cùn, chứ nếu ai cũng sử dụng và để các tờ tiền bẩn như vậy thì quả là nguy hiểm, bởi như đã nói đồng tiền bẩn, vi khuẩn, vi trùng dính đầy ở đó, và chúng sinh sôi nảy nở sẽ lây lan dịch bệnh cho nhiều người trong cộng đồng. Thực tế thì chúng ta thấy chẳng ai lại đi “giặt, rửa” tiền, vì thế những tờ tiền bẩn ấy chỉ có thể được “sạch” bớt đi khi nó qua tay, vào túi nhiều người do cọ xát; rồi sau đó lại bẩn tiếp khi nó được lưu thông trên thị trường mua bán trao đổi…

Trong cuộc sống hàng ngày tôi còn thấy có một bộ phận nhỏ những người (chủ yếu là phụ nữ), khi họ đếm tiền với kiểu rất… kỳ cục, đó là họ dùng ngón tay để vạch đếm tiền, thi thoảng đưa ngón tay vào miệng để lấy nước miếng cho ướt đầu ngón tay để việc đếm tiền dễ dàng hơn, các tờ tiền không bị dính vào nhau. Kiểu đếm tiền như thế cũng không chỉ làm bẩn tiền, mà còn làm mất vệ sinh, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao cho chính bản thân người đếm, khi vi khuẩn vi trùng dính từ tiền có thể theo vào đường miệng, ảnh hưởng tới sức khỏe, mà dễ nhận thấy nhất là đường hô hấp.

Từ thực trạng trên, để cho những đồng tiền lưu thông trao đổi trên thị trường được sạch sẽ, bớt bẩn nhất có thể, thiết nghĩ mọi người dân nên và cần có ý thức, trách nhiệm hơn nữa trong việc sử dụng tiền. Việc giữ tiền luôn sạch sẽ cũng là ngăn ngừa, phòng chống dịch bệnh có thể lây lan, bùng phát ra cộng đồng…

Thch Bích Ngc (ĐH Quc gia TP.HCM)

 

Bình luận (0)