Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao do ăn quá nhiều muối

Tạp Chí Giáo Dục

Thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày…. là 1 trong các nhóm yếu tố nguy cơ mắc ung thư dạ dày.

Các bác sĩ đang nội soi dạ dày cho bệnh nhân

Các bác sĩ đang nội soi dạ dày cho bệnh nhân

BV Đại học Y dược TPHCM vừa tiếp nhận bệnh nhân là ông N.T.T (54 tuổi, ngụ Quảng Ngãi) có thói quen ăn mặn và tiền sử viêm loét dạ dày nhiều năm. Cách đây 2 tháng, ông T. bắt đầu đau bụng vùng thượng vị dai dẳng không dứt. Nghĩ rằng do viêm loét dạ dày tái phát nên người bệnh tự ý mua thuốc về uống, nhưng không hết đau và đã đến thăm khám.

Tại đây, người bệnh được nội soi dạ dày và phát hiện khối u lớn ở 1/3 giữa dạ dày. Xác định người bệnh bị ung thư dạ dày giai đoạn 3 nhưng chưa di căn, các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi cắt gần toàn bộ dạ dày, trừ tâm vị và đáy vị.

Sau phẫu thuật 3 ngày, ông T. đã có thể ăn uống và sinh hoạt bình thường. Người bệnh tiếp tục được theo dõi và hóa trị để ngăn ngừa những tế bào ung thư còn tiềm ẩn.

Theo các bác sĩ BV Đại học Y Dược TPHCM, Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư đường tiêu hóa thường gặp ở Việt Nam. Không ít trường hợp đến điều trị khi người bệnh đã xuất hiện các biến chứng của ung thư như chảy máu dạ dày, hẹp dạ dày, thủng dạ dày bắt buộc phải mổ cấp cứu, có thể tế bào ung thư đã di căn đến phổi, phúc mạc, gan, xương…

Đối với ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, người bệnh thường không có triệu chứng rõ rệt, đôi khi chỉ cảm thấy đầy bụng, ăn khó tiêu, đau bụng âm ỉ vùng thượng vị… Khi người bệnh xuất hiện những triệu chứng rõ ràng hơn như ói ra máu, đau bụng kéo dài, đi tiêu phân đen, sờ thấy khối u trong ổ bụng… thì ung thư dạ dày đã bước vào giai đoạn tiến triển.

Bệnh ung thư dạ dày chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nhưng có 4 nhóm yếu tố nguy cơ bao gồm:

– Tiền sử gia đình có người bị ung thư dạ dày

– Tiền sử bản thân mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa nói chung và dạ dày nói riêng như viêm loét dạ dày, đa polyp dạ dày…

– Thường xuyên ăn các thực phẩm nhiều muối, đồ nướng, hun khói hoặc các thực phẩm được lên men, ủ lâu ngày….

– Thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, nhiễm khuẩn Helicobater pylori…

 

THÀNH AN/ SGGP

 
 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)