Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Nguy cơ mất cân bằng giới tính

Tạp Chí Giáo Dục

Với tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của người dân, số trẻ em nam ngày càng nhiều hơn so với số trẻ em nữ (ảnh minh họa).

Sự chênh lệch giới tính hiện nay trên địa bàn TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung khá cao. Trung bình 11, thậm chí là 12 trẻ sơ sinh nam mới có 10 trẻ sơ sinh nữ.
Sinh con trai bằng mọi giá
Tuần vừa rồi đưa vợ đi siêu âm, anh Hùng (P.7, Q.Phú Nhuận) như trút được gánh nặng ngàn cân khi BS cho biết thai nhi là bé trai. Đối với dòng họ, anh Hùng là cháu đích tôn, còn đối với ba mẹ thì anh là đứa con trai duy nhất. Bởi vậy, trách nhiệm của anh là phải sinh được một đứa con trai. Khổ nỗi, sau 2 lần sinh, chị Mai Anh (vợ anh) sinh toàn con gái.
Bởi vậy, ai chia sẻ bí quyết sinh con trai, vợ chồng anh Hùng đều nghe và làm theo. Trong vấn đề ăn uống, mặc dù không thích ăn ngọt và thích thực phẩm lên men nhưng vì muốn có con trai, anh Hùng phải đảo lộn khẩu vị. Tích cực ăn ngọt và cự tuyệt thực phẩm lên men. Còn chị Mai Anh vốn ăn nhạt cũng phải cố mà ăn mặn trong thời gian 3 tháng trước khi thụ thai. Trong chuyện chăn gối, vợ chồng anh Hùng cũng tính toán rất kỹ… Cuối cùng vợ chồng anh cũng đạt ước nguyện.
Cũng như vợ chồng anh Hùng, vợ chồng chị Thu Hằng (P.2, Q.11) có hai con gái và áp lực phải sinh con trai luôn đè nặng lên vợ chồng chị. Hơn một năm trước, vợ chồng chị Thu Hằng đã làm theo sách để sinh con trai nhưng khi thai nhi được khoảng 4 tháng đi siêu âm thì phát hiện ra “công chúa” tiếp. “Dù rất đau lòng nhưng chúng tôi cũng đành phải bỏ đứa bé”, chị Thu Hằng cho biết.
Và lần mang thai này, để chắc chắn là sinh được con trai, vợ chồng chị Thu Hằng đã phải nhờ đến sự can thiệp của dịch vụ y tế. Đó là lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y. “Hy vọng vợ chồng tôi sẽ được toại nguyện có một cậu con trai. Nếu lại là con gái thì tôi không biết “đối mặt” với ba mẹ chồng như thế nào”, chị Thu Hằng chua xót.
Hậu quả khôn lường
Có thể nói, chuyện của vợ chồng anh Hùng và vợ chồng chị Thu Hằng không phải là hiếm. Mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là sự hiểu biết thiên lệch về giá trị của con trai và con gái ở một bộ phận không nhỏ người dân. Với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, nhiều người cho rằng chỉ có con trai mới nối dõi tông đường, mới nuôi dưỡng cha mẹ lúc về già. Nhưng thực tế hiện nay cho thấy, nếu con gái được chăm sóc giáo dục tốt, học hành đầy đủ thì sẽ có hiếu với cha mẹ không kém gì con trai, thậm chí còn hơn cả con trai.
Nói về hậu quả của việc mất cân bằng giới tính, ThS. Tô Thị Kim Hoa – Chi cục trưởng Chi cục Dân số TP.HCM – cho rằng: “Cố để có con trai, nghĩa là người phụ nữ phải sinh đẻ nhiều lần, dẫn đến sức khỏe bị suy giảm. Ngoài ra, mỗi lần sinh đẻ có thể gây ra những rủi ro khó lường đối với sức khỏe của cả mẹ và con. Việc nạo phá thai để lựa chọn giới tính sẽ gây ra những lo lắng, sợ hãi đối với người phụ nữ. Không chỉ vậy, nạo phá thai có thể gây ra các tai biến như băng huyết, tổn thương cổ tử cung, nhiễm trùng, sót nhau và có thể dẫn đến vô sinh. Về lâu dài, việc mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tình trạng số nam nhiều hơn đáng kể so với số nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Nếu trong những năm tới, mỗi năm số trẻ em trai được sinh ra còn sống từ 110 trở lên trên 100 trẻ em gái được sinh ra còn sống thì 20 năm sau, số lượng nam giới so với nữ giới ở độ tuổi trưởng thành sẽ dư thừa rất lớn. Nghĩa là có rất nhiều nam giới có thể không lấy được vợ hoặc rất khó khăn trong việc tìm vợ. Điều này sẽ gây ra những tác động xấu đối với gia đình và xã hội…”.
Bài, ảnh: Kim Anh

Bình luận (0)