Y tế - Văn hóaThư giãn

Nguy cơ mất dấu tích Sài Gòn xưa

Tạp Chí Giáo Dục

Các dấu tích thủy chiến, cảng, xưởng đóng thuyền thuộc khu vực Bến Nghé xưa có nguy cơ bị xóa sổ khi thi công dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM.

PGS-TS Bùi Chí Hoàng đến khảo sát ghi nhận hiện trường – Ảnh: L.C.T 
Dấu xưa bị tàn phá
Dự án Khu đô thị mới (KĐTM) Thủ Thiêm do UBND TP.HCM làm chủ đầu tư, khởi động từ năm 2013. Trong số hàng trăm hạng mục của dự án, có một số hạng mục thuộc hạ tầng cơ sở là hệ thống giao thông trong KĐTM. Ngày 15.2.2014, dự án khởi công xây dựng bốn tuyến đường chính ở đây với tổng chiều dài 11,9 km. Đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư – xây dựng KĐTM Thủ Thiêm, nhà đầu tư là Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đại Quang Minh, thời gian dự kiến hoàn thành vào tháng 2.2017.
Theo luật Di sản văn hóa, về việc cần tiến hành điều tra khảo sát về khảo cổ học trên bề mặt đối
Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng thì chúng ta chỉ còn tìm thấy cảng Bến Nghé nổi tiếng năm xưa qua sách vở và trí tưởng tượng
với các dự án xây dựng, quy định cụ thể tại điều 37, mục 3: “Trong quá trình cải tạo, xây dựng công trình mà thấy có khả năng có di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia hoặc phát hiện được di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thì chủ dự án phải tạm ngưng thi công và thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa, thể thao và du lịch”. Tuy nhiên, khi bắt tay làm các tuyến đường trong KĐTM Thủ Thiêm, đại diện chủ đầu tư và nhà thầu đã không thực thi những quy định trên.
Có mặt tại hiện trường thi công, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng hết sức chua xót trước việc những dấu tích xưa của dân tộc bị tàn phá. Những chiếc máy xúc, máy ủi của đơn vị thi công ở khu vực phía bắc và nam bến phà Thủ Thiêm cũ thuộc địa phận P.An Khánh, Q.2 đã xúc lên khỏi mặt đất hàng loạt các dấu tích có thể liên quan đến hệ thống xưởng đóng tàu thời Nguyễn và Pháp thuộc, hệ thống nhà kho, các phế tích kiến trúc liên quan đến cảng xưa Bến Nghé cùng hoạt động sinh sống và kiến trúc nhà ở dân gian của cư dân xóm Tàu Ô năm xưa.
Hàng trăm các loại hình cọc gỗ, mảnh thuyền, trong đó đáng chú ý là hệ thống cọc gỗ có chiều dài 3 – 4 m, đường kính thân khoảng 40 – 50 cm được vót đầu nhọn mang dáng dấp của những cọc gỗ chiến trận Bạch Đằng hiện đang trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử – TP.HCM. Đây có thể là những cọc gỗ được sử dụng trong các trận thủy chiến thời chúa Nguyễn đánh Chân Lạp và là chiến trận của Tây Sơn đánh nhau với Nguyễn Ánh – Gia Long. Hay những thân cây gỗ đường kính 50 cm, dài 5 – 6 m, trên một đầu có lỗ mộng đục hình chữ nhật như những cây cột cái của kiến trúc cổ, có dấu tích của những căn nhà cổ dọc bến sông, cùng với đó là nhiều dãy cọc gỗ đóng gia cố hệ thống bến xưa của Bến Nghé có cấu tạo theo hàng dọc chạy dài hàng chục mét cũng đã phát lộ.
Hàng trăm mảnh gốm sứ có niên đại từ đầu Công nguyên cho đến những năm gần đây, có nguồn gốc từ nhiều nền văn hóa cổ như Đại Việt, Trung Hoa, Pháp, Khmer… nằm rải rác trên các đống đất được xúc lên, hay trong các hố đào rà kim loại của những người ve chai, hàng ngàn viên gạch mang nhiều kiểu dáng cổ xưa và cả của thời cận đại xuất xứ từ phương Tây trên có in chữ đã bị phá hủy.
Nhiều khả năng những dấu tích xưa nhất của Sài Gòn 300 năm – tiêu biểu là thương cảng Bến Nghé đôi bờ xưa với xóm Tàu Ô, hệ thống kho bãi, bến đậu, phố xá… còn lưu lại trong bản vẽ thành Gia Định năm 1815 của Giám thành Trần Văn Học và các bản vẽ về cảng Bến Nghé – Sài Gòn của người Pháp sau này, đó là chưa kể tới dấu tích của hệ thống thủy chiến trên sông Sài Gòn của nhiều trận giao tranh giữa Đại Việt và Chân Lạp, Tây Sơn và chúa Nguyễn, nhà Nguyễn và liên minh Pháp – Tây Ban Nha… có nguy cơ bị xóa sổ.
Rất khó để cứu vãn
Khi báo cáo tình hình với Ban lãnh đạo Bảo tàng Lịch sử VN – TP.HCM và Sở VH-TT-DL TP.HCM, ngay trong sáng 25.3, đoàn công tác của Sở do bà Vũ Kim Anh – Phó giám đốc phụ trách khối di sản dẫn đầu cùng các cán bộ nghiên cứu của bảo tàng, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa TP.HCM đã xuống hiện trường để xác minh và kiểm tra thực trạng, thu một số hiện vật liên quan đến dấu tích xưa. Từ thực tế hiện trường, bà Vũ Kim Anh đã chỉ đạo một số đơn vị của Sở tiến hành ngay các hoạt động khẩn cấp để tìm ra giải pháp hy vọng cứu vãn di sản. Tuy nhiên, trước quy mô quá lớn của dấu tích xưa phát lộ và bị hủy hoại dẫn tới khó nhận diện được các cấu trúc nguyên thủy, đoàn đã thảo luận là khẩn cấp mời một số nhà khoa học có uy tín trong lĩnh vực di sản đến khảo sát đồng thời cho ý kiến để Sở làm văn bản trình lên UBND TP.HCM xin ý kiến chỉ đạo.
Hàng trăm mảnh gốm sứ phát lộ phản ánh những dấu tích khảo cổ học quan trọng về cảng Bến Nghé xưa
Hàng trăm mảnh gốm sứ phát lộ phản ánh những dấu tích khảo cổ học quan trọng về cảng Bến Nghé xưa 
Chiều cùng ngày, PGS-TS Bùi Chí Hoàng – Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Phó viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN – TP.HCM cùng với cán bộ Phòng Nghiên cứu sưu tầm của bảo tàng đã xuống hiện trường kiểm chứng một lần nữa.
Các nhà khoa học cùng nhận định, đây là những dấu tích quý giá để nghiên cứu về cảng Bến Nghé, về những xưởng đóng tàu, về những phố – xóm dân Tàu Ô xưa và cả lịch sử vùng đất Thủ Thiêm – Sài Gòn từ thời khai mở đến những giai đoạn sau này với nhiều mốc son lịch sử… Với quy mô quá lớn như thế này, nhiều chỗ đã không còn giữ được những yếu tố gốc, chỉ có dừng thi công để khai quật khẩn cấp quy mô lớn mới giải mã được các vấn đề. Nhưng với diện tích hàng ngàn mét vuông như thế thì vấn đề kinh phí thật nan giải, chưa kể thời gian khai quật sẽ ảnh hưởng đến công việc xây dựng.
PGS-TS Bùi Chí Hoàng bày tỏ: “Giờ có lẽ rất khó để cứu vãn được di chỉ rồi, công việc chúng ta làm cần kíp lúc này là đề xuất với Sở VH-TT-DL chỉ đạo cơ quan chức năng cử cán bộ xuống hiện trường thu lượm các dấu tích bị cày xới, kết hợp với chụp hình thật kỹ để sau này chúng ta phục dựng lại quá khứ của nơi đây. Trước đây tôi đã từng đề xuất với Sở VH-TT-DL TP.HCM nên có quy hoạch khảo cổ vì nếu không có, khi làm những công trình như thế này dễ phá hỏng các dấu tích xưa quý mà đây là trường hợp điển hình. Sở cũng đã đề nghị tôi lập quy hoạch tổng thể về khảo cổ học cho TP theo chủ trương của Bộ VH-TT-DL, tôi đã hoàn thành và chờ TP phê duyệt nhưng đến nay vẫn chưa xong. Nếu được phê duyệt theo quy hoạch thì trước khi xây dựng những công trình công cộng phải tham khảo ý kiến của những nhà khoa học. Ở Nhật Bản khi muốn xây một cao ốc thôi cũng phải khảo sát cẩn thận, tuân theo bản đồ quy hoạch đã lập. Tại TP.HCM, khi xây dựng những công trình lớn, cần báo cho cơ quan chuyên môn biết, khảo sát trước hoặc song song tiến hành để tránh tình trạng đáng tiếc như vừa xảy ra. Có như thế mới may ra giữ gìn được cho thế hệ mai sau lịch sử về vùng đất, các hoạt động của đôi bờ Bến Nghé xưa”.
Nếu không có sự can thiệp kịp thời của các cơ quan chức năng thì chúng ta chỉ còn tìm thấy cảng Bến Nghé nổi tiếng năm xưa qua sách vở và trí tưởng tượng.
Năm 1990, trong việc thực hiện mở rộng đường Tôn Đức Thắng khu vực bến Bạch Đằng, TP.HCM, một loạt các di tích khảo cổ đã bị xóa sổ. Một số nhà nghiên cứu chỉ đến đấy để thu lượm những mảnh vỡ của quá khứ mà ngậm ngùi vì điều kiện kinh phí và đặc biệt là chưa có luật Di sản Văn hóa để làm căn cứ pháp lý.
Theo TNO

 

Bình luận (0)