Các thai phụ phải thường xuyên đi khám thai để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra |
Theo BS. Lê Thị Thu Hà, Trưởng khoa Khám bệnh – Bệnh viện Từ Dũ, trung bình 5 thai phụ thì có 1 người bị sẩy thai (ST). Hầu hết các trường hợp ST xảy ra trong vòng 12 tuần lễ đầu. Và hậu quả của việc ST nhiều lần có thể dẫn đến vô sinh…
Ba lần mang bầu vẫn chưa được làm mẹ
Đó là chị Lê Thị Bình (SN 1980), Q.Thủ Đức, TP.HCM. Cuối năm 2007, chị Bình kết hôn. Đầu năm 2008, chị mang thai, và theo chồng lên Đà Lạt trồng hoa. Trong khoảng thời gian này, chị đã vô tình tiếp xúc với thuốc trừ sâu mỗi ngày mà không hề nghĩ rằng đó là nguy cơ đe dọa sức khỏe của thai nhi. Khi thai nhi bước sang tháng thứ tư, bụng bắt đầu to, chị nghỉ việc và về TP.HCM dưỡng thai. Gia đình chỉ cho chị làm những việc nhẹ nhàng, chủ yếu là nội trợ. Rồi một hôm, sau khi dắt chiếc xe máy từ trong nhà ra ngoài sân, chị thấy đau bụng. Vào nhà vệ sinh kiểm tra thì phát hiện chảy máu. Khi tới Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức khám, các BS cho biết chị đã bị ST.
Đầu năm 2009, chị có thai lần 2. Rút kinh nghiệm lần đầu, chị rất cẩn thận – không làm việc nặng, không tiếp xúc với hóa chất. Hàng ngày chị nhận hàng gia công về may. Cũng như lần trước, khi thai nhi bước sang tháng thứ tư thì bị sẩy. Sau lần đó, chị đã đi khám rất nhiều nơi, uống đủ thứ thuốc từ tây y cho đến đông y chỉ với mong muốn khi có thai sẽ không bị sẩy nữa. Hơn một năm sau, giữa năm 2010, chị may mắn có thai lại. Nhưng cũng không qua nổi tháng thứ tư, cái thai lại bị hư. Và đến nay, hai năm trôi qua, dù vợ chồng chị đã sinh hoạt theo hướng dẫn của BS nhưng vẫn không có thai.
May mắn hơn chị Bình, chị Lương Thu Hương (SN 1977), Q.9, TP.HCM, sau ba lần mang thai, cuối cùng cũng được làm mẹ. Chị kể, trước đây làm nhân viên bán xăng dầu, mang thai hai lần sẩy cả hai. Đến lần thứ 3, chị nghỉ việc và quyết phải giữ thai bằng được. Những tuần đầu, cái thai thường xuyên dọa sẩy. Sợ quá, chị phải vào bệnh viện nằm dưỡng thai cho đến ngày sinh.
Cách nào để giữ thai?
Theo BS. Thu Hà, 60% trường hợp ST tự nhiên là hậu quả sai lạc nhiễm sắc thể trong quá trình phân chia của trứng đã thụ tinh hay trong giai đoạn phôi, do những tác nhân như tia X, nhiễm siêu vi, nhiễm độc hóa học. Khoảng 15% trường hợp là do chấn thương, nhiễm khuẩn, thiếu dinh dưỡng, tiểu đường, nhược năng tuyến giáp hay bất thường giải phẫu cơ quan sinh dục ở người mẹ…
“Nếu có dấu hiệu dọa ST (xuất huyết âm đạo và đau bụng nhưng thai nhi vẫn còn sống), cần nghỉ ngơi tại giường, phải kiêng lao động, kiêng giao hợp, nên ăn uống thức ăn mềm, dễ tiêu, tránh táo bón, dùng thuốc theo chỉ dẫn của BS. Nếu đã điều trị như trên nhưng vẫn ra huyết hoặc đau bụng nhiều hơn thì phải đi bệnh viện để xác định tình trạng thai, từ đó BS có quyết định tiếp tục điều trị giữ hay bỏ thai. Để phòng ngừa ST, các chị em nên lưu ý: Khi mang thai, cần có chế độ dinh dưỡng cân đối, uống bổ sung viên sắt, axít folic để tránh thiếu máu và thiếu axít folic, vì đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng gây ST, nên đi khám thai định kỳ tại cơ sở y tế có chuyên khoa sản; nên giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh giao hợp vì tình trạng nhiễm khuẩn âm đạo, tử cung cũng là nguyên nhân gây ST; tránh lao động nặng, không ngâm mình dưới nước ao tù, không mang giày cao gót vì có thể té ngã; tránh tiếp xúc với các chất độc hại như rượu, bia, thuốc lá, thuốc trừ sâu, thuốc nhuộm. Không tự ý dùng thuốc, cho dù là thuốc cảm thông thường hoặc thuốc bổ. Khi dùng thuốc cần có sự hướng dẫn của BS”, BS. Thu Hà khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)