Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Nguy cơ mất thương hiệu cá ngừ đại dương

Tạp Chí Giáo Dục

Thương hiệu cá ngừ đại dương Phú Yên đang có nguy cơ bị mất trước tình trạng xuất hiện kiểu đánh bắt hủy diệt, dụ cá bằng đèn cao áp.

Gần 2 tháng nay, ngư dân ở Bình Định, Khánh Hòa trúng đậm cá ngừ. Kết quả này chủ yếu do ngư dân chuyển sang cách đánh bắt dùng đèn cao áp dụ cá. Trong khi đó, những ngư dân Phú Yên lâu nay đánh bắt bằng vàng câu thì sản lượng giảm sút rõ rệt. Lão ngư Trần Đình Thống (82 tuổi, ở P.6, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) cho biết: “Kể từ ngày xuất hiện câu cá ngừ bằng điện công suất cao (2.500 W), các tàu câu cá ngừ đại dương truyền thống lâu nay bằng vàng câu, thẻo câu sản lượng giảm rõ rệt.

Cá ngừ đại dương do một số ngư dân Bình Định câu bằng đèn cao áp chất lượng rất kém, không xuất khẩu được – Ảnh: Đức Huy

Trước đây, mỗi chuyến câu được hơn 20 con, nhưng nay chỉ được từ 5-7 con, thậm chí có tàu không câu được con nào”. Ông Lê Đức Tuồng, Trưởng phòng Quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Chi cục Quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Phú Yên) cho biết: “Ngư dân Bình Định bắt chước cách khai thác của ngư dân Trung Quốc. Cách đánh bắt này rất nguy hại đến sức khỏe của người lao động”.

Tại các cơ sở thu mua ở Phú Yên, giá cá ngừ đại dương do các ngư dân Bình Định đánh bắt bằng cách dùng đèn cao áp dụ chỉ dao động từ 100.000 -115.000 đồng/kg trong khi giá cá ngừ đánh bắt truyền thống từ 170.000 – 180.000 đồng/kg.

Anh Huỳnh Tất Đạt, nhân viên kiểm tra chất lượng của DNTN Lợi Anh (TP.Tuy Hòa), cho biết: “Chất lượng cá đánh bắt bằng đèn cao áp kém xa so với cách đánh bắt truyền thống do cá bị dụ vào vùng ánh sáng quá mạnh và nóng. Cá câu lên bị tiếp xúc với nhiệt độ cao từ các bóng đèn cao áp nhìn bề ngoài thì rất đẹp nhưng bên trong thịt đỏ bầm, thậm chí bầm như sô cô la, phân hủy rất nhanh. Còn cá ngừ đại dương đánh bắt theo kiểu truyền thống có màu đỏ hồng rất đẹp. Mới đây, một tàu cá Bình Định bắt được 61 con, nhưng qua kiểm tra chỉ có 4 con đạt loại B, còn lại đều không đạt”.

Lão ngư Trần Kim Hoa (TP.Tuy Hòa), người được coi là cha đẻ của nghề câu cá ngừ đại dương, lo lắng: “Các tàu đánh bắt sử dụng đèn cao áp để dụ nên cá nhỏ, cá lớn cũng theo, rồi họ bắt theo kiểu tận diệt. Nếu con nào sống sót thì cũng chịu hậu quả là trứng cá hư, không thể sinh sản được do sức nóng của đèn cao áp hơn 2.500 W”. Anh Huỳnh Tấn Đạt cho biết: “Hiện thương hiệu cá ngừ đại dương Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế, nếu cứ để tình trạng này xảy ra thì sẽ ảnh hưởng đến thương hiệu mà chúng ta đang cố gắng xây dựng, thậm chí có nguy cơ mất thương hiệu”.

Đức Huy (TNO)

Bình luận (0)