Mỗi năm, TP.HCM cần khoảng 300.000 lao động đã qua đào tạo ở các trình độ TC, CĐ và ĐH. Tuy nhiên, số cử nhân thất nghiệp sau khi ra trường vẫn khá cao do không có định hướng chọn ngành nghề, chọn trường ngay từ đầu. Vì vậy, ngay từ bây giờ phụ huynh và học sinh cần cân nhắc kỹ để có hướng đi phù hợp.
Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) giải đáp thắc mắc của phụ huynh
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo, Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) trong chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” năm 2019 tại Trường trung học Thực hành Sài Gòn (TP.HCM) mới đây. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức với sự đồng hành của các đơn vị.
Định hướng việc chọn ngành nghề, ông Cường cho rằng có 5 nhóm ngành học sinh có thể theo học mà không lo sợ thất nghiệp. Cụ thể là nhóm ngành công nghệ (điều khiển tự động, công nghệ robot, công nghệ máy in 3D…), đây là nhóm ngành thu hút nguồn nhân lực nhiều nhất (chiếm 35%) từ nay cho đến năm 2035; nhóm ngành kinh tế; nhóm ngành tự nhiên; nhóm ngành xã hội và nhóm ngành sức khỏe.
“Bên cạnh kiến thức chuyên môn, ngành nghề nào cũng đòi hỏi kỹ năng, đặc biệt là ngoại ngữ và tin học. Học sinh nên chọn ngành phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình và nhu cầu của xã hội để có được công việc tốt sau khi ra trường” – Ông Cường khuyên.
Cũng liên quan đến việc chọn ngành nghề, ông Nguyễn Trung Nguyên (đại diện Trường TC Công nghệ thông tin Sài Gòn SITC) thông tin: hiện trường đang đào tạo 5 ngành nghề, trong đó có 3 ngành liên quan đến công nghệ thông tin là thiết kế đồ họa đa phương tiện; công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông và công nghệ kỹ thuật phần cứng máy tính. “Buổi sáng các em sẽ học văn hóa và học nghề, buổi chiều học tiếng Anh. Với trình độ tiếng Anh IELTS 4.5 (hệ 9+2) và IELTS 5.5 (hệ 9+3) cùng với bằng trung cấp và giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT các em có thể chuyển tiếp lên CĐ, ĐH hoặc đi du học” – thầy Nguyên cho biết.
Phụ huynh tìm hiểu thông tin tuyển sinh sau THCS tại Trường trung học Thực hành Sài Gòn
Tại chương trình, phụ huynh của em Tất Minh Châu (lớp 9A4) hỏi: “Trước đây, học sinh tốt nghiệp THCS chỉ được học tại các trường THPT dân lập, Trung tâm GDTX-GDNN hay trường TC. Tuy nhiên tôi vừa được biết học sinh tốt nghiệp THCS cũng được xét tuyển vào trường CĐ, thông tin này chính xác không?” Trả lời câu hỏi này, ông Cường khẳng định hiện nay tại TP.HCM có Trường CĐ Quốc tế được thí điểm đào tạo bậc CĐ cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS. Theo đó các môn học văn hóa theo hình thức của trung tâm GDTX, sau khi hoàn thành các môn văn hóa theo quy định sẽ được dự thi tốt nghiệp THPT. Ra trường các em có bằng THPT và bằng CĐ.
Giải đáp thắc mắc của học sinh về các môn thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, bà Nguyễn Đặng An Long (Phó Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết: “Dù thi vào trường chuyên hay trường thường thì học sinh đều phải thi chung 3 môn: toán, ngữ văn và ngoại ngữ. Riêng những em vào trường chuyên phải thi thêm một môn chuyên”. Về cách tính điểm, đầu tiên học sinh sẽ được xét môn chuyên của NV1 (trường A), nếu không đạt vẫn được xét tiếp NV2 môn chuyên (trường B). Nếu học sinh không đạt cả 2 NV trên vẫn được lấy tổng điểm toán, ngữ văn và ngoại ngữ (đề chung) xét vào lớp không chuyên của trường chuyên.
1 Phụ huynh Trường trung học Thực hành Sài Gòn đặt câu hỏi với Ban tư vấn
“Theo quy định, NV2 thường cao hơn hoặc bằng NV1 một điểm, NV3 sẽ cao hơn NV2 một điểm. Vì vậy các không nên đăng ký cả 3 NV cùng một trường. Ngoài ra còn một số trường có đề thi riêng, nếu học sinh quan tâm có thể đăng ký thi vào trường này”- bà An Long cho biết.
Kiều Khánh
Bình luận (0)